Văn nghệ trong nước
Câu chuyện có hậu từ bức ảnh trong cuộc chiến 1979
09:29 | 22/12/2020

110 bức ảnh đen trắng trong cuốn sách “Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía bắc 1979” (NXB Hội Nhà văn) vừa ra mắt trong một sáng Hà Nội lạnh căm là niềm ấp ủ trong suốt 40 năm của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Mạnh Thường.

Câu chuyện có hậu từ bức ảnh trong cuộc chiến 1979
Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường tại buổi ra mắt sách

Cuốn sách bao gồm những bức ảnh chân thật, đầy cảm xúc về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979, phản ánh tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân, dân Cao Bằng trước tội ác dã man của quân xâm lược và cả một câu chuyện xúc động với cái kết có hậu đầy nhân văn mấy chục năm sau. 

1. Nhà báo, NSNA Trần Mạnh Thường sinh năm 1938, tại Lệ Thủy - Quảng Bình, vốn là học sinh Trường Thiếu sinh quân Việt Nam, được Nhà nước cử sang CHDC Đức học về nhiếp ảnh. Về nước ông công tác tại xưởng phim đèn chiếu, sau về làm việc ở NXB Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đầu năm 1979, trong những ngày tình hình phía bắc diễn ra hết sức căng thẳng, ông quyết định lên tỉnh biên giới Cao Bằng nhằm ghi lại những diễn biến bằng hình ảnh.

Ngày 16-2-1979, ông có mặt ở huyện Hòa An thì ngay sáng ngày 17 địch đã nổ súng tiến công trên toàn tuyến biên giới nước ta, trải dài từ Lai Châu cho đến Quảng Ninh. Như chuyện mới từ  hôm qua, ông kể: Thời điểm đó, địch áp dụng kiểu đánh vu hồi nên rất ít phóng viên lọt được vào giữa chiến trường như tôi. Đêm hôm đó tôi nằm ở Hòa An, đến 5 giờ sáng, súng bắt đầu nổ khắp nơi, đến khoảng 8 giờ, có 32 chiếc xe tăng địch (không bộ binh đi kèm) trông như đàn bọ hung chạy qua thị trấn Nước Hai (Cao Bằng) bị bộ đội ta bắn cháy. Tôi cứ thấy chiếc nào bị tiêu diệt là chạy đến chụp ngay và chả còn cảm giác sợ nữa. Cứ thế, giữa chiến địa, cứ nghe tin nổ súng ở đâu là tôi chạy bộ đến đó. Có nơi cách nhau cả mấy chục cây số chả thấy mệt mỏi gì, cứ băng rừng mà đi từ Thông Nông, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Hà Quảng cho đến Nguyên Bình, Trùng Khánh… Đến ngày 8-3 mới về đến hậu cứ Ngân Sơn. Đến giờ tôi không hiểu tại sao mình lại có thể đi nhiều như vậy dù lúc đó tôi đã 41 tuổi.

Cả đợt đó ông chụp hết tám cuộn phim, một số được rửa và đăng tải ngay trên Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân nhằm phản ánh kịp thời tình hình cuộc chiến. Các cuộn phim chứa nhiều bức ảnh chưa từng được công bố được ông lưu giữ cẩn thận trong mấy chục năm trời, chỉ chờ đợi một dịp được xuất bản thành sách. Điều đó đã trở thành hiện thực. NSNA Trần Mạnh Thường nghẹn ngào trong buổi ra mắt cuốn sách dày 120 trang, gồm 110 ảnh đen trắng, được chia thành ba phần: Cuộc đời tôi đã xuất bản 60 cuốn sách, trong đó bốn cuốn về nhiếp ảnh nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy sung sướng như khi xuất bản được cuốn sách ảnh này. Tôi muốn để lại cho thế hệ sau này biết rằng đất nước ta đã có một cuộc chiến tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng khốc liệt.

Chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn chia sẻ, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc nước ta có những lý do đặc biệt mà chúng ta không thể nào quên và không được phép quên… Những khuôn hình của nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường luôn tạo ra những cái nhìn tập trung, sắc lạnh, vừa chi tiết, vừa bao quát và lột tả được toàn bộ những gì mà cuộc chiến đã diễn ra. Những bức ảnh trung thực cho người xem cảm như chính mình đã chứng kiến cuộc chiến tranh ấy… Mỗi ánh mắt, mỗi gương mặt của người dân Việt Nam, của những chiến sĩ Việt Nam trong cuộc chiến đấu hiện lên rất rõ ý chí bất diệt vì chủ quyền dân tộc...

Câu chuyện có hậu từ bức ảnh trong cuộc chiến 1979 -0

Bức ảnh được chụp ngày 24 tháng 2 năm 1979. 


2. Tại buổi ra mắt sách, mọi người trong khán phòng đều xúc động với câu chuyện đằng sau của một bức ảnh nổi tiếng chụp ngày 24-2-1979. Bức ảnh có hình nữ chiến sĩ lưng khoác súng và ba-lô nặng trĩu đang bế một em bé khoảng hai tuổi tại khu vực cầu Tài Hồ Sìn (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). NSNA Trần Mạnh Thường cho biết, lúc đó mọi việc diễn ra rất nhanh, khi ra quốc lộ 3 để đi lên phía bắc, thấy cảnh tốp bộ đội đang đưa một em bé cùng bà mẹ bị giặc bắn bị thương rất nặng ra xe cứu thương, tôi xin chụp ngay rồi tất cả cùng rút nhanh vì địch đang ở gần nên cũng không kịp ghi tên tuổi của em bé và cô bộ đội, bức ảnh sau đó được đăng trên báo Quân đội Nhân dân. Trải qua mấy chục năm, hai nhân vật trong bức ảnh mới gặp lại nhau nhờ nỗ lực của một nhà báo. Cùng có mặt trong buổi ra mắt sách, bé gái trong ảnh là Hoàng Thị Hiền nay đã 44 tuổi, hiện là cán bộ xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, Cao Bằng và cô bộ đội Bùi Thị Mùi ở Thanh Ba (Phú Thọ) cũng đã hơn 60 tuổi và phải ngồi xe lăn sau một tai nạn lao động.

Cựu chiến binh (CCB) Bùi Thị Mùi bồi hồi kể lại, năm đó tôi thuộc biên chế Đại đội 3, Tiểu đoàn 19 vận tải thuộc Sư đoàn 346 (Quân khu 1). Cuộc chiến biên giới nổ ra, đơn vị bị thiệt hại nặng, chúng tôi trên đường thoát vây đến bản Tấn, huyện Hòa An thì gặp mẹ con bé Hiền bị nạn. Em bé lúc đó người ngợm, mặt mũi lấm lem hết cả, đang gào khóc bên người mẹ bị thương nặng nằm bất tỉnh do địch bắn vào đùi chảy rất nhiều máu. Mọi người phân công nhau, một chiến sĩ đi trước cõng người mẹ, còn tôi bế em bé bám sát phía sau, cứ thế luồn dưới chân chốt địch mà đi một cách hết sức bí mật không gây tiếng động, cứ nhìn thấy ánh sáng của dàn pháo H12 của địch trong thị xã bắn để xác định hướng. Rất may lúc đó em bé rất ngoan, tôi lật súng ra phía sau, ấp em vào ngực mình giữ ấm và tránh để cành cây khỏi đâm vào người bé. Đến gần 9 giờ sáng ngày 24 thì chúng tôi thoát khỏi vòng vây và gặp được hai chiếc xe Gaz 66 đến cứu thương để đưa về trạm tiền phương. Lúc đó cũng là lúc tôi gặp đồng chí Trần Mạnh Thường, ông cũng vừa trong trận ra, tranh thủ chụp vội tấm hình tôi bế em bé rồi cũng rút ra khỏi chiến sự để tránh thám báo địch phát hiện, gọi pháo kích. Khi đưa hai mẹ con về đến trạm tiền phương, em bé cứ ôm chặt lấy cổ tôi không muốn rời ra. Tôi phải gỡ tay em ra để quay lại đơn vị tiếp tục chiến đấu, lúc đó tôi đang là tiểu đội trưởng.

Câu chuyện có hậu từ bức ảnh trong cuộc chiến 1979 -0

 CCB Bùi Thị Mùi và chị Hoàng Thị Hiền trong ngày ra mắt cuốn sách 15-12-2020.


Từ đó, trải qua mấy chục năm, mọi chuyện cứ ngỡ sẽ trôi đi trong ký ức. Sau cuộc chiến, bà Mùi kết hôn với ông Nguyễn Thanh Long, cũng là CCB từng chiến đấu tại Quảng Ninh thời kỳ những năm 1979. Bỗng một ngày tháng 2-2016, bé gái năm xưa lại xuất hiện ngay trước mặt khi bà đang nằm liệt tại nhà do vừa bị tai nạn. CCB Bùi Thị Mùi kể trong nước mắt, lúc gặp lại lần đầu tiên, tôi nhận ra ngay Hiền là em bé năm xưa mình đã cứu. Bởi ấn tượng về khuôn mặt của Hiền khiến tôi không bao giờ quên có cằm và trán rất giống ngày nhỏ. Khi cháu đến nhà, tôi đang nằm trên giường và không cần ai giới thiệu, tôi đã thốt lên bé kia rồi. Hiền lao ngay vào lòng tôi gọi một tiếng mẹ, hai người chúng tôi cứ thế ôm nhau khóc mãi. Rất cảm ơn nhà báo Trần Mạnh Thường đã lưu lại bức hình đó và nhà báo Mai Thanh Hải trong ba năm dài bỏ công đi tìm ra các nhân vật trong bức ảnh, đem lại cho tôi một đứa con bởi hai vợ chồng tôi lại không có con và tôi rất khát khao được có ai gọi mình bằng mẹ. Từ đó, tôi có động lực lớn cần phải vượt lên bệnh tật, cần phải sống để tiếp tục nghe được tiếng cái Hiền gọi mình bằng mẹ. Thật sự, tôi xin cảm ơn cuộc đời cho tôi một cái kết rất có hậu lớn lao, đó là cái duyên kỳ ngộ mà tôi thường nói với cháu rằng: Con ơi, chắc kiếp trước mẹ con mình là mẹ con, kiếp này Trời Phật lại gửi lại con cho mẹ! Tôi sung sướng lắm giờ tôi đã có con gái, có hai cháu ngoại và con rể. Đây là tài sản lớn nhất của tôi.

Giờ đây, dù đường sá xa xôi cách trở, nhưng mỗi năm một lần, chị Hiền lại cho gia đình về thăm người “mẹ” đã cứu mình. Câu chuyện từ bức ảnh trong cuốn sách cũng là câu chuyện về sự dấn thân quên mình của nhà báo Trần Mạnh Thường để mang lại cho thế hệ sau những chứng cứ lịch sử vô giá.

 
Theo Khiếu Minh - Thời Nay/ND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng