Văn nghệ trong nước
Kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du: Hậu thế góp một câu trả lời
15:38 | 28/09/2020

Năm 2020 là một năm đặc biệt để nhìn lại cuộc đời của Đại thi hào Nguyễn Du: tròn 255 năm sinh và 200 năm ông rời xa dương thế. Không cần phải đợi đến 300 năm như ước vọng của Nguyễn Du, bằng cách này hay cách khác, rất nhiều hoạt động đã và đang diễn ra trong năm nay, là dịp để công chúng tưởng nhớ đến ông cũng như để tôn vinh kiệt tác Truyện Kiều.

Kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du: Hậu thế góp một câu trả lời
Hình ảnh trong bộ phim Kiều @. Ảnh: VĂN TUẤN

Nhiều dự án được mong đợi

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có 2 dự án phim điện ảnh được lấy cảm hứng từ Truyện Kiều ra mắt. Đó là Kiều (đạo diễn Mai Thu Huyền) và Kiều @ (đạo diễn Đỗ Thành An). Theo đạo diễn Mai Thu Huyền, ý tưởng thực hiện Kiều được chị ấp ủ từ cách đây khoảng 10 năm. Thời điểm đó, chị dự định làm một phim truyền hình dài tập, đã chuẩn bị kịch bản, khảo sát bối cảnh nhưng dự án không thể thực hiện. Dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du năm nay, chị quyết tâm không bỏ lỡ cơ hội và lần này là thực hiện phiên bản điện ảnh. 

Trong khi đó, đạo diễn Đỗ Thành An và ê kíp cũng mất hơn 1 năm chuẩn bị các khâu tiền kỳ cho Kiều @ trước khi bấm máy chính thức. Khác với Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền, đây không phải là tác phẩm chuyển thể mà chỉ lấy cảm hứng từ Truyện Kiều để kể về thân phận của những người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Ngoài 2 dự án điện ảnh nói trên, còn có bộ phim tài liệu nghệ thuật Đại thi hào Nguyễn Du của Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng, dài 180 phút và được chia làm 3 phần. Hiện phim đã hoàn thành phần 1 gồm 2 tập (40 phút/tập).

Mặn mòi với Truyện Kiều của Nguyễn Du, sân khấu kịch Hồng Vân đã tham gia vào dự án Sân khấu thử nghiệm nàng Kiều do Viện Goethe khởi xướng, hợp tác với Nhà hát Tuổi Trẻ. Từ dự án này, NSND Hồng Vân đã trau chuốt thêm cho tác phẩm Kiều để dựng lại trên sàn diễn, phục vụ khán giả TPHCM. Bên sàn diễn nghệ thuật múa cũng xuất hiện một tác phẩm rất đặc biệt Ballet Kiều (chuyển thể kịch bản và tổng đạo diễn: Tuyết Minh; biên đạo múa: Tuyết Minh, Nguyễn Phúc Hùng; âm nhạc: nghệ sĩ Vũ Việt Anh, Chinh Ba). Đây là tác phẩm múa được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đầu tư và phối hợp với Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) tổ chức dàn dựng. 

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM cũng vừa lên sàn diễn vở tuồng Vương Thúy Kiều (Yêng hùng và Mỹ nhân; tác giả: NSƯT Hữu Danh; đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) phóng tác theo Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Vở diễn thể hiện những lát cắt ngắn gọn, súc tích về thân phận và cuộc đời nàng Kiều. Trước đó, biên đạo người Hàn Quốc Chun Yoo-oh cùng nhóm múa Y.O Saigon Dance Ensemble đã phối hợp với HBSO dàn dựng và biểu diễn tại TPHCM vở múa đương đại Kiều. Đây là một tác phẩm múa mới lạ, độc đáo, tạo được nhiều cảm xúc cho khán giả.

Dịp này, NXB Trẻ tái bản tác phẩm Truyện Kiều (lần thứ 6) với bìa mới và tái bản tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du của tác giả Nguyễn Thế Quang. Đặc biệt, sau thời gian chuẩn bị, đơn vị này cũng vừa giới thiệu đến bạn đọc Tuyển tập văn tế Đại thi hào Nguyễn Du. Đây là kết quả từ cuộc thi “Sáng tác Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” do Hội Kiều học Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Thể hiện phải xứng tầm 

Trong một chương trình giao lưu gần đây, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng, nếu không có Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ có một khoảng trống rất lớn trong văn học Việt Nam, không có gì bù đắp được. Chính vì vậy, khi có nhiều tác phẩm và hoạt động diễn ra trong năm nay, điều mà công chúng quan tâm lớn nhất là làm sao để xứng đáng với tầm vóc ấy.

Đạo diễn Mai Thu Huyền cho biết, do tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du quá dài mà thời lượng của một tác phẩm điện ảnh khoảng 90 phút, không thể truyền tải hết nên ê kíp quyết định chỉ chọn một vài trường đoạn từ Truyện Kiều để thể hiện. Quá trình chuẩn bị cho Kiều được thực hiện rất kỹ lưỡng ở các khâu. Để có kịch bản ưng ý, chị đặt hàng nhiều tác giả khác nhau, thậm chí có cả nhà Kiều học và sau 4-5 lần mới chọn được kịch bản ưng ý. “Bối cảnh phim trải dài từ Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Cao Bằng và Phú Thọ. Việc tuyển chọn diễn viên cũng được tổ chức tại nhiều địa điểm. Đặc biệt, khâu phục trang cũng mất nhiều tháng lên ý tưởng, thiết kế, may đo cho từng diễn viên”, đạo diễn Mai Thu Huyền tiết lộ.   

Theo chia sẻ của biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng (HBSO), để xây dựng được hoàn chỉnh tác phẩm Ballet Kiều trên sân khấu, anh và ê kíp đã có cả một năm dài chuẩn bị với nhiều căng thẳng, từ việc hình thành ý tưởng ban đầu đến việc thành lập ê kíp, tính toán về âm nhạc, đạo cụ, cảnh trí, mỹ thuật, phục trang… 

PGS-TS Lê Thu Yến, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, đánh giá cao nỗ lực của các cá nhân và tổ chức trong việc tổ chức các hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 200 năm ngày mất cụ Nguyễn Du. Đây là những hoạt động cần thiết và thú vị, qua đó tạo nên một không khí để mọi người nhớ về Truyện Kiều, nhớ về cụ Nguyễn Du. “Thực tế, với Truyện Kiều nhiều người còn hiểu chưa tới. Cho nên, nếu tổ chức những buổi hội thảo hay trao đổi thì phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chọn lọc đối tượng nghe. Người nghe có trình độ như thế nào, hiểu biết về Nguyễn Du ra làm sao, để có cách truyền đạt cho phù hợp. Phải chọn lựa và biết đối tượng nghe của mình là ai thì chương trình mới thành công được”, PGS-TS Lê Thu Yến nói thêm.

Nguồn: SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng