Văn nghệ trong nước
Nhà báo Trương Vĩnh Ký - Người đặt nền móng cho báo chí Việt Nam
14:20 | 11/09/2020

Trên lĩnh vực báo chí, Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam đầu tiên làm báo, giám đốc tờ báo tiếng Việt đầu tiên, chủ tờ báo tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Những cái đầu tiên ấy đưa ông trở thành người khai phá nền văn minh báo chí ở Việt Nam, người đặt nền móng cho báo chí Việt Nam.

Nhà báo Trương Vĩnh Ký - Người đặt nền móng cho báo chí Việt Nam
Tọa đàm nhân trưng bày chuyên đề “Nhà báo Trương Vĩnh Ký” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức - Ảnh: Thái Minh

Những dấu ấn đầu tiên

“Cách đây tròn một năm, ngày 11.9.2019, đoàn công tác của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã về thăm quê hương của nhà báo, nhà văn Trương Vĩnh Ký, nơi có bia tưởng niệm ông dựng năm 1937 ở Cái Mơn (Bến Tre - quê hương Trương Vĩnh Ký). Những tư liệu, báo chí liên quan đến nhà báo Trương Vĩnh Ký đã dần dần giúp chúng tôi tiếp cận được một cách chủ động, tự tin hơn phần di sản thời khởi thủy của báo chí tiếng Việt mà Trương Vĩnh Ký là người đã dựng lên cột mốc đầu tiên, để lại những dấu ấn đầu tiên”. Đó là chia sẻ của Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, mở đầu tọa đàm - trưng bày chuyên đề “Nhà báo Trương Vĩnh Ký”, sáng 11.9, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam.

Theo bà Trần Thị Kim Hoa, cuộc đời của Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) gắn liền với sự phát triển của chữ quốc ngữ, với việc quảng bá trên báo chí, trên sách vở, trong đó đặc biệt là việc biên soạn sách giáo khoa Văn - Sử - Địa bằng chữ quốc ngữ. Đó cũng là cuộc đời của một người làm báo Việt Nam trong bối cảnh một phần đất nước được coi là nhượng địa của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Tồn tại hơn 44 năm, “Gia Định báo” đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, như một bằng chứng sống về tài năng, về lao động báo chí, sáng tạo ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông, báo chí của người Việt từ 155 năm trước.

Gia Định báo, năm thứ hai, số ra ngày 15.5.1866 - Nguồn Thư viện Quốc gia Pháp)

Gia Định báo, năm thứ hai, số ra ngày 15.5.1866 - Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp


Khi Trương Vĩnh Ký điều hành bài vở “Gia Định báo”, ông nêu ra ba mục đích: Truyền bá chữ quốc ngữ trong nhân dân; cổ động tân học trong nước và khuyến khích nhân dân học chữ quốc ngữ. Tờ báo tiếng Việt đầu tiên này xuất bản từ ngày 15.4.1865, là tuần báo nhưng ngày ra không nhất định, khi thì thứ Ba, thứ Tư hoặc thứ Bảy. Số trang cũng không ổn định, từ 4 - 12 trang. Báo có khuôn khổ 32x25cm, giá bán 0,17 đồng/tờ (nếu đặt mua cả năm là 6,67 đồng). Ban đầu, tờ báo chủ yếu đăng thông tin công vụ và tạp vụ. Sau đó, tờ báo có thêm phần mở rộng, được đánh giá là có giá trị và sức cuốn hút rất lớn, với những khảo cứu, nghị luận về văn hóa, đạo đức, phong tục, lễ nghi, tư tưởng, lịch sử, thơ văn… Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, chính trên “mảnh đất” này, Trương Vĩnh Ký đã cất lên những tiếng nói yêu nước theo cách rất riêng của mình.

Yêu nước theo cách riêng

Với nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phổ biến, cổ vũ chữ tiếng Việt, cung cấp kiến thức, thông tin mọi mặt cho nhân dân, trong suốt 44 năm tồn tại, “Gia Định báo” đã hoàn thành sứ mệnh, là tờ báo tổng hợp có giá trị cao và tạo tiền đề cho báo chí Việt Nam phát triển. Nhìn nhận như vậy, nhưng cho đến nay, Trương Vĩnh Ký còn là một trong những nhân vật lịch sử gây tranh cãi nhiều nhất. Những nghiên cứu chuyên sâu, nhận định, đánh giá về vai trò và sự đóng góp của Trương Vĩnh Ký, vì vậy, càng cần thiết.

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, sự nghiệp báo chí của Trương Vĩnh Ký là một phần trong cuộc đời và sự nghiệp đồ sộ của ông. Còn nhiều câu hỏi, thậm chí sự phủ định, nhưng di sản mà ông để lại cho văn hóa, ngôn ngữ, báo chí... dân tộc là không thể phủ nhận. Kinh nghiệm làm báo của ông trong thời gian giữ vai trò ở tờ “Gia Định báo”, và những dự định và việc đã làm cho tạp chí “Thông loại khóa trình” (được Trương Vĩnh Ký bỏ tiền riêng để in năm 1888, là tờ báo tư nhân đầu tiên ở Việt Nam) là những đóng góp quan trọng cho báo chí Việt Nam thời sơ khai. Dù sự nghiệp làm báo của ông chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cuộc đời, song trong làng báo Việt Nam, lịch sử báo chí không thể không nhắc đến tên ông.

Một số tác phẩm, bản dịch của nhà báo Trương Vĩnh Ký

Một số tác phẩm, bản dịch của nhà báo Trương Vĩnh Ký - Nguồn: Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến


Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, đã có nhiều công trình nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký trước đây cho chúng ta một hình dung rõ hơn về con người ông, qua đó thấy được vấn đề của dân tộc, lịch sử và văn hóa. Còn nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, từ nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký, nhận định: “Trương Vĩnh Ký là một người yêu nước theo cách của mình”, và báo chí là một kênh để Trương Vĩnh Ký thể hiện cách riêng ấy. “Ông yêu nước không phải là kêu gọi người dân ra bưng biền chiến đấu, mà là bảo vệ đất nước thông qua bảo vệ văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc... Yêu nước vào thời điểm giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân lúc đó theo cách của Trương Vĩnh Ký là sự bày tỏ một cách thầm lặng, nêu lên được cội nguồn dân tộc, lý tưởng của người dân thông qua ngòi bút với tư cách là một nhà báo”.

 
Theo Thái Minh - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng