Văn nghệ trong nước
Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2021) _ Phối hợp chiến đấu chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả
10:09 | 29/04/2021

Tại hội thảo khoa học “Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức ngày 28.4, các đại biểu một lần nữa khẳng định, sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các hướng mũi tiến công; sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong huy động nhân lực, vật lực, đã góp phần làm nên thắng lợi.

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2021) _ Phối hợp chiến đấu chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả
Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại hội thảo.

Thắng lợi vang dội

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Trần Quang Phương, với mục tiêu là tiến công thẳng vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Bộ Chính trị quyết định tiến hành và thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định (từ 14.4.1975 đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh). Cách đánh là tiêu diệt, ngăn chặn và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn phòng ngự vòng ngoài, mở đường cho các binh đoàn đột kích thọc sâu, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu, kết hợp tiến công và nổi dậy, kết hợp đánh bên trong và đánh bên ngoài.

Để thực hành trận quyết chiến chiến lược với quy mô lớn chưa từng có, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định không tổ chức đội hình thê đội trong quá trình tác chiến; không chia bước, chia đợt như các chiến dịch thông thường mà giao khu vực tác chiến và mục tiêu tiến công cụ thể cho từng Quân đoàn trên từng hướng. Lực lượng chủ lực tiến công hình thành 5 cánh quân, mỗi cánh quân tương đương 1 quân đoàn. Theo đó, hướng Đông Nam do Quân đoàn 2 đảm nhiệm.

Tuy nhiên, khu vực tập kết lực lượng và các vị trí xuất phát tiến công trên hướng Đông Nam Sài Gòn có địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi những đồng lầy rộng lớn và hệ thống sông ngòi chằng chịt, do đó, để hoàn thành nhiệm vụ, Quân đoàn 2 đã làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng và sử dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo với tư tưởng tác chiến “nhanh, mạnh, chắc”.

Phối hợp với Quân đoàn 2, Tỉnh ủy Đồng Nai và các cấp bộ đảng trong tỉnh cũng đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ, tham gia công tác bảo đảm hậu cần phục vụ bộ đội chiến đấu; có kế hoạch di tản nhân dân ra khỏi vùng chiến sự; phát động quần chúng nổi dậy truy lùng ác ôn, chiếm các trụ sở chính quyền địch ở xã, ấp, phát huy tinh thần tự lực và chủ động giải phóng quê hương. Sau 5 ngày chiến đấu quyết liệt, liên tục (từ 26 - 30.4.1975), hướng tiến công Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, có sự hỗ trợ đắc lực của quân và dân Đồng Nai, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đập tan tuyến phòng thủ Đông Nam Sài Gòn của địch.

Tầm nhìn chiến lược

Theo Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Trần Quang Phương, hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do Quân đoàn 2 đảm nhiệm có vai trò, vị trí quan trọng, trực tiếp tiến công tiêu diệt lực lượng địch co cụm, rút chạy về phía Đông Nam Sài Gòn và hướng Bà Rịa - Vũng Tàu theo đường bộ và đường sông.

Thắng lợi này góp phần tạo thế và lực, tạo tiền đề mở Chiến dịch Hồ Chí Minh đúng thời điểm (26.4.1975); đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng trên các hướng nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của Quân đội Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt giữ nội các chính quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn - Gia Định; góp phần to lớn vào thắng lợi quyết định của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là người từng chỉ huy đơn vị tham gia chính trong hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 325, Quân đoàn 2, nguyên quyền Tư lệnh Quân khu 2, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch xuất sắc của các cơ quan tham mưu chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng.

“Chiến thắng của hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã cho thấy sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các hướng mũi tiến công. Đồng thời, cũng cho thấy sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc huy động nhân lực, vật lực, phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu và giành thắng lợi” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương, hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là một hướng tiến công quan trọng, cùng với các hướng khác giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giành thắng lợi hoàn toàn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực tế đó đã để lại nhiều kinh nghiệm và bài học lịch sử về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; đánh dấu bước phát triển nghệ thuật quân sự đặc sắc của chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cũng nhấn mạnh, những kinh nghiệm, bài học từ chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, góp phần thiết thực trong giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ. Mặt khác, có thể vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

 
Theo Nguyễn Thúy - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đón Ngày sách (20/04/2021)