Văn nghệ trong nước
Danh thơm "Nữ hoàng tuồng" còn mãi...
09:19 | 27/04/2020

Tin Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đàm Liên, người được mệnh danh “Bà chúa sân khấu tuồng”, “Nữ hoàng tuồng”… qua đời ngày 25-4 tại Hà Nội, khiến nhiều người yêu nghệ thuật tuồng vô cùng tiếc nuối.

Danh thơm "Nữ hoàng tuồng" còn mãi...
Nghệ sĩ Nhân dân Đàm Liên

Chúng tôi từng gặp NSND Đàm Liên nhiều lần, ở mỗi câu chuyện của bà luôn là sự trăn trở về nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng. Bà mong mỏi có sức khỏe để tiếp tục hoàn thành những công trình, cuốn sách nghiên cứu về tuồng; truyền dạy và thổi ngọn lửa tình yêu với tuồng cho những người trẻ. Ngôi nhà nhỏ, nơi bà sống cùng cô con gái duy nhất trong ngõ ở phố Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) vì thế mà luôn có những người trẻ tìm đến. Ở đó còn đầy ắp tiếng cười, khi thì trong trẻo vui tươi; lúc lại da diết, xót xa; khi thì điên dại… Đó là dấu ấn của Đàm Liên, làm nên tên tuổi của Đàm Liên khi bà thực hiện công trình nghiên cứu về tiếng cười trong nghệ thuật tuồng với 16 điệu cười riêng của mình và làm băng đĩa về tiếng cười trên sân khấu tuồng. Khán giả thấy một bà Huyện trong “Nghêu Sò Ốc Hến” cười khích một cái rồi nín ngay lúc đánh ghen; một Hồ Nguyệt Cô trong “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” cười như điên dại vì quá ám ảnh, vì quá yêu, quá say để mất viên ngọc quý vào tay người yêu mà mãi mãi mất kiếp người… Nghệ sĩ Đàm Liên từng nói rằng, nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng, tiếng cười có thế mạnh đặc biệt, nó tạo nỗi ám ảnh và sự day dứt cho người xem.

NSND Đàm Liên tên đầy đủ là Đàm Thị Liên, sinh năm 1943 tại xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên trong một gia đình nghệ thuật, mẹ bà-cố nghệ nhân tuồng Trần Thị Bảy-từng nổi tiếng trong gánh hát của ông Bầu Leo. Từ nhỏ, Đàm Liên đã đam mê nghệ thuật tuồng, 15 tuổi theo hát tuồng. Bà từng tâm sự, nghệ thuật tuồng là bộ môn nghệ thuật thật đặc biệt, đòi hỏi người hát phải hết sức say mê, công phu rèn luyện mới có thể hát thành công. Năm 1960, Đàm Liên vào vai Trưng Trắc trong vở tuồng “Trưng Nữ Vương”, sau đó có dịp biểu diễn cho Bác Hồ xem và được Bác Hồ khen. Những năm sau đó, trăn trở với tuồng, Đàm Liên cùng chồng là nhạc sĩ Vĩnh An đã mạnh dạn tìm cách đưa tuồng trở thành một loại hình ca hát trong các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, góp phần lan tỏa nghệ thuật tuồng đến với đông đảo công chúng khắp mọi miền đất nước.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam không khỏi xúc động khi nhắc về nghệ sĩ tiền bối Đàm Liên: “Từ nhỏ tôi đã theo bố của mình-nghệ sĩ Phạm Ngọc Bích-đến sân khấu của nhà hát để xem biểu diễn. Nhớ nhất là vai diễn của ông với cô Đàm Liên trong vở “Nữ tướng Đào Tam Xuân”. Cô Đàm Liên vào vai nữ tướng. Ngày đó, cô mới ở trong Đoàn tuồng Liên khu 5 ra, còn hát theo những điệu hát Nam. Chuyển ra Hà Nội, gia nhập Nhà hát Tuồng Việt Nam, cô được NSND Bạch Trà chỉ dạy rất tận tình nên nhanh chóng hòa nhập theo lối hát, lối diễn của tuồng Bắc. Rút ruột rút gan với nghệ thuật tuồng cùng tài năng đã đưa cô Đàm Liên trở thành một nghệ sĩ lớn, một tấm gương điển hình cho các thế hệ nghệ sĩ chúng tôi học hỏi, noi theo”.

Nhắc đến Đàm Liên là nhắc đến vai diễn để đời, đóng đinh tên tuổi của bà trong lòng công chúng phải kể đến vai diễn xuất thần trong trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”. Với vai diễn này, bà đã đạt được kỷ lục trong nghệ thuật tuồng Việt Nam với hơn 2.000 đêm diễn. Những vai diễn tuồng xuất sắc bà hóa thân và vai diễn trong "Ông già cõng vợ đi xem hội" đã được nghệ sĩ Đàm Liên diễn ở nhiều nước, như: Nga, Bulgaria, Ba Lan, Italy, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ấn Độ...

Sự say nghề của NSND Đàm Liên không chỉ khiến bà luôn luôn tìm tòi học hỏi, sáng tạo cho chính mình mà còn chăm lo nghề cho các lứa nghệ sĩ kế tục. Các NSND: Minh Gái, Văn Quý, Hương Thơm, Hồng Khiêm, Văn Thủy, và các NSƯT: Minh Tâm, Bích Tần, Kim Oanh… ở Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện nay đều là học trò của bà.

Hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, NSND Đàm Liên đã nhận được 7 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương; năm 1993, bà được phong tặng danh hiệu cao quý NSND. Một vinh dự lớn đến với Đàm Liên là Viện Sân khấu-Điện ảnh công bố kết quả điều tra xã hội học năm 1992, NSND Đàm Liên là một trong những nghệ sĩ được khán giả yêu thích nhất.

 “Những ngày cuối đời, dù nằm trên giường bệnh nhưng cô Đàm Liên vẫn say sưa nói về nghệ thuật tuồng, vẫn đau đáu với những khoảng trống nhân lực của tuồng hiện nay. Một nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật cho đến hơi thở cuối cùng. Cô sẽ mãi là ngôi sao sáng của sân khấu tuồng Việt Nam”, ông Phạm Ngọc Tuấn bùi ngùi nói.

Lễ viếng NSND Đàm Liên được tổ chức hồi 9 giờ ngày 28-4-2020. Lễ truy điệu và đưa tang diễn ra vào 10 giờ cùng ngày tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (Mai Dịch, Hà Nội); hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội).

Theo Vương Hà - QĐND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng