Văn nghệ trong nước
Những bài hát cách mạng đi cùng năm tháng
09:23 | 03/09/2020

Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 trở thành ký ức không thể nào quên trong tâm trí của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Những khoảnh khắc thiêng liêng ấy đã được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng sống mãi cùng lịch sử dân tộc.

Những bài hát cách mạng đi cùng năm tháng
Quảng trường Ba Đình ngày nay. Ảnh: TTXVN

Sục sôi khí thế hào hùng 

Nghe những ca khúc ấy, dường như ai cũng có thể cảm nhận được khí thế sục sôi của cách mạng toàn dân tộc 75 năm về trước. Những ca khúc như: Cùng nhau đi hồng binh (Đinh Nhu), Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên (Lưu Hữu Phước), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu)… đang giúp cho thế hệ trẻ hồi tưởng về những năm tháng hào hùng của dân tộc.

Nhiều nhạc sĩ khác trong giai đoạn này cũng lần lượt cho ra đời các tác phẩm để đời. Ca khúc cách mạng thời kỳ này hầu hết mang dấu ấn của âm nhạc cổ truyền dân tộc, dòng ca khúc hướng về lịch sử. Đặc biệt, ca khúc “19 tháng 8” như một lời hiệu triệu, một tuyên ngôn, cho cuộc Cách mạng Tháng 8. Ca khúc này song hành cùng cuộc kháng chiến vệ quốc, cổ vũ toàn dân chiến đấu, dự cảm sự hi sinh và chiến thắng tất yếu sẽ đến. Đây cũng là ca khúc mà nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh hoàn thành đúng lúc ông và đồng đội tiến vào Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945, ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Hồi tưởng lại không khí sục sôi cách mạng, cố nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh từng chia sẻ: “Cả đêm 18/8/1945, Hà Nội hầu như không ai ngủ. Nhân dân chuẩn bị cờ, băng rôn, biểu ngữ cho cuộc biểu tình ngày 19. Sáng sớm, từng đoàn người rầm rập kéo vào trung tâm thành phố. Tôi cùng đồng đội từ phía Nam Hà Nội, tiến thẳng về Quảng trường Nhà hát Lớn trong biển người náo nức, sôi động. Mọi người cầm cờ, biểu ngữ, vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu: “Toàn dân Việt Nam vùng lên! Vùng lên!”, “Thề đem xương máu quyết chiến đấu! Chiến đấu! Và những ca từ của bài hát “19 tháng 8” cũng bắt đầu cất lên ngày hôm đó”.

Bài hát đã có sức cổ vũ, động viên quần chúng vùng dậy đấu tranh giành tự do, độc lập cho đất nước và cho đến bây giờ, “19 tháng 8” vẫn ngân vang mỗi dịp thu về, hay những ngày lễ lớn của dân tộc. Ngoài ra, âm nhạc thời kỳ này phát triển mạnh. 

Riêng ca khúc Ba Đình nắng (Nhạc: Bùi Công Kỳ; Thơ: Vũ Hoàng Địch) là một ngoại lệ. Được sáng tác năm 1947 ở tỉnh trung du - Phú Thọ, nhưng bài hát đã âm thầm lan tỏa và trở thành ca khúc không thể thiếu mỗi khi kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây là ca khúc “độc nhất vô nhị” đưa lời nói hào sảng mà rất thân thương, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào giữa Ba Đình lịch sử: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu nói ấy được lồng vào giai điệu với 7 nốt nhạc rất nhuần nhị lại tự nhiên mà nghe thật tình cảm.

Âm vang dòng nhạc cách mạng

Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1945 cả dân tộc Việt Nam bừng bừng một khí thế. Tiếp đó là cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (từ năm 1946 - 1954) đã giành được thắng lợi vẻ vang. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ làm nức lòng bè bạn năm châu và khơi gợi niềm tự hào của một dân tộc Anh hùng đã tạo ra những âm thanh, nguồn cảm xúc cho người nhạc sĩ viết nên những tác phẩm bất hủ.

Mỗi khi nhắc đến các bài hát thời kỳ này, thế hệ cha anh như sống dậy bởi tinh thần của cả dân tộc. Mỗi giai điệu như được thổi hồn để thanh niên, chiến sĩ cách mạng thêm quyết tâm chống giặc. Cũng bởi vậy mà hình tượng người chiến sĩ cách mạng được phản ánh rõ nét nhất trong các ca khúc cách mạng giai đoạn này. Họ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho độc lập của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. 

Chủ đề về Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn được các nhạc sĩ chuyển hóa bằng những ca từ dễ thuộc, dễ nhớ và giản dị như “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (Nhạc: Lưu Hữu Phước; Lời: Nguyễn Đình Thi - Lưu Hữu Phước), “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” (Đỗ Minh)… Từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng hát vang những bài ca yêu nước: Ðoàn vệ Quốc quân, Bình Trị Thiên khói lửa, Trường ca sông Lô...

Ngoài ra còn kể đến các tác phẩm âm nhạc có chủ đề liên quan đến hoạt động tăng gia sản xuất, tình cảm quân - dân, ca ngợi quê hương, đất nước... Những tác phẩm tiêu biểu như: Bộ đội về làng (Lê Yên), Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Làng tôi (Hồ Bắc), Quê tôi (Nguyễn Ðức Toàn), Du kích sông Thao (Ðỗ Nhuận), Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh)...

Qua bao năm tháng, mỗi khi giai điệu của những ca khúc ấy ngân lên, người ta lại tưởng tượng được phần nào không khí của những năm tháng hào hùng đã qua của dân tộc. Cô giáo Nguyễn Hoài Thương (Trường THCS Phan Chu Trinh, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thuộc thế hệ những người trẻ, cha tôi cũng từng tham gia kháng chiến, mỗi câu chuyện được nghe ông kể lại đều là về đồng chí, đồng đội, những tháng ngày nếm mật nằm gai nhưng vinh hạnh, tự hào vì được góp sức chờ ngày giải phóng. Đặc biệt, mỗi câu chuyện, ông lại hát lên những bài ca của năm tháng đó, sục sôi, hào hùng, mạnh mẽ mà đôi mắt qua bao nhiêu năm tháng, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ vẫn đỏ hoe chực khóc. Và cũng từ những kỉ niệm này, tôi thường nghe nhạc cách mạng. Chính các ca khúc ấy đã truyền lửa cho một cô giáo dạy Lịch sử như tôi thêm yêu mỗi dấu mốc thế hệ ông cha đã đi qua, từ đó dạy cho các em học sinh hiểu được trách nhiệm của người trẻ hôm nay”.


Theo Ngọc Trang - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng