Văn nghệ trong nước
Nguyễn Thiện Ðạo, một người vinh danh nhạc Việt trên thế giới
08:35 | 15/07/2009
Mới đây tôi có cơ hội gặp Giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Ðạo. Ngồi trong căn nhà xinh xắn, thơ mộng của ông bên hồ Hoàng Cầu, Hà Nội; ngước nhìn lên trần tôi thấy bức ảnh Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng. Tôi vào chuyện ngay:
Nguyễn Thiện Ðạo, một người vinh danh nhạc Việt trên thế giới
GS, Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đang chỉ huy dàn nhạc.

- Thưa nhạc sĩ vì duyên cớ gì mà hầu hết tác phẩm của ông trình diễn trên thế giới nửa thế kỷ qua đều thấm đẫm hồn dân tộc?

Nguyễn Thiện Ðạo từ tốn đáp tâm sự:

- Là một trong năm học trò đặc biệt của Olivier Messiaen - một nhà soạn nhạc lớn của thế giới thế kỷ 20; tôi luôn khắc ghi lời thầy: "Các anh là người nước nào thì phải giữ cái gốc của nước đó"... Tôi đến với âm nhạc dân tộc của quê hương và tận tâm cống hiến cho Tổ quốc bằng nhiều tác phẩm: Tây Nguyên, Khóc Tố Như, Bà mẹ Việt Nam, Phù Ðổng, Máu và Hoa, Mỵ Châu - Trọng Thủy... Tôi luôn ghi nhớ, mình là nhạc sĩ Việt chứ không phải là người nhạc sĩ của nước nào khác. Theo tôi dù ở lĩnh vực âm nhạc, hội họa hay điện ảnh, con đường của nghệ sĩ chân chính là sống và làm việc hết mình vì dân tộc mình.

Trong câu chuyện cởi mở tôi nhận thấy Nguyễn Thiện Ðạo luôn dành tình cảm yêu thương hết mực với quê hương. Tôi bất ngờ vì sự am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc của ông. Nguyễn Thiện Ðạo thuộc lầu Bình ngô Ðại cáo, Hịch tướng sĩ, Truyện Kiều...

Nguyễn Thiện Ðạo sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 1953 sang Pháp du học. Năm 1963 ông thi tuyển vào Nhạc viện Quốc gia Pa-ri. Năm 1968 đoạt giải nhất môn sáng tác (lớp của Giáo sư nhạc sĩ Olivier Mesiaen). Khó có thể ngờ, người thanh niên Việt nhỏ bé đầy nghị lực ấy đã làm nên sự bứt phá ngoạn mục trong sự nghiệp sáng tác. Ngay năm học đầu tiên, Nguyễn Thiện Ðạo đã nhận giải nhất của nhạc viện với tác phẩm khí nhạc Thành đồng Tổ quốc (thơ Tố Hữu). Kế thừa hai nền văn minh Ðông - Tây, âm nhạc Nguyễn Thiện Ðạo mang tính hào hùng và trữ tình với hơn 80 tác phẩm từ độc tấu đến giao hưởng, ô-pê-ra... đã được trình diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nguyễn Thiện Ðạo sớm tham gia phong trào yêu nước của người Việt ở Pa-ri và nay là thành viên trong Ban Chủ tịch Hội Người Việt tại Pháp. Những năm chống Mỹ cứu nước, ông cùng với Hội Người Việt tại Pháp thực hiện thành công nhiều đêm nhạc lớn, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở trong nước. Giữa Pa-ri tráng lệ, Nguyễn Thiện Ðạo chỉ huy nhiều dàn nhạc, thắp sáng những bản hợp xướng dậy sóng đấu tranh, vọng vang niềm tự hào, tinh thần bất khuất của mỗi người dân Việt trong cuộc chiến chống xâm lăng và truyền niềm tin chiến thắng đến bà con Việt kiều ở khắp năm châu. Nguyên Ðại sứ Việt tại Pháp Võ Văn Sung từng giới thiệu với tình cảm trìu mến về Nguyễn Thiện Ðạo như người làm nên "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Pa-ri".

Khoảng đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước tại Ðại hội Âm nhạc thế giới tổ chức tại châu Âu, Nguyễn Thiện Ðạo là người Việt Nam duy nhất được mời tham dự. Khi biểu diễn tác phẩm Tuyến lửa của ông, ban tổ chức dự định treo lá cờ của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Thấy vậy Nguyễn Thiện Ðạo khẳng khái: "Lá cờ đó không tượng trưng cho quê hương của tôi!". Và thế là lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trong tiếng nhạc hoành tráng. Thế giới thêm một lần biết đến một Việt Nam anh hùng qua âm hưởng hào hùng của Tuyến lửa và nhất là qua tình yêu vô bờ đối với đất nước của người nhạc sĩ lớn này.

Danh tiếng của Nguyễn Thiện Ðạo được người yêu âm nhạc ở nhiều nước kính nể bởi tài năng xuất chúng. Với những giải thưởng quốc tế lớn, ông đã có tên trong hai cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp: Le petit Larousse và Le Petit Robert. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Ðạo được Nhà nước Việt tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ Văn hóa. Ông là một trong hai nhạc sĩ Việt kiều (cùng NSND Ðặng Thái Sơn) được đặc cách mang hai quốc tịch. Ông cũng là người được vinh dự nhận giải thưởng André Caplet của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp và được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Chevalier des Arts et des Lettres.

Nguyễn Thiện Ðạo là một nhịp cầu nối liền âm nhạc Việt với những bến bờ xa của thế giới. Ông từng tâm sự: "Trời đất đã ban cho tôi khí thiêng hào sảng của sông núi đất Việt". Với phương châm sáng tác "dân tộc đích thực, nhân loại tiên phong", Nguyễn Thiện Ðạo đã là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên đem vinh quang cho âm nhạc quê hương bằng việc đưa âm thanh dân tộc bước ra thế giới, thực hiện ước mơ hoài bão mà ông luôn ấp ủ: "Tôi luôn mong muốn được đóng góp tốt nhất cho nền âm nhạc bác học Việt Nam, muốn cùng các nhạc sĩ Việt Nam tạo ra một dòng nhạc Việt Nam xứng tầm trên thế giới".

Nguyễn Thiện Ðạo đã trở thành hiện tượng trong nghệ thuật âm nhạc hàn lâm thế giới, bởi vậy mà nhạc sĩ thiên tài Olivier Messiaen từng nhận xét: "Nguyễn Thiện Ðạo là người nhạc sĩ lớn nhất cuối thế kỷ 20". NSND GS.TS Trọng Bằng nguyên Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt đã trân trọng đánh giá: "Nguyễn Thiện Ðạo là nhà soạn nhạc lỗi lạc của thế kỷ 20 - người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Pa-ri".

Những năm gần đây, Nguyễn Thiện Ðạo thường có mặt ở Hà Nội và tham dự nhiều chương trình âm nhạc lớn do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Hội Nhạc sĩ Việt tổ chức.

Các tác phẩm của Nguyễn Thiện Ðạo thấm đượm chất liệu truyền thống và tràn đầy sức sáng tạo; và đó là So dây, Khói tháp, Hồn sông núi... Âm nhạc của ông đã hỗ trợ phim Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải) đoạt giải Cánh diều vàng 2005. Sau đó, phần nhạc này được trình diễn chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2006. Có thể thấy rõ ở từng tác phẩm của Nguyễn Thiện Ðạo sự chắt lọc tinh túy về kỹ thuật và nghệ thuật hiện đại nhưng lại đầy ắp hồn Việt. Tháng 5-2008 bản Khai giác của ông được dàn dựng và thực hiện tại Ðại lễ Phật đản tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Khai giác có lẽ là tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam viết về đạo Phật. Ngoài đời Nguyễn Thiện Ðạo ăn nói nhỏ nhẹ, vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng trên ban chỉ huy tựa như một đạo sĩ vừa như một vị tướng chỉ huy trận cuồng phong âm thanh khiến người nghe cuốn theo suối nhạc, tắm hồn trong giai điệu dân ca khi sâu lắng, lúc bay bổng.

... Ðể tiếp câu chuyện dang dở tôi tiễn nhạc sĩ Nguyễn Thiện Ðạo ra sân bay quốc tế Nội Bài để về Pháp. Ngồi trên xe ông hồ hởi cho biết sẽ trở lại quê hương để cùng Nhà hát kịch Việt thực hiện chương trình nghệ thuật chào đón ngày Quốc khánh năm nay.
 

                                                                                                                 Theo ND

Các bài mới
Các bài đã đăng