Văn nghệ trong nước
Cùng nhau vượt qua mùa dịch
16:09 | 11/08/2020

Sau chuỗi ngày “bình thường mới”, nhiều địa phương trong cả nước tiếp tục căng mình đối mặt nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát với rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, trong gian khổ, hiểm nguy mới thấy rõ sức mạnh của tình đồng bào. Nhiều hoạt động tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn được tích cực triển khai rộng rãi trên cả nước. Đặc biệt, từ khắp các tỉnh, thành phố, hàng loạt chương trình đồng hành, chia sẻ hướng về những “tâm bão Covid-19” tại miền trung, nơi số ca nhiễm virus vẫn đang tăng.

Cùng nhau vượt qua mùa dịch
Khẩu trang, thiết bị y tế liên tục được Quỹ Sống gửi về hỗ trợ người dân Hội An và nhiều huyện tại tỉnh Quảng Nam.

Sáng kiến sẻ chia khó khăn

Đang ẵm đứa trẻ đen nhẻm chưa tròn hai tuổi trên tay đi bán vé số dạo khắp quận Tân Phú, nghe mọi người rỉ tai, chị Trần Thị Hoàng Lan vội đến cây ATM khẩu trang đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh nhận mấy chiếc khẩu trang miễn phí. Mẹ đeo khẩu trang, con cũng đeo khẩu trang, đứng vào miếng dán giãn cách hai mét tại cây ATM đợi tới lượt mình, chị Lan tâm sự, quê tận Hà Tĩnh, khó khăn quá nên chị phải gửi hai con lớn cho ông bà trông giúp, một thân một mình ôm đứa nhỏ vào miền nam kiếm sống. “Mình vào được gần hai tháng, mỗi ngày hai mẹ con đi bán vé số cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng chi tiêu. Nếu mai mốt dịch lan rộng không biết phải làm sao? Lo lắm! Mấy chiếc khẩu trang này với nhiều người không đáng bao nhiêu nhưng mình rất quý vì nó giúp hai mẹ con an toàn khi đi bán vé số. Trong lúc ai cũng khó khăn như vậy mà vẫn còn nhiều người nghĩ tới người nghèo thì còn gì bằng”, người phụ nữ miền trung xúc động nói.

Chiếc máy ATM khẩu trang này do anh Hoàng Tuấn Anh, “cha đẻ” ATM gạo đầu tiên tại Việt Nam tạo ra với mong muốn gia tăng sự an toàn cho người lao động, người nghèo trong mùa dịch. Đến thời điểm hiện tại, anh đã quyên góp được hơn 10.000 khẩu trang các loại để dành tặng người dân. Trong ngày phát đầu tiên, hơn 1.000 chiếc khẩu trang đã đến tay người cần. Anh Hoàng Tuấn Anh cho biết, dự kiến mỗi đợt trụ ATM đặc biệt này sẽ phát tặng khoảng 20.000 khẩu trang từ nguồn vận động đóng góp trong cộng đồng. Anh hy vọng sẽ có một triệu chiếc khẩu trang được trao cho người dân nhiều tỉnh, thành phố trong đợt dịch này: “ATM khẩu trang hoạt động nhanh và đơn giản hơn ATM gạo nên người dân rất dễ dàng trong việc tiếp cận. Hiện tại mỗi tuần chỉ cần phát một ngày nên sắp tới chúng tôi dự định sẽ cho những quận, huyện nào cần mượn máy để phát miễn phí tới bà con. Một máy như vậy xoay vòng cũng được bảy nơi trong tuần. Mỗi thành phố cần một, hai máy là đủ để cấp phát khẩu trang an toàn. Sau ATM khẩu trang này, chúng tôi tiếp tục nghĩ đến việc triển khai lại ATM gạo tại các tỉnh, thành phố đang căng mình chống dịch với mong muốn san sẻ bớt phần nào những khó khăn mà người dân, đặc biệt là người lao động nghèo đang gánh chịu”.

Cũng như anh Hoàng Tuấn Anh, mấy ngày này, nhiều cá nhân, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đang dõi mắt hướng về Đà Nẵng, Hội An trong làn sóng thứ hai của dịch Covid-19. Mỗi khi tin tức cập nhật về dịch bệnh thay đổi với số ca dương tính trong cộng đồng gia tăng xuất hiện trên phương tiện truyền thông, trái tim nhiều người lại xót xa, thương cảm. Đang tìm hướng cho hoạt động hỗ trợ trong đợt dịch này, nhà báo Trương Thị Hồng Thúy, phụ trách chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt” - một chương trình đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi ân tình từ thính giả cao tuổi. “Chú nói với mình vợ chồng chú già rồi, dành dụm được 200 triệu đồng. Chú rất muốn làm gì đó để hướng về Đà Nẵng lúc này. Chú muốn hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tâm dịch. Những chia sẻ của chú chạm vào tim mình. Mình tự hỏi, cô chú lớn tuổi như vậy mà vẫn làm được việc đó thì tại sao chương trình của tụi mình không làm cầu nối để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng tiếp sức các anh, chị đang làm nhiệm vụ tại nơi khó khăn, nhà báo Hồng Thúy kể lại.

Cùng nhau vượt qua mùa dịch -0

Mẹ con chị Trần Thị Hoàng Lan nhận khẩu trang miễn phí tại ATM khẩu trang. 

