Cây chung một cội, nước từ một nguồn, ngày Giỗ Tổ là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết những người con đất Việt khắp trong và ngoài nước, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn. Năm nay, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động tổ chức lễ Giỗ Tổ có những thay đổi, nhưng đây vẫn là thời khắc đặc biệt để mỗi người hướng về vùng đất cổ Phong Châu, về đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh, tưởng nhớ công đức tổ tiên.
Trang nghiêm, thành kính và an toàn
“Nhớ ngày Giỗ Tổ” đã trở thành một tập tục đẹp, mang sức sống trường tồn trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng nghìn năm nay. Tín ngưỡng không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ, mà còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước, từ đó góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi của người Việt Nam. Có thể nói, tinh thần và tình cảm cộng đồng như hòa trong một gia đình Tổ quốc lớn lao hơn, thể hiện ở việc thờ cúng Quốc Tổ. Đây là sự độc đáo ít có ở bất cứ dân tộc nào và thế giới cũng ghi nhận điều ấy khi UNESCO đã ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vào dịp này hàng năm, đền Hùng ở Phú Thọ trở thành điểm hội tụ tâm linh, là điểm hành hương về nguồn của con dân đất Việt khắp trong và ngoài nước. Tháng ba nữa lại về, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt hơn, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức Lễ Giỗ Tổ cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 Hồ Đại Dũng khẳng định: “Vẫn bảo đảm tổ chức trang nghiêm, thành kính, an toàn, tiết kiệm”.
Theo đó, kỳ lễ năm nay chỉ tổ chức 3 hoạt động lễ chính, gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ (đã diễn ra ngày 29.3, mồng 6.3 ÂL); và Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương vào sáng ngày 2.4 (mồng 10.3 ÂL). Đại diện tỉnh Phú Thọ thay mặt nhân dân cả nước dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng, cầu cho quốc thái dân an; không tổ chức nghi thức đoàn rước kiệu từ sân hành lễ; các đơn vị không thành lập đội tế; các xã, phường, thị trấn ven khu di tích không tổ chức lễ rước kiệu về Đền Hùng vào ngày 9.3 ÂL, các hoạt động phần hội cũng bị hủy…
Ngoài vùng đất Tổ Phú Thọ có đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh là nơi diễn ra những hoạt động chính của Lễ Giỗ, ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, vào ngày 10.3 ÂL hàng năm, nhân dân và các cấp chính quyền đều thành kính tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Năm nay, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cách ly toàn xã hội 15 ngày để phòng, chống Covid-19, Lễ dâng hương sẽ không được các địa phương tổ chức tập trung nhằm bảo đảm an toàn cho mọi người.
“Hướng về tổ tiên là tâm lý mang tính truyền thống, có thể gọi là bản sắc của người Việt. Tưởng nhớ đến tiền nhân - những người đã có công với dân với nước trong lịch sử là điều rất đáng quý. Tuy nhiên, mọi thực hành tín ngưỡng phải phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện xã hội nhất định” - GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam bày tỏ. “Trong tình hình đại dịch đang diễn ra, không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, nhìn ở bình diện toàn cầu, khoảng 200 quốc gia có người nhiễm Covid-19 đều có chính sách quy định hạn chế hoặc tạm dừng sinh hoạt đông người, đặc biệt là những nơi thực hành tín ngưỡng tâm linh. Ở Việt Nam, bảo đảm an toàn của cộng đồng là trên hết, việc thực hành tín ngưỡng cũng phải đáp ứng yêu cầu ấy. Hơn nữa, không phải cứ tập trung vào vùng đất của chủ điện thờ Vua Hùng mới là trọn vẹn, mọi người ở bất cứ đâu có thể thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ tiền nhân, quan trọng nhất là đáp ứng được tâm lý hướng về nguồn cội”.
Hướng về cội nguồn bằng tâm thức dân gian để giữ nét đẹp truyền thống |
Nguồn: baophutho.vn |
Gắn kết đồng bào, định vị giá trị Việt
Không chỉ ở trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng tổ chức các hoạt động bái vọng về nguồn cội trong ngày Giỗ Tổ. 5 năm qua, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu (Chiến lược phối hợp tổ chức Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu) đã tổ chức các hoạt động dâng hương, chương trình văn hóa nghệ thuật hướng về quê hương đất nước và giao lưu với bạn bè nước bản xứ; hội thảo và tọa đàm khoa học... Các hoạt động ấy đã kết nối kiều bào tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Ba Lan, Canada... hướng về ngày Giỗ Tổ, qua đó gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, định vị giá trị Việt trên toàn cầu, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Năm 2020, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo kiều bào. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19, nên Ban Dự án quyết định, thay vì tổ chức trên môi trường thực tế - Lễ Giỗ Tổ tập trung (môi trường truyền thống) chuyển sang tổ chức trên không gian internet, với tên gọi Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu Online. Theo TS. Nguyễn Thị Bích Yến, Chủ nhiệm Dự án: Ngày Quốc Tổ Việt Nam Online tổ chức cuộc thi viết status Hướng về Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, từ ngày 2.4 - 31.5 (công bố giải thưởng vào ngày 21.6), gồm các bài viết hoặc video clip thể hiện tình cảm với quê hương, đất nước, với tiên tổ; cảm xúc tự tôn, tự hào dân tộc, kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế; những câu chuyện cảm động về tình người xa xứ, những câu chuyện của bà con kiều bào, bạn bè quốc tế giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, đại dịch... Bên cạnh đó là chương trình Tâm hương hướng về Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu: Vận động toàn thể bà con trong nước và kiều bào khắp nơi trên thế giới đồng loạt thay đổi hình ảnh avatar trên trang Facebook cá nhân, Fanpage tập thể bằng logo Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu vào đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 10.3 ÂL.
Đây là một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, thành kính hướng về quê cha đất Tổ. Theo TS. Nguyễn Thị Bích Yến: “Kể từ khi phát động Ngày Quốc Tổ Việt Nam Toàn cầu Online 2020, chúng tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, công chúng trong nước và kiều bào, và cả bạn bè quốc tế. Dù trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng, ai cũng hoang mang, lo lắng, nhưng các bạn trẻ rất nhiệt huyết, đặc biệt là những vận động viên chuyên nghiệp, những trí thức trẻ trong và ngoài nước. Họ đã cùng chúng tôi lan tỏa, kêu gọi bạn bè thay avartar Ngày Quốc Tổ Việt Nam Toàn cầu liền một lúc như muốn “nhuộm đỏ Facebook”. Nhiều cô chú, anh chị lớn tuổi không rành về công nghệ, lại trong lúc đại dịch, cách ly, không nhờ con cháu được, nên chốc chốc lại gọi điện nhờ chúng tôi chỉ dẫn tham gia, cũng rất vui...”.
“Trong thời gian đại dịch này, hơn bao giờ hết, chúng tôi - những người con xa xứ càng thấu hiểu hơn tình thân ‘máu đỏ, da vàng’, tình yêu nguồn cội sẽ cổ vũ và ‘sưởi ấm ba đông’, giúp chúng ta chiến thắng mọi nghịch cảnh. Vì vậy, việc tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam Toàn cầu Online sẽ tiếp tục thực thi sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc, gắn kết tình đồng bào” - TS. Nguyễn Thị Bích Yến chia sẻ.