Văn nghệ trong nước
Thương tiếc một người Thầy, một người Anh kính mến
15:53 | 22/09/2020

NGUYỄN KHẮC PHI

Thầy Phan Ngọc, Anh Phan Ngọc kính mến của tôi đã mãi mãi đi xa!

Thương tiếc một người Thầy, một người Anh kính mến
Học giả Phan Ngọc (1925-2020)

Thế là người thầy cuối cùng trong đội ngũ các bậc công huân của nền đại học Việt Nam đã từng lên lớp cho khóa Sư phạm Văn khoa chúng tôi (1954-1957) đã ra đi, tiếp theo những nhà khoa học lừng danh như Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu…, những người cùng thế hệ với Thầy như Hoàng Tuệ, Hoàng Thiếu Sơn!

Cũng là người ra đi cuối cùng trong số những người bạn thân nhất của ông anh kề tôi - Nguyễn Khắc Dương, nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn - Triết Đại học Đà Lạt hiện đang nghỉ dưỡng tại Tu đoàn Bác ái xã hội bên bờ biển La Gi - Bình Thuận: Vương Đình Lương, Đinh Nho Liêm, Nguyễn Bá Đàn (tức Lý Văn Sáu), Nguyễn Dương Khư, Lê Quang Long (cháu ngoại vua Thành Thái). Tất cả, trừ anh Nguyễn Bá Đàn, đều là thầy dạy cũ của tôi, song người tôi thụ giáo nhiều nhất là thầy Phan Ngọc.

Chắc ít người biết và cũng không ngờ rằng, Thầy lại là người ra đi cuối cùng trong một đại gia đình có chín anh em.Thầy là anh ruột của bốn người em gái: chị Cung - liệt sĩ thời kháng chiến chống đế quốc Pháp, chị Đô - vợ anh Phú, thầy dạy của vợ tôi ở Trường Phổ thông cấp III ở đường Lý Thường Kiệt - Hà Nội, chị Thiềng - nguyên Hiệu trưởng Trường cấp II Kim Liên, nơi hai đứa con trai của tôi từng theo học, người tôi vẫn gọi vui là “chị dâu hụt của em”, và Hà, ít tuổi hơn tôi, vợ của GS. Nguyễn Thụ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nơi nhà tôi công tác. Nhà giáo Nhân dân Huỳnh Lý, chồng chị Cam, con rể trưởng của gia đình Thầy, là chủ nhiệm Khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, nơi tôi đã công tác trong suốt thời gian anh đương nhiệm. Huỳnh Thanh Trà, con chị Cam - anh Lý, là Trưởng ban Ban Khoa học xã hội của NXB Giáo dục tại TP Hồ Chí Minh, nơi tôi từng đảm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập. Phan Thiều, Phan Quỳnh Nga, hai người con chú ruột của Thầy đều học với tôi, sau lúc tốt nghiệp, được giữ lại ở Khoa Văn ĐHSP Vinh, cùng công tác với tôi trên dưới mười năm trời. Đặc biệt, phụ thân tôi - Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm và phụ thân thầy - Phó bảng Phan Võ, có một mối quan hệ vô cùng thân thiết. Lúc hai cụ còn làm quan tại Huế (một tham tri bộ Hình, một tham tri bộ Lễ), mặc dầu còn bé, tôi cũng đã cảm nhận được mối tình thâm giao ấy. Hai nhà ở liền kề, các thành viên của hai gia đình thường xuyên gặp nhau. Tôi đã từng chứng kiến hai cụ thân sinh của Thầy và của tôi hàn huyên tâm sự, cùng đánh tổ tôm, cùng xướng hoạ thơ. Không chỉ vì cùng là những nhà khoa bảng, là bạn đồng liêu, cùng đồng hương xứ Nghệ, mà có lẽ chủ yếu vì “đồng khí tương cầu”: cả hai cụ đều nổi tiếng thanh liêm và cương trực, từng có những hành động biểu thị thiện cảm đối với các chiến sĩ cách mạng; tên hai cụ mấy lần được đặt bên nhau (“cụ hoàng Hương Sơn, cụ bảng Yên Thành”) và việc làm của hai cụ cũng được kể chung ở Hồi ký “Còn” trong cuốn “NGUYỄN ÁI QUỐC qua hồi ức của bà mẹ Nga” của Nhà văn - Anh hùng Lao động Sơn Tùng(NXB Thanh niên, 2008). Thân phụ tôi nổi tiếng về sáng tác thơ Đường luật, cụ Phan Võ nổi tiếng về thư pháp. Cho nên có lần trong một cuộc họp đông người, thầy Phan Ngọc đã hồn nhiên thuật lại việc có người đã mệnh danh thân phụ tôi là Đỗ Phủ và thân phụ Thầy là Vương Hi Chi của triều đình Huế!

