Văn nghệ trong nước
Chương trình “Tâm và nghiệp – Trọn vẹn một đời”
09:34 | 27/07/2020

Sáng 24-7, tại Hội trường Trịnh Công Sơn, trường ĐH Văn Lang, quận Bình Thạnh, Nhóm Thân hữu Trần Văn Khê phối hợp với trường ĐH Văn Lang tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh và 5 năm ngày mất cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê (24-7-1921 – 24-7-2020).

Chương trình “Tâm và nghiệp – Trọn vẹn một đời”
Tiết mục hòa tấu Ngẫu hứng chầu văn của giảng viên, sinh viên Nhạc viện TPHCM

Đây là hoạt động thiết thực nhằm hướng tới việc thành lập, ra mắt Quỹ Học bổng Trần Văn Khê và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông sẽ được tổ chức vào năm 2021.

Tham gia bàn tròn giao lưu, tọa đàm và biểu diễn có NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Kim Tiểu Long, NSƯT Huỳnh Khải, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, TS Nguyễn Nhã, Họa sĩ – NTK Sĩ Hoàng... cùng hàng trăm sinh viên trường ĐH Văn lang.

 

Chương trình “Tâm và nghiệp – Trọn vẹn một đời” ảnh 1
Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa cùng tham gia tọa đàm "Những bài học văn hóa từ GS Trần Văn Khê"

Tại đây, các đại biểu đã cùng dõi theo chương trình, xem trích đoạn phim tư liệu về cuộc đời GS-TS Trần Văn Khê, thưởng thức các tiết mục văn nghệ hấp dẫn: hòa tấu bình bán – kim tiềnNgẫu hứng chầu văn, Tô huệ chức cẩm hồi văn, Yến tước tranh ngôn, ca cổ Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, Hãy yên lòng mẹ ơi, ca nhạc Bức họa đồng quê…

GS-TS Trần Văn Khê sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, 6 tuổi đã làm quen với các nhạc cụ dân tộc và sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Từ thuở sinh thời đến lúc ông mất đi, ông luôn là một tấm gương sáng về tinh thần học hỏi, đạo đức, tài năng và trách nhiệm đối với việc gìn giữ, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc.

Những nghiên cứu của ông đối với âm nhạc dân tộc, cách thức ông truyền đạt hấp dẫn, lôi cuốn trong hành trình quảng bá âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam đến nhiều quốc gia trên thế giới, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả mộ điệu, khán giả, các nghệ sĩ và chuyên gia nghệ thuật trong nước, quốc tế.

Nhớ đến ông, bạn bè, thân hữu và đông đảo khán giả thường nhớ về một con người cả cuộc đời luôn chuyên chú tâm sức cho việc nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Pháp và khắp mọi nơi trên thế giới. 

Kể từ năm 1958, khi trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng tiến sĩ văn chương ngành nhạc học hạng tối ưu tại Đại học Sorbonne (Pháp) với bản luận văn Âm nhạc truyền thống Việt Nam, suốt 50 năm sau đó, ông hoạt động giảng dạy tại Pháp và đi đến 67 nước trên thế giới để giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Bằng tất cả niềm đam mê, sự yêu thương, quý trọng dành cho âm nhạc dân tộc, ông đã luôn tự đặt mình ở vai trò là một đại sứ âm nhạc truyền thống Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm âm nhạc truyền thống dân tộc ngang tầm với các nền âm nhạc cổ truyền của các nền văn hóa độc đáo khác trên thế giới.

Với tài năng và tâm huyết của mình, GS-TS Trần Văn Khê đã tạo dựng được uy tín rất cao trong giới nghiên cứu âm nhạc thế giới và trở thành thành viên của nhiều tổ chức âm nhạc quốc tế: thành viên của Viện hàn lâm khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Châu âu về Khoa học văn chương và Nghệ thuật, nhiều năm ông là thành viên rồi giữ vai trò Phó chủ tịch Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO, 10 năm liền được tín nhiệm ở vai trò Chủ tịch Ban tuyển chọn quốc tế của Diễn đàn âm nhạc châu Á…

Chương trình “Tâm và nghiệp – Trọn vẹn một đời” ảnh 2
Các em thiếu nhi Nhà thiếu nhi quận Gò Vấp biểu diễn ca khúc thiếu nhi "Con công hay múa"


Năm 2005, GS-TS Trần Văn Khê chính thức trở về Việt Nam sinh sống, ông đã tiếp tục công việc nghiên cứu, truyền đạt, giảng dạy âm nhạc dân tộc tại tư gia, đã tổ chức hơn 100 chương trình giao lưu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật dành cho tất cả khán giả yêu quý âm nhạc truyền thống dân tộc, với sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi trong và ngoài nước.  

Cũng tại tư gia của ông, Thư viện Trần Văn Khê đã được khánh thành vào năm 2012, lưu trữ nhiều tư liệu, hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý đã gắn bó với cuộc đời GS-TS Trần Văn Khê như: sách vở, báo chí, phim ảnh, sổ ghi chép, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh...

Sống trọn vẹn với đời, với nghề, với nghệ thuật truyền thống dân tộc, trước khi ra đi, GS-TS Trần Văn Khê đã căn dặn người nhà sử dụng tiền phúng điếu và các nguồn khác của ông để thành lập quỹ học bổng, xét trao cho các sinh viên âm nhạc dân tộc có thành tích học tập giỏi, các nghệ sĩ xuất sắc trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật dân tộc, các công trình nghiên cứu có giá trị về âm nhạc dân tộc, để góp phần gìn giữ và quảng bá nghệ thuật dân tộc Việt Nam trong đời sống xã hội hôm nay và mai sau.
Nay, khi thiên thời địa lợi nhân hòa, chương trình kỷ niệm 99 năm ngày sinh và 5 năm ngày mất của ông được tổ chức với sự hỗ trợ của trường ĐH Văn Lang, nhóm thân hữu Trần Văn Khê và nhà trường đã thống nhất cùng bắt tay thực hiện di nguyện cuối đời của ông - người nghệ sĩ tài hoa, nhà văn hóa lớn: từng bước chuẩn bị cho việc ra mắt Quỹ Học bổng Trần Văn Khê, xây dựng không gian văn hóa Trần Văn Khê tại trường ĐH Văn Lang, sẽ ra mắt vào năm 2021.

Theo Thúy Bình - SGGP



 

Các bài mới
Các bài đã đăng