Thần tượng lớn của tôi và nhiều người đã rời cõi tạm, nhưng giọng ca của bà sẽ vọng mãi tới thiên thu.
Hơn chục năm cuối đời, danh ca Thái Thanh phải sống cùng căn bệnh Alzheimer. Đã có những lúc bà không nhớ gương mặt của những người thân thương nhất, nhưng lời bài hát thì hiếm khi quên. Có thể nói, lịch sử tân nhạc Việt Nam chia làm hai giai đoạn: Trước và sau khi Thái Thanh xuất hiện. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói: Nếu không có Phạm Duy thì theo thời gian sẽ có một Phạm Duy khác, nhưng Thái Thanh thì “tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả” (người trước kẻ sau không ai bằng).
Sau Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly xuất hiện. Khánh Ly, với chất giọng trời phú tuyệt hảo, khi lên rất cao, khi xuống rất trầm, hát tình ca thì lả lơi, hát phản chiến thì phẫn nộ căm hờn, chính là chiếc hỏa tiễn đưa nhạc Trịnh Công Sơn lên tột đỉnh. Lệ Thu, với kỹ thuật điêu luyện đến xuất thần nhập hóa, chuốt cho đến độ không còn một chữ nào là không thể đẹp. Một trời phú, một do khổ luyện, đã thực sự ở một đẳng cấp hoàn toàn khác so với phần còn lại. Họ là hai ngôi sao sáng chói nhất trong làng âm nhạc xuyên qua hai thế kỷ.
Nhưng cả hai đều phải thừa nhận: Thái Thanh ở một tầm vóc khác. Họ là hai ngôi sao sáng nhất, nhưng Thái Thanh lại là mặt trăng.
Nhà văn Thụy Khuê viết rằng: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ...”.
Giọng ca của Thái Thanh là tiếng lòng của người Việt, là tiếng mẹ ru con, là tiếng tình nhân ru nhau, là tiếng vọng khổ đau của “em hỏi anh bao giờ trở lại”, là niềm tự hào “tôi yêu tiếng nước tôi”, là thiền ca của Phạm Thiên Thư, là dân ca của “trèo lên cây bưởi hái hoa”… Phạm Duy gọi đó là “một giọng hát diễm tuyệt” với tất cả hạnh phúc và khổ đau, trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng.
Thái Thanh là ca sĩ duy nhất mà ở tuổi thất thập, hát “Tuổi 13” vẫn thấy tràn đầy nét tinh nghịch hồn nhiên, hát “Ngày xưa Hoàng Thị” vẫy đầy ngây thơ trinh khiết. Vì giọng ca ấy không biết già, giọng ca không có tuổi, giọng ca đã “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, đã chứng kiến những bi kịch lớn nhất, khủng khiếp nhất của gia đình mình, đất nước mình, dân tộc mình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói về bà: “Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tí, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau”.
Thần tượng lớn của tôi và nhiều người đã rời cõi tạm, nhưng giọng ca của bà sẽ vọng mãi tới thiên thu.