Duyên “Phan Trần” đã không thành ở thế hệ trước lại tới với thế hệ sau: một cháu gái gọi tôi bằng ông, Quỳnh Trang, đã thành bạn đời của Phan Anh Lưu, con trai của Thầy! Trong lễ ăn hỏi, đại diện cho nhà gái, tôi được ngồi ở vị trí đăng đối với Thầy! Trong lúc chuyện trò vui vẻ, Thầy hồn nhiên kể lại mối quan hệ lâu đời giữa hai gia đình mà Thầy gọi là “thế giao” (mối quan hệ từ đời này qua đời khác). Theo đà, Thầy bỗng nhiên chuyển từ chuyện hai gia đình sang chuyện chính cá nhân tôi. Thầy cho mọi người sống lại không khí căng thẳng của việc chọn lựa sinh viên khóa tôi lúc vừa tốt nghiệp để giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Dĩ nhiên trong tình hình bấy giờ, yêu cầu về lý lịch chiếm một địa vị quan trọng. Biết thầy Đặng Thai Mai còn lưỡng lự về trường hợp của tôi, Thầy đã chủ động đến gặp, khẩn thiết đề nghị thầy Mai mạnh dạn giữ tôi lại trường (trong số 9 người trên hơn 180 sinh viên vừa tốt nghiệp). Có thể nói, tiết lộ bất ngờ của Thầy tại lễ ăn hỏi này đã giúp tôi giải mã tiếp một vấn đề mà chính tôi cũng lấy làm lạ: vì sao một người như tôi, lý lịch vừa “xấu” (theo cách nhìn nào đó), vừa “không rõ ràng”, lại được giữ lại trường? Lúc bấy giờ, cái gọi là “không rõ ràng” có khi lại càng nguy hại hơn “xấu”. Thật ra, với tôi lại hoàn toàn khác! Câu chuyện này giờ tôi mới kể. Số là, cuối năm 1954, đầu năm 1955, với tư cách là sĩ quan phiên dịch ở Ban Liên hiệp đình chiến Bộ Tổng tư lệnh, Thầy đi công tác với phái đoàn Quốc tế ở Sài Gòn, tình cờ gặp anh Dương tôi giữa đường phố, mặc quân phục, đeo lon Thiếu úy. Đầu năm 1957, trong một lần nghỉ giữa giờ, Thầy đã kể việc “tầy trời” này cho tôi biết. Đúng lúc đó, bọn chúng tôi làm lý lịch cán bộ để chuẩn bị ra trường. Phòng Tổ chức căn dặn mọi người phải khai trung thực, đầy đủ. Tôi đã làm đúng như thế, nghĩa là khai ra một điều chắc không chỉ phòng Tổ chức mà có lẽ các cơ quan chức năng của Nhà nước đương thời cũng không biết, ít ra là cũng chưa có điều kiện để biết! Về sau, tôi mới biết chuyện đó chẳng có gì là tầy trời mà chỉ là thông lệ. Anh tôi vào Nam tu hành dang dở, chưa được phong Linh mục, thì phải đi quân dịch 2 năm; anh có bằng tú tài thì được phong hàm Thiếu uý (ngành hậu cần), thế thôi. Hết hạn, anh lại sang Pháp học Đại học Sorbonne! Sau khi tốt nghiệp, ở Pháp dạy học một thời gian rồi trở về Đà Lạt tiếp tục dạy học cho đến khi nước nhà thống Nhất. Rất có thể thầy Mai biết tôi đã thật thà khai ra điều nói trên và chính cái “rõ ràng” này đã làm cho Thầy lưỡng lự. Còn về gia đình tôi cũng như sức học của tôi, thì Thầy còn lạ gì. Có lẽ cả thầy Hiệu trưởng Phạm Huy Thông cũng thế! Ai cũng biết, sau khi thầy Thông về nước, mọi chức vụ ở Hội Việt Kiều của anh Thông ở Pháp đều được trao lại cho anh Nguyễn Khắc Viện. Anh Thông coi tôi như một người em, thường bảo tôi đến nhà Thầy ở nhà số 8 phố Hồ Xuân Hương chơi. Thầy Mai có một người chị lấy Tri huyện Đinh Nho Bằng ngay cạnh nhà tôi ở Hương Sơn, lần nào sang thăm bà chị đều ghé qua đàm đạo với thân phụ tôi. Việc thân phụ tôi đã được cách mạng giao cho nhiều trách nhiệm, từ cấp xã, huyện, tỉnh đến cấp Liên Khu cũng như việc Bác Hồ đã 2 lần mời thân phụ tôi ra Việt Bắc, thì chắc hẳn Thầy đều biết rõ. Cho nên, nếu không có lời khai “thật thà” của tôi nói trên thì dám chắc là Thầy không lưỡng lự và nếu cần thì Thầy và cả thầy Thông nữa, có thể đứng ra bảo đảm lý lịch cho tôi. Có thể suy đoán một cách hợp lý rằng, nghĩa cử của thầy Phan Ngọc đề nghị giữ tôi lại trường có tác dụng như lực xúc tác cuối cùng đối với việc ra một quyết định gay cấn. Cơ trời cũng diệu kỳ: nếu thông tin về anh tôi của thầy Phan Ngọc đã làm vấn đề có thể đi đến chỗ bế tắc thì chính lời đề nghị của Thầy lại góp phần giải tỏa bế tắc ấy!

Quả là giữa tôi và thầy Ngọc đã tồn tại cả “một sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội”!

                          *

Về những công trình nghiên cứu và dịch thuật muôn vẻ của Thầy, về trí tuệ uyên bác của Thầy, đã có và chắc sẽ còn nhiều người bàn đến. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập một số điều, một vài sự việc liên quan mà bản thân thực sự thấy thấm thía.

Nhiều người đã ca ngợi tinh thần “học nhi bất yếm” của Thầy. Là người giống Thầy ở chỗ chưa hề được đào tạo ở nước ngoài, tôi thấu hiểu điều ấy. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì không thể có nhà khoa học, “người biết nhiều thứ tiếng” (polyglotte) Phan Ngọc. Thời trẻ, không chỉ riêng tôi, mà cả mấy anh em trai tôi, kể cả anh Viện, anh Dương, đều không được ông bố “đại khoa”dạy chữ Hán. Thầy Ngọc hoàn toàn khác. Ngay từ bé, đã được cụ Phan Võ rèn cho đến nơi đến chốn. Cũng thật lạ, hai nhà đại khoa thân thiết nhau đến thế lại có cách hành xử khác nhau đối với vấn đề cụ thể này. Chẳng hiểu suy nghĩ của các cụ thế nào. Chỉ biết khi thấy con mình quá thông minh, cụ Phó bảng đã thốt ra một câu nói được người đời truyền tụng: “Giá mà còn thi cử Nho học, con đi thi, ít nhất cũng đỗ Tiến sĩ, rửa được cái nhục cho cha chỉ được Phó bảng”. Đúng là Thầy chỉ có bằng Tú tài, nhưng cần nhớ là Thầy đã học trường Thiên hựu (Providence), một trường hoàn toàn theo chương trình Tây, ở đó, người ta cũng rèn đến nơi đến chốn tiếng La tinh, tiếng Pháp (có không ít học sinh trường này, ngay lúc đi học đã được mời làm gia sư, dạy kèm tiếng Pháp cho con em người Pháp!). Thử hỏi, có ai ngay từ thuở thiếu thời lại có được cái nền vững chắc cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây như thế. Đó không chỉ là công cụ lợi hại mà còn là những bàn đạp tiến lên một cách nhanh chóng và vững chắc để nắm vững những ngoại ngữ khác, điều kiện có tính tiên quyết của một người làm công tác khoa học thực thụ. Qua cuộc đời Thầy, thiển nghĩ các nhà làm chiến lược giáo dục cũng nên suy nghĩ về những biện pháp thật bài bản trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, nhất là trong việc đào tạo đội ngũ tinh hoa.

Chính nhờ biết nhiều ngoại ngữ và có quá trình rèn luyện như thế, mà ngay từ lúc chuyển từ quân đội sang ngành giáo dục, vị “tú tài” trẻ tuổi ấy đã dạy ngay được một lúc nhiều môn học ở cấp “đại học”: ngôn ngữ học, lý luận văn học, văn học Trung Quốc. Giả dụ không có thầy Tường, thầy Tửu, tôi dám chắc ngay từ thuở ấy, Thầy cũng có thể gánh nốt Văn học Việt Nam, Văn học phương Tây… Không phải ngẫu nhiên và liều lĩnh, khi thầy Mai ướm hỏi Thầy dạy được môn gì, Thầy đã hồn nhiên trả lời ngay: “Bác phân công môn gì, cháu dạy môn ấy”! Điều này đã in dấu đậm nét trong hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch thuật của Thầy. Nhưng, ngạn ngữ Pháp có câu: “Qui trop embrasse mal étreint” (Người ôm nhiều thứ thì không ghì được chặt). Thầy Ngọc quả là “người ôm nhiều thứ”: dịch thuật (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Hi Lạp, Tiếng La tinh, Tiếng Nga, Tiếng Đức, Tiếng Hán…), Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Hán Nôm học, Văn bản học, Văn học so sánh, Văn học Trung Quốc, Văn học Pháp, Văn học Anh, Triết học, Lý luận văn học… Đúng không biết gọi thầy là “Nhà” gì. Điều đáng nói, không phải “ôm nhiều” thì “không ghì được chặt” mà như nhiều bài báo đã chỉ rõ, ở lĩnh vực nào Thầy cũng để lại được những dấu ấn khá sâu đậm.

Riêng bản thân tôi cũng đã được hưởng thụ nhiều thứ; ngay từ những ngày đầu bước vào lĩnh vực văn học Trung Quốc, tôi đã xem hai bài viết của Thầy “Lời giới thiệu” bản dịch cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên và bài viết Tìm hiểu tứ thơ của thơ Đường của Thầy là những công trình mẫu mực mà theo tôi, bất cứ ai nghiên cứu văn xuôi Trung Quốc cổ trung đại, nhất là văn xuôi lịch sử và thơ ca cố điển Trung Quốc nhất thiết phải đọc. Hai bài viết không dài lắm nhưng đúng là những tài liệu khoa học có tính chất gối đầu giường. Bất cứ dạy ở đâu, hễ đụng đến thơ Đường là trước hết tôi giới thiệu bài viết trên của Thầy. Năm 2018, khi in cuốn Ngôn ngữ thơ Trung Hoa, bản dịch từ công trình của Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp F. Cheng, ở phần tuyển tác phẩm minh họa, tôi đã xin phép Thầy (thực ra là xin phép cô Kim Tuyến vì bấy giờ Thầy đã không còn tỉnh táo nữa rồi!) cho sử dụng một số dịch phẩm của Thầy về thơ Đỗ Phủ như 2 bài tuyệt cú Một mình đi bộ tìm hoa bên sông, bài bát cú Con ngựa Hồ của ông binh phòng họ Tào, đặc biệt là bài trường ca Bành Nha hành, một tác phẩm rất khó dịch. Nói đến sự đóng góp của Thầy đối với việc nghiên cứu thơ Đường ở Việt Nam, không thể không nhắc tới Câu chuyện tác giả Ngục trung nhật ký, một bài văn luận chiến sắc sảo đã khẳng định, bảo vệ một cách thuyết phục những giá trị ở tác phẩm bất hủ này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Gần đây, nhân muốn tìm hiểu vấn đề Triệu Đà, tôi thử xem lại bản dịch Nam Việt liệt truyện viết về nhân vật này trong bản dịch Sử ký của Thầy. Có trong tay bộ Sử ký chú dịch mới xuất bản, nghĩa là có cả bản dịch ra tiếng Trung Quốc hiện đại lẫn chú thích cực kỳ chi tiết (mỗi truyện thường có hàng trăm chú thích), đối chiếu từng chữ, từng câu với bản dịch của Thầy, tôi vô cùng kinh ngạc vì sự chuẩn xác gần như tuyệt đối của bản dịch. Trung Quốc cho xuất bản Sử ký kèm theo bản dịch ra tiếng Trung Quốc hiện đại với chú thích chi tiết như vậy, chứng tỏ, chính với đa số người Trung Quốc hiện nay, Sử ký cũng rất khó nhai. Lúc Thầy dịch Sử ký, tư liệu tham khảo, tra cứu còn rất ít, dịch được như vậy quả là đáng bái phục.

Không phải ngẫu nhiên tôi nhắc tới câu ngạn ngữ Pháp nói trên. Có một vài người tiếc nuối nghĩ rằng, giá thử phạm vi nghiên cứu của Thầy hẹp hơn thì việc biên soạn một vài công trình thật đồ sộ là chuyện trong tầm tay của Thầy! Cuộc đời nó là thế, khó nói chuyện “giá thử” như vậy. Dẫu sao, phạm vi quan tâm bao la đến thế thì cũng khó tránh khỏi có chỗ sơ khoáng. Đó là lý do khiến cho có vài luận điểm, đôi khi chỉ là một vài chi tiết cụ thể trong công trình của Thầy đã đưa đến những ý kiến trái chiều. Tôi cho không có hiện tượng ấy mới là lạ. Tranh luận, bổ sung cho nhau trong học thuật là chuyện bình thường..

Có người đã so sánh Thầy với học giả Cao Xuân Hạo, hai nhà khoa học uyên bác tài hoa xứ Nghệ như sau: trong cuộc sống thì ông Hạo tài hoa, thậm chí phóng túng bay bổng hơn ông Ngọc, nhưng trong học thuật thì ông ấy cực kỳ chặt chẽ nghiêm khắc; ông Ngọc trong cuộc sống nghiêm túc cẩn trọng hơn ông Hạo nhưng trong khoa học, nói chung cũng chặt chẽ nghiêm khắc nhưng đôi khi hình như hơi phóng túng và bốc nên dễ có những khái quát có phần vũ đoán. Chính tôi đã có lần tếu táo nói vui với Thầy: cái gọi là thao tác cấu trúc của Thầy như một lưỡi kiếm sắc lẹm, nhiều khi giúp xử lý vấn đề một cách vừa chóng vánh, dứt điểm lại vừa chặt chẽ, nhưng cũng đôi khi khiến người ta e ngại. Thầy có biệt tài dựng nên hệ thống nhưng yếu tố nào đã lọt vào tầm ngắm hệ thống của Thầy thì rất khó thoát ra khỏi để đi vào hệ thống khác! Đùa đến vậy mà thầy cũng chỉ cười hồn nhiên, chẳng phản bác gì! 

Có người nhận xét Thầy chủ quan, tự kiêu. Tự tin một cách mạnh mẽ thì khá rõ và đó là bản lĩnh, phẩm chất cần thiết của một nhà khoa học, nhưng tự kiêu thì có lẽ không, mà ngược lại, trong thực tế tiếp xúc, tôi nhận thấy Thầy rất khiêm tốn. Gặp tôi, Thầy thường khuyên rằng: viết được một công trình gì xong là phải lập tức rút kinh nghiệm và nhất là phải tìm ra được khuyết điểm, có thế mới mong tiến bộ được. Chính vì lời nhắc nhở đó nên không ít lúc, người em, người học trò thân thiết và có phần bướng bỉnh này đã dám cà khịa với sư huynh. Xin được ghi lại vài kỉ niệm. Năm 1990, Thầy tặng tôi cuốn Đỗ Phủ - nhà thơ dân đen. Chỉ sau mấy ngày tôi đã gặp Thầy, nói lên những thu hoạch bổ ích sau khi đọc, đồng thời cũng tỏ ý chưa hài lòng với nhan đề cuốn sách. Tôi nói đại ý: những nghệ sĩ lớn ngày xưa tư tưởng thường đầy mâu thuẫn, phân tích những mâu thuẫn ấy là một điều thú vị; Đỗ Phủ đã từng có con bị chết đói, bản thân đã từng bị An Lộc Sơn bắt giam lỏng ở Trường An, đã viết hàng loạt tác phẩm chứa đựng những tư tưởng tiến bộ, những câu thơ bất hủ như Cùng niên ưu lê nguyênThán tức trường nội nhiệt (Suốt năm lo cho dân đen, thở than nóng bỏng cả gan ruột) nhưng mãi cho đến cuối đời, vẫn trung với vua Đường, vẫn ủ ấp hy vọng được làm “con ngựa già” giúp vua đang lạc đường thoát khỏi khu rừng hiểm trở. Nghe xong, Thầy lại chỉ cũng cười xòa một cách hiền lành. Ít lâu sau, như chúng ta đã biết, Thầy cho ra mắt cuốn Đỗ Phủ - nhà thơ thánh với hơn một nghìn bài thơ. Đây là một công trình nghiên cứu dịch thuật độc đáo, lồng tất cả hàng mấy trăm bài dịch thơ vào khung cuộc đời tác giả, gắn chặt từng bài thơ với những biến động lịch sử xã hội mà nhà thơ nếm trải, chịu đựng, từ đó làm cho người đọc hiểu thấu hết những đặc sắc, ý nghĩa của từng bài thơ vốn không dễ đọc, lại càng không dễ hiểu của thi thánh Đỗ Phủ. Đầu năm 1996, Thầy cho công bố bản dịch một số chương của cuốn Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp kèm Lời giới thiệu trên số 3 Tạp chí Văn học nước ngoài. PGS Trần Thanh Đạm và học giả Khổng Đức đã viết bài hoan nghênh, đồng thời cũng đóng góp không ít ý kiến, lời lẽ giọng điệu có vài chỗ hơi gay gắt. Các anh ở Hội Nhà văn đề nghị tôi viết bài tham gia trao đổi ý kiến. Tôi rất ngại, nhưng sau mấy lần anh Bùi Hiển khẩn thiết đề nghị, tôi đành nhận lời. Dầu chưa phải là chỗ mạnh của tôi, tôi cũng tranh thủ đọc lướt qua 10 công trình nghiên cứu về Văn tâm điêu long vừa xuất bản ở Trung Quốc, tất nhiên là chỉ đủ thời giờ ghi lại các ý kiến liên quan đến các vấn đề đang tranh luận. Dẫu vậy, lúc viết bài, tôi cũng chỉ trình bày như một bản “thu hoạch”, “điểm sách” để từ đó bạn đọc có thể thấy được chỗ nào tôi chưa thật đồng ý với Thầy (như vấn đề phân chia bố cục tác phẩm, vị trí, tác động của Nho giáo đối với tác giả - thiền sư Lưu Hiệp…), nhưng đồng thời cũng làm cho bạn đọc thấy cả những chỗ tôi chưa thật đồng ý với anh Đạm và ông Đức (như cách hiểu của anh Đạm về chữ “văn” ngay trong tên nhan đề cuốn sách). Bài viết của tôi khá dài và đã được đăng trên Tạp chí Văn học nước ngoài số 2 năm 1997. Trước khi viết bài này, tôi có gặp Thầy để xem thái độ Thầy thế nào. Thầy tỏ ra rất bình tĩnh, chỉ nói vài câu như có ý phân trần: “Những chương dịch và lời giới thiệu này mình đã viết trên 30 năm rồi. Từ đó đến nay cũng chưa chỉnh sửa gì thêm”. Thì ra vậy. Hơn 30 năm trước đó, tài liệu tham khảo còn rất ít, với một tác phẩm cực khó như vậy mà Thầy đã làm được thế thì đã là điều đáng nể phục.

Một kỷ niệm khác liên quan đến công trình Văn hóa Việt Nam - một cách tiếp cận mới. Lúc đầu, Thầy định in công trình này tại NXB Giáo dục. Thầy nhất định bắt tôi góp ý kiến. Lệnh của Thầy đành phải vâng. Mặt khác, lúc đó tôi vừa được nghỉ công tác Tổng Biên tập nên có nhiều thời gian. Tôi đã đọc rất kĩ, góp ý tỉ mỉ, thẳng thắn, thậm chí tôi còn đề nghị Thầy cắt hẳn một chương. Sau đó không lâu, biết Thầy đã mang bản thảo ấy đem in ở nhà xuất bản khác. Tôi hốt hoảng gọi điện cho Huỳnh Thanh Trà, nghĩ Thầy bỏ đi in nơi khác vì những góp ý của tôi. Trà vui vẻ trả lời ngay: “Chú yên tâm, không phải chuyện học thuật mà chỉ vì bất đồng với bộ phận quản lý về một vấn đề gì đó. Cậu cháu rất khen bản góp ý của chú và tiếp thu hầu như gần hết. Nhận được sách tặng, chú sẽ thấy lời cảm ơn của cậu cháu đối với chú như thế nào. Cả với chú Trần Thanh Đạm nữa”. Tôi thấy nhẹ cả người. Thầy Ngọc của chúng tôi là vậy đấy! Có chủ kiến mạnh mẽ, tự tin cao độ, nhưng không hề dị ứng với những góp ý trái chiều, bình tĩnh lắng nghe, điều nào hợp lý là tiếp thu ngay. Tôi nghĩ, đó cũng là phẩm chất và bản lĩnh của nhà khoa học.

Tôi vốn là người trực tính, nhưng thành thật mà nói, nếu không có quan hệ thân tình với Thầy, tôi cũng chưa dám mạnh dạn góp ý như thế đâu.

                          ***

Giữa Thầy và tôi, do những mối quan hệ đa dạng như trên, đã hình thành một tình cảm đặc biệt. Thế nên, trong tiếp xúc trực tiếp, bao giờ tôi cũng gọi Thầy bằng Anh, và với cô Kim Tuyến, vợ Thầy, tôi cũng gọi bằng Chị. Biết điều đó, nên trong tất cả những dịp Kỉ niệm 5 năm chẵn ngày vào trường và ra trường của Khóa học, bao giờ cựu lớp trưởng Nguyễn Đình Chú cũng phân công tôi đặc trách chuyển giấy mời và đưa đón Thầy.

Thế nhưng… lần kỉ niệm 65 năm ngày vào trường mới đây, Thầy không thể đến dự với Khóa học chúng tôi được nữa! Tôi và một số anh chị em sang thăm Thầy ở Ecopark. Không thể nói hết niềm xúc động của chúng tôi - những cô chú sinh viên trẻ trung năm nào giờ đều đã thành những ông cụ, bà cụ ngoại bát tuần. Thầy ngồi yên trên xe lăn, mắt lim dim, hình như không còn nhận diện được mỗi chúng tôi. Cô Kim Tuyến thực hiện cho chúng tôi xem hai bài luyện tập duy trì và khôi phục trí nhớ cho Thầy. Bài thứ nhất là “Tập đếm từ 1 đến 10”, nghĩa là thấp hơn yêu cầu của lớp Một! Bài tập thứ hai là nhẩm hát mấy câu đầu của bài Quốc ca. Trời ơi! Đây là người sĩ quan phiên dịch năm nào đó ư? Là dịch giả của bao nhiêu cuốn sách triết học và văn chương viết bằng gần chục thứ tiếng ư? Là người từng được dư luận rộng rãi xem là “nhà bác học đa tài” ư?

Ra về, chúng tôi lại càng xúc động khi cô Kim Tuyến trao tặng cho mỗi chúng tôi hai cuốn sách, dịch phẩm của Thầy vừa tái bản!

Thầy Phan Ngọc đã ra đi nhưng những bài giảng của Thầy vẫn còn đọng lại mãi trong tâm khảm bao thế hệ sinh viên, những công trình khoa học của Thầy vẫn có tác dụng lan tỏa rộng rãi trong công chúng độc giả, và nhất là những phẩm chất đạo đức, khát vọng dâng hiến, nghị lực làm việc cho đất nước, cho nhân dân, cho khoa học của Thầy vẫn mãi là bài học sinh động, sâu sắc đối với bao thế hệ mai sau…

Nguồn: VanHoaNgheAn
 


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng