Văn nghệ trong nước
Nhớ về một lớp thanh niên chân đất xung phong vào đời
09:24 | 18/03/2021

Cách nay tròn 45 năm, hàng vạn thanh niên trong màu áo Thanh niên xung phong (TNXP) tập trung tại sân vận động Thống Nhất của thành phố Sài Gòn để tỏa đi các hướng, chủ yếu là về các vùng gian khó, với lý tưởng "vá lại vết thương chiến tranh".

Nhớ về một lớp thanh niên chân đất xung phong vào đời

Đã 45 năm, những người trong cuộc vẫn còn nhớ mãi lời ca hào hùng thúc giục lớp lớp thanh niên lúc bấy giờ "tạm biệt mái trường, tạm biệt phố phường" dấn bước về vùng sâu vùng xa, lên rừng xuống biển, đến những nơi mà khi tập trung trên sân Thống Nhất mọi người còn chưa hình dung hết được những tháng ngày gian khổ mà đặc biệt đang chờ đón chặng đời mới của họ.

"Những tháng ngày dư dả gian nan, thừa thải nhọc nhằn" - cách ví von mang nhiều tầng cảm xúc của nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên chính là phác họa một nét sắc về TNXP. Và nay, tập sách Một thời chân đất vừa ra mắt bạn đọc chính là một lần nhìn lại của những người trong cuộc, TNXP TP.HCM, về chặng đường quá khứ vừa đặc biệt vừa riêng biệt ấy.

Tập sách không chỉ là một dịp nhắc nhớ, các tác giả với tác phẩm ở đây trình hiện như một lời mời gọi. Rằng hãy đến đây để xem lại các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào cái thuở "sơ khai", khi chính anh còn chưa hình dung sau này mình sẽ nổi tiếng với dòng sách tuổi mới lớn. Hồi còn ở TNXP, Nguyễn Nhật Ánh làm thơ, viết truyện. Bạn đọc sẽ bắt gặp ở Một thời chân đất những bài thơ từng in trong tập Đầu xuân ra sông giặt áo, trong đó có cả tác phẩm Thành phố tình yêu và nỗi nhớ mà Nguyễn Nhật Ánh viết từ năm 1979 từng được Phạm Minh Tuấn phổ nhạc và... nổi tiếng cho đến tận bây giờ.

Hay như nhà thơ Thanh Nguyên từng nổi tiếng với bài thơ Ngày xưa có mẹ, nay ở tập này bạn đọc sẽ bắt gặp một mạch thơ khác về những tháng ngày chị gắn bó với TNXP. Bạn đọc sẽ có những rung động rất khác với thơ Thanh Nguyên, về bụi đỏ, gió thốc, biển, rừng, dòng kênh, con gái con trai... Cuối mỗi bài thơ còn kèm thêm dòng xuất xứ là những nông trường Lê Minh Xuân hay Dương Minh Châu, hay đơn giản nơi sinh ra bài thơ nằm chính trong những dòng thơ ấy: "Bạn ở lại nhìn lên bầu trời trong lành/ chỉ xao động bởi tiếng chim/ nghe sông Mê Kông rì rầm chảy về Tổ quốc/ cả tiếng cá quẫy đuôi và tiếng phù sa bồi đắp/ cũng dội vào lòng đất bạn nằm...".

Tương tự như vậy, nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng để lại trong quãng đời TNXP của mình những vần thơ chảy tràn nhiệt huyết mà Những bông hoa trên tuyến lửa là một điển hình đã thắp lên trong lòng nhiều thế hệ thanh niên ánh sáng của lý tưởng, của tinh thần dấn thân sống sao để không hổ thẹn với những người đi trước từng hi sinh một cách bình dị mà cao cả...

Có thể nói, từ cuộc ra quân của TNXP TP.HCM năm 1976, lịch sử miền Nam thời hậu chiến chuyển mình sang một bước khác. Lần đầu tiên trong lịch sử có hàng vạn thanh niên "thư sinh mặt trắng" không ngại gian khổ nhất loạt về với ruộng đồng đào kênh, đào giếng, mở đường, lập rẫy, dựng nhà... cho người dân trên khắp nhiều tỉnh thành. Điều thú vị là chính chất thị dân và nền tảng trí thức trong số đông ấy đã hình thành một lớp văn nghệ sĩ "bước ra từ TNXP".

Họ, đến nay vẫn giàu lòng nhân ái, vẫn không nguôi nghĩ đến cộng đồng và đồng đội. Chính tập sách Một thời chân đất này được hình thành từ ý tưởng: phát hành sách để gây quỹ hỗ trợ giúp đỡ các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.
 

Buổi ra mắt tác phẩm Một thời chân đất và trao quà chia sẻ cùng 135 cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ diễn ra tại hội trường cơ quan Lực lượng TNXP TP.HCM (636 Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM) lúc 14h ngày 20-3.


Theo Lam Điền - TTO

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng