Một không gian xưa được tái hiện qua nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, nhưng hơn cả là những phiên chợ sách quý được tổ chức, thể hiện nét tài hoa và truyền thống trọng chữ, hiếu học của người Hà Nội.
Ðó là ý tưởng của những người tổ chức sự kiện "Một nét văn hóa Hà Nội" được tổ chức từ ngày 16 đến 18-4 tại khu vực Hồ Văn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Một nét văn hóa Hà Nội" là hoạt động hướng tới Ngày Sách Việt Nam (21-4) nhằm tôn vinh các tác phẩm, tác giả, góp phần tạo dựng thói quen đọc sách, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư thành phố, góp phần kết nối những đơn vị xuất bản, làm sách với cộng đồng và giới thiệu các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của thành phố nghìn năm văn hiến. Sự kiện do Công ty cổ phần Ðầu tư Phát triển Trường Phương và Công ty TNHH quốc tế Mai Hà tổ chức. Theo ông Hà Huy Chiến, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học, cố vấn tổ chức sự kiện, trọng tâm của "Một nét văn hóa Hà Nội" là các phiên chợ sách diễn ra trong ba ngày, giới thiệu đến bạn đọc và những nhà sưu tập các dòng sách quý được sưu tập, phục dựng và xuất bản lại theo đúng nguyên gốc ban đầu.
Hai đơn vị tổ chức tập trung vào dòng sách học thuật, sách di sản bản đẹp và dòng sách thiếu nhi, trong đó chủ yếu là sách thiếu nhi dịch từ văn học Liên Xô (trước đây) và văn học Nga đã từng gắn bó với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Nhiều bộ sách quý bản đẹp được làm bằng chất liệu giấy dó theo phương thức thủ công truyền thống khá công phu và có hộp đựng sơn mài, kết tinh sáng tạo của những người làm sách và nghệ nhân. Ðiều này cho thấy các ấn phẩm sách ngày nay đã và đang được đầu tư nâng cao về hình thức cũng như chất lượng, tích hợp, truyền tải các giá trị văn hóa nghệ thuật khác nhau và vẫn thu hút bạn đọc, cho dù có sự cạnh tranh của các loại hình ấn phẩm sách, báo điện tử.
Những gian trưng bày sách được thiết kế và sắp đặt đầy tính nghệ thuật, bao quanh khu vực Hồ Văn để tạo thành những không gian văn hóa Hà Nội xưa qua các thời kỳ, từ những năm cuối thế kỷ 19 cho đến những năm tháng kháng chiến và thời bao cấp gian khó cùng các đồ dùng sinh hoạt, trang phục đặc trưng thể hiện cuộc sống sinh hoạt của người dân thành phố. Mỗi không gian đều có những sân khấu tổ chức các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống do các nghệ sĩ, diễn viên và nghệ nhân thể hiện theo hình thức sân khấu dân gian kiểu những chiếu chèo, chiếu xẩm hay các canh hát ca trù, ngâm thơ, lẩy Kiều… Bên cạnh đó, khách tham dự sự kiện còn có dịp tìm hiểu, trải nghiệm những thú chơi tao nhã của người Hà Nội và quy trình làm nghề in, ấn, làm giấy dó cổ truyền, làm cốm, giã giò..., tham gia các trò chơi dân gian hoặc thưởng thức những món quà đặc trưng trong những quán hàng mang đầy hoài niệm của "Hà Nội phố".
Việc tổ chức các hội chợ sách và những sự kiện về sách như "Một nét văn hóa Hà Nội" là minh chứng rõ nét các ấn phẩm sách in vẫn có chỗ đứng trên thị trường, nhưng các nhà làm sách cần có những phương thức, cách làm hấp dẫn và phù hợp, giúp lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách.
Theo Quốc Bảo - NDĐT