Chiều 17-8, tại Trà Vinh diễn ra hội thảo “Văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ”, với sự tham dự của các nhà chuyên môn từ nhiều Trường đại học ở TPHCM, Hà Nội và ĐBSCL…
PGS TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh cho biết, vùng Tây Nam bộ là cái nôi của vọng cổ và cải lương, là quê hương của những câu hò điệu lý trữ tình, những câu chuyện cười sảng khoái, lạc quan của bác Ba Phi. Nổi bật trong những đặc trưng văn hóa là hình ảnh người nông dân Nam bộ chất phác, bộc trực, trượng nghĩa và phóng khoáng. Qua thời gian, những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc sinh sống ở đây vẫn được bảo tồn, phát huy; đồng thời trong quá trình chung sống, lao động, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cư dân nơi đây.
Cùng quan điểm trên, TS Phạm Văn Quốc (Đại học Nguyễn Huệ) nhận định: “Vùng Tây Nam bộ là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, trong đó đặc trưng nhất là văn hóa các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm; dấu tích của sự giao lưu văn hóa này vẫn lưu lại trên những kiến trúc chùa chiền, đền miếu, hay những di sản văn hóa của miền Tây như hình ảnh của những con người sống quanh năm với sông nước, khoác lên mình áo bà ba, khăn rằn, nón lá... Tuy nhiên, để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đó, chúng ta cần phát triển văn hóa với xây dựng con người nơi đây có đủ bản lĩnh, tri thức, năng lực sáng tạo...”.
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vùng Tây Nam bộ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Những tác động bên ngoài sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tập quán, nếp văn hóa truyền thống của cư dân trong lao động, cư trú, đi lại, sinh hoạt và vui chơi, giải trí... Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần phải có tầm nhìn mới, giải pháp mới, để huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế góp phần phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ, trong đó yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng.
Tại hội thảo, Ban tổ chức nhận được 58 tham luận của các cá nhân, tập thể đến từ nhiều đơn vị như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Trường đại học Văn hóa TPHCM, Trường đại học Sư phạm TPHCM, Trường đại học Văn Lang, Trường đại học Văn Hiến, Trường đại học Nguyễn Huệ, Trường đại học Tây Đô, Trường đại học Tiền Giang, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ... Điều này cho thấy văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý... trên cả nước.
Các tham luận góp phần làm rõ những vấn đề liên quan thực trạng văn hóa Tây Nam bộ trong phát triển bền vững của vùng và đề xuất các giải pháp khả thi. Nhận diện những đặc trưng và giá trị của văn hóa vùng Tây Nam bộ từ các phương diện về lịch sử vùng đất, ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực... của cư dân vùng Tây Nam bộ; phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp khai thác giá trị văn hóa vùng, trong phát triển kinh tế, du lịch bền vững...
Hội thảo còn là dịp gặp gỡ của các nhà khoa học và nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn nhằm trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất những định hướng, giải pháp phù hợp, phát huy vai trò tích cực của văn hóa Tây Nam bộ trong phát triển vùng hiện nay...
Theo Huỳnh Lợi - SGGP