Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020), gia đình nhà thơ sẽ chính thức khai trương Bảo tàng Tố Hữu tại Hà Nội, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ gắn liền với các giai đoạn cách mạng Việt Nam.
Bảo tàng Tố Hữu được xây dựng trên cơ sở Nhà lưu niệm Tố Hữu trong khuôn viên của nhà D9 - Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội) khai trương từ năm 2009, vốn là một địa điểm thu hút khách tham quan, các đồng chí, đồng nghiệp và những người yêu mến sự nghiệp văn học nghệ thuật của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Sau hơn mười năm đi vào hoạt động, Nhà lưu niệm Tố Hữu đã đón hàng nghìn lượt khách và tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tọa đàm, hội thảo về nhà thơ. Nhằm nâng cấp chất lượng trưng bày các tư liệu, hiện vật, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu việc tra cứu, sưu tập bổ sung nhiều nguồn tài liệu phong phú, gia đình nhà thơ và các chuyên gia ngành bảo tàng, đứng đầu là PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Thạc sĩ đồ họa Đam Ca đã xây dựng lại nội dung trưng bày và thiết kế, nâng cấp Nhà lưu niệm trở thành Bảo tàng Tố Hữu.
Trên diện tích hơn 120 m2, các hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại bảo tàng đã được bố trí trưng bày một cách khoa học và đổi mới, kết hợp trực quan và hiệu ứng của nhiều phương tiện nghe nhìn, cung cấp cho người xem một cách đầy đủ và đa chiều các tư liệu bối cảnh quốc tế, đất nước, cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ - chiến sĩ cách mạng Tố Hữu trong thế kỷ 20 đầy biến động. Bảo tàng bao gồm hai phần nội dung, trong đó phần thứ nhất trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Tố Hữu được sắp xếp theo một chủ đề xuyên suốt, thể hiện qua bảy tập thơ gắn liền với những giai đoạn lịch sử cách mạng của đất nước. Các tư liệu gốc, hình ảnh, hiện vật được phụ họa với hệ thống thông tin đa phương tiện sẽ lần lượt giới thiệu và góp phần khắc họa, làm rõ hơn chân dung của một nhà thơ, chiến sĩ cách mạng Tố Hữu. Từ những bước đầu Tố Hữu đến với thơ ca tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng sống của tuổi trẻ, được giác ngộ và quyết định dấn bước trên con đường cách mạng nhiều hy sinh, gian khổ. Phần nội dung này cũng làm rõ các giá trị và tư tưởng nghệ thuật của các tác phẩm thơ ca Tố Hữu, phụng sự Đảng, phụng sự cách mạng và dân tộc.
Thơ ca Tố Hữu trong từng giai đoạn lịch sử, đã là nguồn động lực quan trọng với các chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng đen tối thời thuộc địa, giành độc lập, tự do, cổ vũ quân và dân ta kiên cường đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để đi đến ngày toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc. Bên cạnh đó là những khoảng lặng tâm tình, tự sự, là “tiếng lòng” của nhà thơ qua mỗi trang tác phẩm, hồi ký quý hiếm được trưng bày trong một không gian khá ấn tượng. Phần nội dung thứ hai là không gian tái tạo phòng khách và phòng làm việc của ông tại căn nhà 76 Phan Đình Phùng (Hà Nội), nơi nhà thơ Tố Hữu và gia đình đã sống suốt từ năm 1960 đến năm 2002, nơi ông tiếp đón bạn bè, đồng nghiệp, các vị lãnh đạo, các văn nghệ sĩ, những người yêu ông và yêu thơ ông với chiếc bàn và những trang thơ dịch cuối cùng còn bỏ ngỏ trước khi ông ra đi.
Với một phong cách trưng bày mới, tương đối đầy đủ, Bảo tàng Tố Hữu sẽ mang tới cho công chúng những góc nhìn mới sâu sắc hơn. Sau khi khai trương vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, bảo tàng sẽ đón khách vào các ngày thứ bảy hằng tuần.