100 triệu dưỡng già và nhiều trái tim ấm

Hơn một ngày sau khi bài viết dạt dào cảm xúc được đăng tải trên trang cá nhân, số tiền mà nhà báo Hồng Thúy nhận về cho đợt vận động đầu tiên đã vượt mức 500 triệu đồng. Bất ngờ, xúc động và cảm phục là cảm xúc của nữ nhà báo. Điều đáng quý là trong số những tấm lòng hảo tâm đó có nhiều người con Đà Nẵng xa quê và cả những người lao động bình thường, không hề dư dả.

Nhà báo Hồng Thúy kể thêm: “Chú thính giả ủng hộ 200 triệu đồng còn rủ bạn bè mình cùng tham gia. Một người bạn của chú nhắn ủng hộ 100 triệu đồng. Người này nói, nhà không dư dả gì, từ trước đến giờ hai vợ chồng tích góp được 100 triệu đồng để dưỡng già. Nhưng khi dịch đến, chú thấy tiền tiết kiệm đó không còn ý nghĩa nếu cứ giữ bên mình vì tiền lúc mất cũng không mang đi được. Chú nói mình là bộ đội, ngày xưa vào chiến trường có giặc dã, tiếng súng, bom đạn nhưng vẫn dễ hơn đội ngũ y, bác sĩ bây giờ. Bởi họ phải chiến đấu trong chiến trường khốc liệt không có tiếng súng, biết dịch bệnh rất nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng bước vào đó. Nghe những lời như vậy, mình ứa nước mắt”.

Có chị nội trợ nọ gửi đến chương trình 500 nghìn đồng hay anh tài xế chắt chiu số tiền ít ỏi gửi về hai triệu đồng với lời nhắn: “Mình không ra đó giúp được mọi người nên muốn chung tay góp sức”. Hay những cô chú lớn tuổi, dành tặng số tiền mình chắt chiu định để dưỡng già kèm câu nói: “Ở ngoài đó, mấy anh chị cần hơn”. Nhà báo Hồng Thúy nói, chị không ngờ giữa bề bộn lo toan trong mùa dịch, khi ai cũng chất chồng lo lắng, khó khăn mà vẫn còn nhiều trái tim ấm áp, nhiều tấm lòng sẻ chia hết mình như vậy. 
 
Cũng chung cảm xúc đó là chị Phạm Thị Hương Giang (tên Facebook là Jang Kều), người sáng lập và Chủ tịch Quỹ Sống khi triển khai chương trình “Be strong, Hội An!” (Mạnh mẽ lên, Hội An!). Sau năm ngày quyên góp, Quỹ Sống đã nhận về biết bao tấm chân tình từ khắp mọi miền đất nước. Người góp tiền, người góp sức, đơn vị này tặng trang thiết bị y tế, doanh nghiệp kia tặng nhu yếu phẩm, tích góp từng chút rồi chuyển về Hội An, nơi đang rất cần những tấm lòng sẻ chia. Gần 500 triệu đồng cùng rất nhiều hiện vật từ khắp nơi gửi về là những gì Quỹ Sống nhận được cho chương trình sau năm ngày phát động. Đến nay, quỹ đã mua 25.000 khẩu trang y tế, 700 bộ đồ bảo hộ và hàng nghìn thiết bị y tế khác phân bổ về thành phố Hội An và nhiều huyện tại tỉnh Quảng Nam như Cẩm An, Duy Xuyên, Đại Lộc và Quế Sơn. 

Theo chị Hương Giang, sau giai đoạn 1 “Be strong, Hội An!” với nhiệm vụ chính là hỗ trợ thiết bị y tế, bảo hộ trong mùa dịch, chương trình sẽ bước sang giai đoạn 2 với tên gọi “Be strong Việt Nam” gồm các giải pháp hỗ trợ người dân phục hồi sau dịch. “Lúc đó sẽ là hoạt động hỗ trợ gạo theo vùng miền. Chúng tôi sẽ tìm cách điều tiết nguồn gạo hỗ trợ đến các địa phương để không phải chuyển đi. Chủ yếu sẽ tập trung cho Hội An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trước giờ, Quỹ Sống chủ yếu hướng đến các hoạt động nhằm xây dựng cộng đồng phát triển bền vững như làm nhà chống lũ, trồng cây gây rừng… nhưng khi dịch xuất hiện chúng tôi nhận thấy mình cần làm gì đó hỗ trợ người dân vùng dịch. Muốn phát triển bền vững, trước tiên người dân phải an toàn. Tôi thấy xúc động vì chỉ thông qua những chia sẻ trên mạng xã hội, mọi người đã cùng chung tay”, chị Hương Giang chia sẻ. 

Trên hành trình san sẻ ấy, chị Hương Giang cùng các cộng sự có dịp gặp gỡ nhiều trái tim đồng cảm. Đó là nhóm bạn thân, doanh nghiệp đối tác và cả những người chưa từng gặp gỡ, sẵn sàng chung tay làm việc nghĩa. Có nhóm họa sĩ, chẳng nói gì chỉ lẳng lặng vẽ tranh bán đấu giá góp tiền rồi gửi về chương trình. Hay một anh họa sĩ chỉ theo dõi chị qua Facebook mà nhắn tin “Anh bán ít tranh gửi tiền nhờ em hỗ trợ bà con ngoài đó nhé!”. Biết bao ân tình, biết bao gửi gắm, chị tự hứa sẽ làm thật tốt nhiệm vụ cầu nối của mình để chia bớt gánh nặng đang ghì lên vai những người đang mệt lả vì dịch bệnh.

Giữa mỏi mệt, chật vật với dịch bệnh, sự quan tâm của cộng đồng đã tiếp thêm sức mạnh để những cá nhân, tổ chức đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đủ nghị lực bước qua giai đoạn đầy thử thách, cam go này.

Theo Mỹ Dung - Thời Nay/ND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng