Luôn có nhân vật người cha, người mẹ xuất hiện trong mỗi bộ phim truyền hình nhưng có vẻ như hình ảnh về những nhân vật này trên phim chỉ được khắc họa sơ sài, nhạt nhòa. Họ được một chỗ đứng trong câu chuyện nhưng sự xuất hiện đó cũng chỉ để làm nền cho những nhân vật chính và thường được xây dựng theo một kiểu mẫu hết sức nhàm chán.
Công thức vai diễn
Đạo diễn Lê Hoàng tổng kết rằng hầu hết các vai cha mẹ trong phim Việt đều được xây dựng theo khuôn mẫu: Hoặc là chịu nghèo khổ, hiền lành, thương con; hoặc là giàu sang, quý phái và có chung vai trò là xen vào ngăn trở cách sống, suy nghĩ của con cái.
Quả đúng như vậy, nhìn trên bình diện chung của phim truyền hình trong thời gian qua, nếu phân khúc các loại nhân vật thì rất dễ nhận thấy sự giống nhau đến nhàm chán của những “nhân vật kiểu mẫu”. Thậm chí vừa thấy diễn viên xuất hiện trong phim này thì liền ngay sau đó lại tiếp tục vào vai mới với tạo hình, tính cách tương tự trong phim trước.
Một đạo diễn nói rằng có thể các tác giả trẻ chưa đủ vốn sống để khai thác tính cách của nhân vật người mẹ hay hơn. Nhưng cũng không thể xem đó là lý do để biện hộ cho những nhân vật mẹ chỉ được khai thác sơ sài, đôi lúc chỉ là sự rập khuôn đến nhàm chán.
Cách giao vai theo kiểu đóng khung của nhiều đạo diễn cũng khiến cho các diễn viên không có cơ hội thoát khỏi hình ảnh của chính mình. Có người nói rằng bây giờ cứ thấy Diễm My, Hoài An là biết vai bà mẹ quý phái; Mỹ Dung, Phương Dung, Diệu Đức... thì sẽ là vai người mẹ bình dân, có phần tần tảo, quê mùa.
Ngay cả nghệ sĩ Kim Xuân cũng được mệnh danh “người mẹ đau khổ” khi có quá nhiều vai đầy nước mắt - cả phim điện ảnh lẫn truyền hình, như Chuyện tình xa xứ, Huyền thoại bất tử, Tiếng chuông trên sông trôi...; mới đây nhất là Ký sự pháp đình.
Đề cập qua loa, sơ sài
Đôi khi các nhân vật này cũng được tạo cho một quá khứ đau buồn, bi kịch nhưng chỉ được đề cập qua loa, sơ sài. Điều đó tạo nên sự hụt hẫng khi những khúc mắc đó không được lý giải trọn vẹn trên phim ở những tập sau. Ví dụ như ở phim Hoàng hôn ấm áp (đạo diễn Trần Ngọc Phong), nhân vật người mẹ của diễn viên Hoài An có một ký ức đau buồn.
Nhưng suốt chiều dài của phim, ký ức ấy chỉ được tái hiện bằng vài phân cảnh hồi tưởng, cũng chỉ nhằm mục đích lý giải về nhân vật chính. Trong phim Chỗ chỉ có một người (đạo diễn Trương Dũng), vai bà Ngọc của Trịnh Kim Chi cũng là một cuộc đời đầy thăng trầm, sóng gió, nhưng không có đất cho nhân vật trải hết nỗi lòng của một người mẹ phải xa chồng con, sống hy sinh và chịu đựng.
Nhân vật này để lại một dấu chấm hỏi trong lòng khán giả khi nỗi đau được khơi ra nhưng lại không được tái hiện trọn vẹn và đầy đủ cho cảm xúc.
Rất ít khi các nhân vật “dàn bao” này được cho nhiều đất diễn như bà Hương chịu thương chịu khó, đau khổ một đời của Trịnh Kim Chi trong phim Một ngày không có em, nữ tử tù của Hoài An trong phim Hoa thiên điểu (Nhâm Minh Hiền) hay ca sĩ Hồng Hạnh với vai bà mẹ chồng hiện đại, tưng tửng trong Cuộc chiến hoa hồng (đạo diễn Đinh Đức Liêm) hoặc “ông già Nam Bộ” của Tấn Hưng trong Khát vọng đồng quê (đạo diễn Phan Hoàng)...
Cần một tư duy“phá cách”
Hiếm hoi lắm phim truyền hình mới có những vai ông bố, bà mẹ được khắc họa có số phận hẳn hoi hoặc mang tính cách đặc biệt khiến người xem phải nhớ. Màn ảnh nhỏ đang phát sóng bộ phim Cha dượng (đạo diễn – NSƯT Phạm Thanh Phong, kịch bản Châu Thổ, do Senafilm và Công ty Sóng Vàng sản xuất) với vai chính là một phụ nữ trung niên thành đạt nhưng gặp nhiều sóng gió trong cuộc sống gia đình.
Chuyện phim xoay quanh cuộc đời của nhân vật lớn tuổi này nhưng đó không hề là một rào cản mà khán giả lại thấy cuộc sống được soi theo một chiều khác, mới lạ hơn. Nhân vật chính Thi Mai (do diễn viên Tuyết Thu đóng) - song song với tuyến nhân vật trẻ bé Phương là con gái của Thi Mai - hoàn toàn mang đến sức thu hút cho bộ phim.
Nhân vật bà Hoài trong phim Có lẽ nào ta yêu nhau của ca sĩ Hồng Hạnh cũng là một vai bà mẹ ấn tượng. Rất yêu thương con gái nhưng không kìm nén nổi khao khát tình yêu, bà Hoài đã trốn chạy theo người tình như một cơn lốc. Nhân vật được xây dựng khá mạnh mẽ và táo bạo, khác hẳn với kiểu người mẹ hiền lành, chỉ biết yêu con tận tụy hy sinh.
Sự thay đổi hình ảnh nhân vật người cha, người mẹ trên màn ảnh quả thật đã mang đến góc nhìn khác, ấn tượng khác cho người xem. Đạo diễn Mỹ Khanh từng có một U6 & U7, bộ phim hài hước chỉ khai thác về người già mà đến nay vẫn được người xem nhắc nhở.
Đâu phải chỉ có “kép đẹp, đào xinh” mới có đủ sức giữ chân khán giả. Cuộc sống của những người lớn tuổi nếu khai thác tốt vẫn có thể tạo sức hút cho nhân vật. Bộ phim về đề tài gia đình Cuộc chiến hoa hồng chiếm cảm tình người xem một phần cũng nhờ có hình ảnh của “ba bà mẹ chồng” khá dí dỏm khi mỗi người dạy con dâu theo một kiểu.
Thật sự, đâu chỉ có những nhân vật trẻ mới có thể kéo khán giả đến với màn ảnh nhỏ. Những nhân vật cha, mẹ nếu được khai thác ở góc nhìn đa chiều, mang tính đột phá vẫn có thể thu hút người xem.
Theo NLĐ |