Hành trình khám phá châu Á đã mang lại vô số ghi chép uyên bác về hành chính, xã hội, tôn giáo... do người Việt Nam và người Pháp để lại, được in dấu trong các bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam. Lần đầu tiên, hàng nghìn tư liệu trong số đó đã được số hóa để phục vụ tra cứu trực tuyến.
Di sản tư liệu chung
Sáng 7.4, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức họp báo ra mắt Thư viện Hoa Phượng vỹ Pháp - Việt Nam - bộ sưu tập “di sản chung” gồm hơn 2.000 tài liệu tiêu biểu, từ các bộ sưu tập của hai thư viện quốc gia và đối tác, có thể được tra cứu toàn văn trên trang web: https://heritage.bnf.fr/france-vietnam/vi.
Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Monsieur Nicolas Warnery, tại Pháp, quy chế lưu chiểu đã tồn tại từ năm 1537. Tất cả sách được xuất bản phải nộp một bản lưu chiểu. Trên cơ sở quy định này, trong giai đoạn Pháp ở Đông Dương, việc nộp lưu chiểu cũng được thực hiện tại Thư viện Trung ương Đông Dương (Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày nay), nhờ đó, có phông tư liệu Đông Dương, với khoảng 12.000 tư liệu từ năm 1922 - 1954, thể hiện rõ sự dịch chuyển của văn hóa Việt Nam, của Đông Dương nói chung trong giai đoạn này.
Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Quốc gia Pháp là 2 cơ quan thư viện đang lưu trữ tư liệu lớn nhất thế giới về Đông Dương, về Việt Nam từ thế kỷ XVII - XX. Các di sản tư liệu này chứng thực cho lịch sử chung giữa hai quốc gia. Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga cho biết, Thư viện số Pháp - Việt được triển khai trong gần 2 năm (2019 - 2020). Cổng thông tin có tư liệu về văn hóa, lịch sử, khoa học giữa Pháp và Việt Nam. Trong 2.164 tư liệu được công bố, Thư viện Quốc gia đóng góp hơn 1.100 tư liệu. Ngoài tài liệu in, còn có hình ảnh, tranh, đặc biệt là tư liệu âm thanh. Đây là bộ sưu tập tài liệu cực kỳ đa dạng, gồm bản dịch các tác phẩm phương Tây, tác phẩm kinh điển của Việt Nam, những sáng tạo văn học mới, sách giáo khoa và sách kỹ thuật... Tài liệu đưa lên là tài liệu đã hết thời hạn bản quyền, không vi phạm quy định sở hữu trí tuệ.
Ngoài nguồn tài liệu từ hai thư viện, còn có hơn 260 tài liệu từ bộ sưu tập của Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông học vì sự phát triển (CIRAD), đối tác của dự án, cũng được đưa vào Thư viện số. Thời gian tới, những tài liệu mới, bài giới thiệu và các đối tác mới sẽ tiếp tục bổ sung cho quỹ tài liệu này.
Chứng nhân di sản văn hóa đa dạng
Từ năm 2009, Thư viện Quốc gia Pháp theo đuổi chính sách số hóa và phát huy giá trị di sản tư liệu, hợp tác với các thư viện đối tác tại Pháp và nước ngoài. Với mục tiêu này, năm 2017 đã ra đời bộ sưu tập thư viện số “Di sản chung”, khám phá mối quan hệ giữa Pháp và các nước khác qua nhiều thế kỷ. Thư viện số Pháp - Việt, giống như những trang web khác trong bộ sưu tập này, là chứng nhân cho một di sản văn hóa đa dạng và có nhiều đan xen, được cung cấp cho công chúng thông qua những tài liệu đặc biệt vẫn không ngừng được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu để làm mới ý nghĩa của nó, hôm nay và cho mai sau.
Theo bà Dương Thị Hương Giang, Phó trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Thư viện Quốc gia Việt Nam: Thư viện kết nối tài nguyên số giữa 2 Thư viện Quốc gia Việt Nam và Pháp gồm 8 mục: Lưu chuyển; Truyền thống; Tư tưởng, Văn học, Chuyển giao văn hóa, Các triều đại và chính quyền, Khoa học và Xã hội, Đời sống kinh tế. Mỗi mục chính chia thành nhiều tiểu mục, dựa trên số lượng và chủ đề. Chẳng hạn, mục “Văn học” có số lượng tài liệu nhiều, nên được tách riêng khỏi mục “Chuyển giao văn hóa”. Các bài giới thiệu của các nhà khoa học Pháp và Việt Nam dẫn dắt người dùng đến bộ sưu tập, cung cấp thông tin về bối cảnh, đánh giá sơ bộ sưu tập.
Tiêu biểu trong bộ sưu tập có “Kim Vân Kiều - Truyện An Nam” - cuốn sách được xuất bản năm 1924, lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, tập hợp nhiều hình ảnh diễn viên, phân cảnh trong bộ phim, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam; bộ sưu tập Sách xuân, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của đời sống tinh thần, của chữ Quốc ngữ; các tài liệu âm thanh chèo cổ với bản ghi âm từ những năm đầu thế kỷ XX; bộ sưu tập hình ảnh về nền nông nghiệp Việt Nam thời kỳ Đông Dương, được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Pháp, cũng được số hóa với độ phân giải cao...
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp Michel Espagne cho rằng, có ký ức về nước Pháp trong Việt Nam, thì đồng thời cũng có ký ức về Việt Nam trong nước Pháp. Người đã dịch "Kim Vân Kiều" sang tiếng Pháp cũng là người đã dịch truyện ngụ ngôn của La Fontaine sang tiếng Việt. Những ký ức lồng ghép này được thể hiện qua mảng văn học Pháp ngữ (mục “Văn học”), trong đó tiếng Pháp được làm giàu thêm nhờ các tác giả Việt Nam. Đó cũng chính là lý do Thư viện Quốc gia Pháp lựa chọn đặt cho trang web dưới một biểu tượng lạc quan và thân thiện, là những đóa phượng vỹ rực rỡ tô điểm các sân trường ở Việt Nam như trong ghi chép của các tiểu thuyết gia hoặc nhà lữ hành phương Tây.
Theo GS. TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, khi người Pháp sang Việt Nam đã ghi chép cẩn thận về các lĩnh vực, có giá trị tư liệu. Trong đó, tư liệu về văn hóa Việt phần nhiều từ những ghi chép của người Pháp. Tuy nhiên, trước kia, các nhà nghiên cứu khó tìm kiếm tư liệu, ít người đọc được tài liệu tiếng Pháp. Thư viện Hoa Phượng vỹ ra đời giúp các nhà nghiên cứu, độc giả quan tâm dễ dàng tiếp cận những tư liệu quý này.