Văn nghệ trong nước
Quanh ấn quý Trần Triều Quốc Bảo vừa phát lộ
15:52 | 10/07/2009
Cuối tháng 6 vừa rồi, trên các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt loan một tin vắn: trong quá trình nghiên cứu di tích điện Văn Lộc (thờ Đức Thánh Trần) ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc ( Định) cán bộ khoa học đã phát hiện tại đây đang lưu thờ một chiếc ấn cổ...
Quanh ấn quý Trần Triều Quốc Bảo vừa phát lộ

Tình cờ phát lộ

Thường là vào đầu năm, tháng giêng hoặc hai, ngành văn hóa Định vẫn có cái lệ kiểm kê hiện vật ở các khu di tích. Chắc cụ thủ từ Trần Văn Toản tại điện Văn Lộc ở xóm Phúc, làng Sùng Vân, xã Mỹ Thuận của huyện Mỹ Lộc phải ngạc nhiên lắm khi chứng kiến nét mặt nửa kinh ngạc nửa rạng rỡ của người đại diện của Sở Văn hóa khi ông đang săm soi một chiếc ấn mặt ngoài phết sơn ta đã bong tróc nham nhở...

Thì chiếc ấn ấy vẫn lưu trong đám đồ thờ lẩu lâu tại cái điện thờ của làng này. Thì bao năm rồi đại diện của ngành văn hóa vẫn xuống làm cái việc kiểm kê nhưng có thấy ông nào có kiểu mắt chữ O miệng chữ A như vị này?

Lại thấy lạ hơn khi ông này dặn cụ cứ tiếp tục cái việc trông điện thờ cẩn thận còn mình thì quày quả quay xe biến đâu mất.

Ngày hôm sau nữa, cụ thủ từ điện Văn Lộc nghênh tiếp mấy ông khách quý. Ngoài vị khách ở Sở văn hóa hôm qua còn có mấy vị mà cụ quen mặt như ông Thư, GĐ Bảo tàng tỉnh và ông Nguyễn Xuân Năm, GĐ Sở Văn hóa Thông tin Định.

Mấy vị khách lại vẫn tiếp tục săm soi chiếc ấn long tróc sơn ấy. Linh tính mách cho cụ có sự chi lạ về chiếc ấn thì mấy ông chức việc của ngành văn hóa mới cất công về xóm Phúc này?

Họ còn mang theo hộp sơn đỏ, và với vẻ trịnh trọng, họ đưa ấn vào hộp sơn rồi lần lượt in lên nhiều tờ giấy... Rồi họ dồn hỏi cụ nhiều thứ về chiếc ấn này. Nhưng cụ chỉ biết đại khái vầy vậy là chiếc ấn được thờ đã từ lâu tại điện nhưng dường như cụ cũng vui lây khi chứng kiến vẻ mặt rạng rỡ của mấy vị khách...

Rồi điều băn khoăn của cụ thủ từ cũng đã được giải đáp...

Tôi may mắn được ngồi với ông Nguyễn Văn Thư, GĐ Bảo tàng tỉnh Định. Chuyện của ông GĐ thì dài nhưng tóm lược thế này. Sau khi phát hiện chiếc ấn từng phủ lớp bụi thời gian tại điện thờ Văn Lộc, ông Thư cùng anh em đã cất công dò hỏi qua các cụ cao niên trong làng thì được biết điện thờ của xóm Phúc được xây từ lâu, thoạt đầu thì lợp gianh.

Năm 1942, điện được trùng tu lớn hơn, lợp ngói. Thượng lương điện ghi rõ Bảo Đại Nhâm Ngọ thập thất niên đông nguyệt cát nhật trụ thượng (ngày lành mùa đông năm Nhâm Ngọ niên hiệu Bảo Đại mười bảy, năm 1942 dựng nóc).

Năm 2005, điện lại được sửa sang khang trang như hiện nay. Nhân vật chính được thờ là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng một số danh nhân thời Trần. Trong số hoành phi câu đối của điện, giá trị có bức hoành Nam tư mệnh (Ngài nhận lệnh trấn giữ nước Nam) cùng cặp đối Kiến mã công lưu Đằng hải bắc/ Phục Trần danh tịnh Kiếp sơn đông (Lừng lẫy chiến công còn lưu Bạch Đằng/ Nghiệp lớn dựng nước còn mãi tại Kiếp Bạc).

Hiện đồ thờ trong điện có nhiều di vật giá trị cần được bảo tồn: 1 sắc phong niên hiệu Duy Tân năm 1911, 1 sập thờ, 1 bàn thờ, 7 bao kiếm thờ, lọ cắm hương, cây đèn... và đặc biệt là 11 chiếc ấn cùng một số di vật khác.


Đền Trần Tức Mạc Thiên Trường


Trong 11 ấn, có 6 ấn bằng gỗ, 3 ấn ngũ hổ, 1 thẻ bài và 1 bùa trấn yểm trong đó đặc biệt có chiếc ấn gỗ Trần Triều Quốc Bảo (TTQB). Ấn hình chữ nhật, có kích thước 13,9cmx 13,6 cm, dầy 3,5 cm. Núm ấn là hình sư tử hý cầu cao 9cm.

Từ thân ấn đến núm ấn có 5 bậc. Riềm ấn dày 1 cm. Ấn được sơn son thếp vàng đã long tróc nhiều và ngả sang mầu nâu. Mặt ấn nổi 4 chữ Hán Trần Triều Quốc Bảo theo kiểu triện. Nét khắc to nổi, rõ ràng gồm 2 hàng 4 chữ có nghĩa là ấn quý quốc gia của vương Triều Trần.

Qua tìm hiểu nghiên cứu, các nhà chức việc của Bảo tàng Nam Định đã dò tìm được xuất xứ chiếc ấn TTQB cùng một số ấn khác được dùng làm đồ thờ tại điện Văn Lộc là do Quan Tuần phủ Thái Bình kiêm án sát Yên Bái là Trần Gia Du sưu tầm được mang về thờ ở điện Vạn Lộc.

Sau khi phát hiện chiếc ấn cổ, UBND tỉnh Nam Định đã mời các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học, Viện Hán Nôm, Hội đồng Giám định cổ vật Quốc gia về Văn Lộc tổ chức giám định. Hội đồng đã kết luận: Ấn Trần Triều Quốc Bảo là ấn cổ, quý; ấn có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

Mặc dù ấn chỉ dùng cho việc thờ tự chứ không dùng trong hoạt động hành chính dưới Vương Triều Trần nhưng ấn TTQB có ý nghĩa rộng lớn hơn và niên đại sớm hơn so với ấn đang được sử dụng trong lễ Khai ấn đền Trần hiện nay (Ấn được dùng trong lễ Khai ấn đền Trần là ấn Trần miếu tự điển được khắc vào đầu thế kỷ XX).

Ngay khi thời điểm phát lộ ấn TTQB, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thiện Nhân, mặc dù bận trăm công ngàn việc, cũng đã bỏ thời giờ xuống Nam Định coi xét chiếc ấn quý này.

Nghĩ thêm về ấn chương Việt

Ngồi với TS Nguyễn Công Việt, Viện Phó Viện Hán Nôm là một cái thú. Ông Việt có thể nói là chuyên gia của một ngành có lẽ cũng còn đang hiếm hoi có tên là Ấn chương học. Nhưng ông Việt khiêm tốn cho biết mình chỉ là hậu bối của các nhà ấn chương Việt như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên...

Năm 2004, TS Nguyễn Công Việt đã công bố công trình Ấn chương Việt . GS Hà Văn Tấn đã nhận xét rằng, về bộ môn Ấn chương học Việt , công trình này không có gì có thể so sánh được.

Ấn chương học (Sphragistique) là môn học nghiên cứu về con dấu các đời. Ấn là ấn xuống. Chương là đánh dấu. Ấn chương học là khoa học nghiên cứu về các con dấu đóng trên các loại văn tự viết trên kim loại, vải, giấy nhằm khẳng định tính xác thực của nội dung văn bản, biểu thị quyền lực, pháp chế của nhà nước quân chủ, khẳng định quyền sở hữu...

Tóm lại, con dấu trên văn bản có 3 mục đích: Đảm bảo tính xác thực của văn bản. Khẳng định quyền sở hữu của văn bản cuối cùng là xác định niên đại của văn bản.

Qua TS Việt, mới hay thêm Việt mình có truyền thống ấn chương lâu đời.

Các Lạc tướng có ấn đồng dây thao xanh (đồng ấn thao thụ) tìm thấy ở văn hóa Hoa Lộc, văn hóa Bàu Tró.

Khi chữ Hán đã truyền vào Việt , chúng ta đã gặp một số con dấu thời Hán như Tư phố huyện ấn (tiếc thay con dấu hiếm hoi này không hiểu vì lý do gì lưu lạc sang tận nước Bỉ hiện nằm ở Brucxen).

Rồi vài con dấu tìm thấy ở các di chỉ Thiệu Dương (Thanh Hóa), ở Quảng Nam... cho ta nhiều ý niệm về ảnh hưởng của Đạo giáo ở thời kỳ sơ khởi. Rồi những con dấu bằng mã não hoặc bằng chì tại những di chỉ Ốc eo ở phía (thế kỷ VII đến IX)

Thời kỳ độc lập, ta tìm thấy các con dấu thời Trần như Môn hạ sảnh năm Long Khánh thứ 5 đời Trần Duệ Tông được chế năm 1377 là thứ ấn quan trọng trong hoàng cung nhà Trần. Sau đó là Bình Tường thổ châu chi ấn chế năm 1362 được học giả Nhật Bản Taniguchi Fusao khảo cứu.

Từ thế kỷ XV ta mới biết nhiều loại hình con dấu. Chính TS Nguyễn Công Việt đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu các loại hình ấn chương trong gia đoạn từ thế kỷ XV đến XIX. Ông cũng dụng công sưu tầm nghiên cứu và công bố các ấn chương của nhà vua, các quan chức triều đình và quan chức địa phương.

Qua việc nghiên cứu sưu tầm các ấn chương, TS đã xác định được quan chức chí các thời. Sự thay đổi của ấn chương được gắn với các cuộc cải cách hành chính từ triều Lê đến triều Nguyễn. Qua con dấu cũng xác định sự thay đổi một số tên đất thời Tây Sơn.

Chuyện với TS Việt, tôi lẩn mẩn nghĩ thêm, hội họa điêu khắc và thư pháp của Trung Quốc hầu như không tách khỏi ấn chương? Trên tranh, trên các bức thư pháp không chỉ một mà nhiều hình ấn chương ở các vị trí khác nhau đã tạo nên phong cách thi thư ấn họa chỉ có trong thư pháp Trung Hoa.

Đặc thù đó đã tạo thành các gu tiêu khiển của tầng lớp trí thức quan lại quý tộc và thương gia giàu có. Những vị hoàng đế phương Đông đã đổ thời gian tiền bạc vào việc chế tác sử dụng và thưởng thức ấn chương nâng nó lên thành một thứ nghệ thuật được coi là đặc biệt và cao sang.

Thiên hạ kêu bằng tư chương và nhàn chương. Nghệ thuật khắc ấn ngày một tinh mỹ đa dạng hình thành nhiều trường phái.


Mặt ngoài và núm ấn Trần Triều Quốc Bảo


Ấn chương TQ có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (770- 255 TCN) Tỷ là cách gọi ấn chương trước thời Tần Thủy Hoàng. Tỷ là quả ấn chế từ bùn đất. Từ vua đến thứ dân đều dùng. Sau đó phân chia giai cấp đẳng cấp, loại cao sang dùng ấn chế bằng kim loại cao nhất là bằng đá bằng ngọc.

Có tên Ngọc tỷ là thế... Có lẽ bắt đầu từ thời Tần Hán, ngọc tỷ được coi là báu vật của quốc gia! Mất ngọc tỷ bị coi như việc mất nước! Ấn chương thời Tần Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh... mỗi thời đều có đặc thù và độc đáo của nó.

Tỷ như thời Bắc Tống có Âu Dương Tu đã soạn nhiều bộ sách viết về ấn chương. Nhưng có lẽ ám ảnh hậu thế vẫn là thời Tần Hán. Lên ngôi hoàng đế, ông vua tiên khởi nhà Tần đã sai Lý Tư chế định ra thứ chữ tiểu triện trên cơ sở chữ đại triện.

Kiểu chữ tiểu triện khuôn theo hình vuông dạng chữ điền nét chữ linh hoạt, tuy khuôn vào hình vuông nhưng vẫn thể hiện sự mềm mại uyển chuyển. Chữ tiểu triện hầu hết được dùng làm thể chữ khắc trên các loại ấn chương và tỷ rồi danh từ ấn triện xuất hiện để chỉ tất cả các loại ấn khác nhau có khắc chữ triện!

Danh từ này còn tồn tại đến ngày nay truyền sang các nước khu vực qua giao lưu văn hóa và nước Việt mình chịu ảnh hưởng một cách thâm căn cố đế!


Nên khảo sát sưu tầm nghiên cứu giới thiệu tất cả những ấn tín liên quan đến triều Trần rồi đem tập trung tại ngôi đền Trần vẫn diễn ra Lễ hội khai ấn hằng năm. Đó là ý tưởng qua trao đổi giữa chúng tôi với nhiều nhà nghiên cứu quản lý trong đó có TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản, TS Nguyễn Công Việt - Viện Phó Viện Hán Nôm.

Qua trao đổi với một số nhà chức việc về văn hóa của Thành Nam, chúng tôi cũng được biết nguồn ấn tín nếu được quy tụ về đền Trần khá phong phú hiện tập trung chủ yếu ở các đền, điện thờ Trần Hưng Đạo.

Vậy nên thời buổi @ rồi nhưng vẫn không thiếu những nghệ này, nhà khác mỗi khi quyết định cho tán phát xuất bản những văn bản công trình của mình nhỏ như bài báo lớn đến công trình nghiên cứu về lĩnh vực này khác vẫn trịnh trọng áp khẩu triện hoặc vuông chữ nhật hoặc tròn, hoặc ôvan tên tác giả hoặc bút danh lên vị trí trang trọng của văn bản!

Chả riêng Trung Quốc hoặc ở ta, bên Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, Phi Luật Tân... tôi từng mục sở thị nhiều nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu có danh giá đi đâu cũng kè kè khẩu triện bất ly thân như thế!

Lại hồi cố một chút cái thời Tần Hán. Thời ấy, cái núm ấn làm theo hình thú vật nhưng không phải chó mèo tầm thường mà thứ thú hữu hình lẫn vô hình làm nên thứ tín ngưỡng tôn giáo như thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ hoặc long ly quy phượng.

Ngoài ra một số loài thú khác cũng vinh hạnh được đậu trên núm triện như sư tử lạc đà, ngựa... Nghệ nhân nào đó của nước Việt mình tạo ra cái ấn Trần triều Quốc bảo vừa phát lộ tại điện Văn Lộc, trên núm khắc hình sư tử hý cầu cũng không nằm ngoài định chế khuôn phép chế ấn thăm thẳm tít mù từ thời Tần Hán!

Từ kết luận của Hội đồng giám định, ông Nguyễn Văn Thư, GĐ Bảo tàng Nam Định cũng cho biết thêm, qua khảo sát nghiên cứu và những luận điểm đối chiếu, có thể đưa ra hai giả thuyết rằng quả ấn Trần Triều Quốc Bảo (TTQB) này có thể là quả ấn tại Trần miếu đã bị thất lạc và được ông Quan tuần phủ Trần Gia Du sưu tầm mang về thờ tại điện Văn Lộc này? Hoặc đã từng tồn tại một quả ấn mang nội dung TTQB bị thất lạc. Người đời sau đã mô phỏng lại ấn TTQB mang nội dung quốc bảo của vương triều Trần?

Một bộ sưu tập ấn Trần thành - Tại sao không?

Câu chuyện với ông GĐ Bảo tàng khiến tâm trí tôi ngược về vài đêm rạng mười bốn mười lăm ngày rằm tháng Giêng được dự Lễ khai ấn tại đền Trần. Người xe nườm nượp giăng kín các ngả về đền.

Phải là người may mắn thì mới len chen để được chứng kiến cái cảnh: Người chủ trì dùng con dấu đóng lên tờ giấy đầu tiên sau đó các vị trong Ban hành lễ đóng tiếp con dấu có chữ Trần Miếu Tự Điển (có nghĩa là Điển lệ thờ tự tại miếu nhà Trần) lên chính giữa những tờ giấy màu vàng và lùi xuống phía dưới là đóng con dấu nhỏ có hai chữ Trần Miếu.

Lễ khai ấn mang đậm ý nghĩa lịch sử nhân văn và tâm linh ấy không biết đã tồn tại bao đời rồi? Có sách cho rằng Lễ khai ấn xuất hiện (hoặc được khôi phục) vào khoảng thời Lê hoặc muộn hơn, dưới thời Nguyễn niên hiệu Minh Mệnh và phát triển dưới thời Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân?

Nhưng hằng hà sa số các tờ giấy vàng từng phát ra trong thời khắc thiêng liêng ấy đã mang lại niềm tin hy vọng, dù chỉ là mong manh cho biết bao người!

Ấn TTQB với nội dung ấn cùng hình tượng sư tử làm núm ấn đã gợi mở ra khả năng chiếc ấn quan trọng này trước khi ông quan tuần phủ sưu tầm được chắc hẳn đã thuộc về một điện thờ lớn quan trọng nào đó trong hệ thống thờ tự Triều Trần? Việc phát lộ này cho hậu thế biết đã từng tồn tại một quả ấn TTQB dùng trong Lễ khai ấn đền Trần như những lời từng truyền tụng trong dân gian?

Đây không chỉ là biểu tượng báu vật của triều Trần mà còn là biểu tượng của quốc bảo tồn tại dưới góc độ văn hóa tâm linh. Tiếc cái nỗi ngày nay hậu thế không còn giữ được các kim bảo truyền quốc tượng trưng cho đế chế Trần, nhưng dân gian bằng các điện thờ Đức Thánh Trần khắp mọi nơi trong nước, ngoài ý nghĩa lịch sử ra còn là cái neo vô hình giữ cho bền chặt tâm linh hồn cốt Đạo giáo trong lòng dân trong đó có việc lưu giữ ấn TTQB tại điện thờ Văn Lộc.


Mặt ấn Trần Triều Quốc Bảo


...Một collection, một bộ sưu tập về ấn tín thời Trần! Tại sao không? Đó là việc khảo sát sưu tầm nghiên cứu giới thiệu tất cả những ấn tín liên quan đến triều Trần rồi đem tập trung tại ngôi đền Trần vẫn diễn ra Lễ hội khai ấn hằng năm.

Đó là ý tưởng qua trao đổi giữa chúng tôi với nhiều nhà nghiên cứu quản lý trong đó có TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản, TS Nguyễn Công Việt.

Các ông còn cho rằng, đối với ấn TTQB nên chọn giải pháp tối ưu trong việc quản lý sử dụng và phục dựng. Chả hạn việc phục dựng có thể dưới nhiều hình thức như đúc đồng, chạm khắc gỗ hoặc bằng thạch cao. Cố gắng làm đúng như bản gốc nhất là phần văn khắc trên mặt ấn.

Rồi nữa việc quản lý sử dụng nên vận động thuyết phục đền Văn Lộc vì lợi ích chung nên để ấn TTQB quy tụ vào đền Trần. Với ý nghĩa ấn TTQB như một đồ thờ, đồng thời được sử dụng như chức năng của ấn Trần miếu tự điển trong Lễ khai ấn hằng năm để đáp ứng nguyện vọng của dân khắp nơi về chiêm bái?

Rồi nữa, nên có bản phục dựng ấn TTQB được lưu giữ tại điện Văn Lộc kèm các hình thức ghi nhận công tích cho ngôi điện nhỏ này?

Qua trao đổi với một số nhà chức việc về văn hóa của Thành Nam, chúng tôi cũng được biết nguồn ấn tín nếu được quy tụ về đền Trần khá phong phú hiện tập trung chủ yếu ở các đền, điện thờ Trần Hưng Đạo. Tại điện đền ấy còn phối thờ nhiều nhân vật lịch sử đời Trần như tượng thờ, bài vị, đồ thờ...

Những ấn tín các loại có nội dung văn khắc ghi tên tước vị của Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão và một số nhân vật lịch sử đời Trần. Nó biểu trưng cho các linh vị được thờ và thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa ấn tín với hình tượng thánh thần được thờ vv... và vv...

Nhưng cũng có ý kiến phân vân, liệu có nên làm cái việc quy tập các thứ ấn tín? Chả đã nhỡn tiền những hiện vật quý giá sau một thời gian ở tập thể đã từng rơi rụng thất thoát này khác?

Chi bằng các thứ quý vừa quý ít hoặc rất quý ấy cứ được lưu giữ mãi trong các đền chùa điện miếu bằng tấm lòng sùng kính của dân gian? Trên dưới 200 năm, ấn TTQB sở dĩ toàn mạng vì được nương náu ở ngôi điện nhỏ Văn Lộc qua bao tao loạn bể dâu là vì thế...

Một khu triển lãm trưng bày hoành tráng về một bộ sưu tập ấn tín thời Trần tại ngôi đền linh thiêng này chắc hẳn sẽ bắt mắt biết bao khách tham quan miền đất Thiên Trường một trong tứ trấn của Thăng Long? Rằng hay thì thật là hay nhưng cơ mầu chắc cũng còn không ít nhiêu khê này khác!

                                                                                                              Theo TP

Các bài mới
Các bài đã đăng