Văn nghệ trong nước
Mừng Đại lễ Phật đản 2021 - Những giá trị nhân văn mang tính nhân loại
14:58 | 20/05/2021

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, các nhà khoa học đã khẳng định, sự trường tồn của Phật giáo trong hơn 25 thế kỷ qua được kết tinh lại không chỉ ở các triết lý và giáo lý cao siêu mà còn hiển lộ ở sự vĩnh hằng của những giá trị nhân văn mang tính nhân loại. Tại Việt Nam, Phật giáo cũng có đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Mừng Đại lễ Phật đản 2021 - Những giá trị nhân văn mang tính nhân loại
Chùa Hòa Mã (Hà Nội) từng là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động tự vệ thành Ảnh: Ng.Anh

Du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, Phật giáo đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong “văn minh vật chất và văn minh tinh thần” của dân tộc. “Trong Phật giáo có sự dung hội giữa tâm hồn Việt Nam và giáo lý căn bản của đạo Phật. Sự hòa đồng đó sâu đậm đến mức, với tâm hồn Việt, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn được coi là lối sống, đạo đức, thứ năng lượng nuôi sống tâm hồn con người” - PGS.TS. Đặng Văn Bài nhận định.

Trước hết, cần khẳng định, kho tàng kinh điển Phật giáo là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, có khả năng giáo dục con người loại trừ nguyên nhân gây ra đau khổ, và nhờ đó mà được sống an vui, hạnh phúc. Hệ thống giáo dục và đào tạo của Phật giáo đã sản sinh ra nhiều vị tổ sư, cao tăng, là những vị thực tu, thực chứng, có kiến giải sâu sắc, có tầm nhìn thấu thị nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Lời nói, câu chữ viết thành văn, các tác phẩm nghiên cứu Phật học của họ đều sâu sắc và có tầm ảnh hướng lớn, điều chỉnh, hướng dẫn hành động cho phật tử.

Tiêu biểu nhất phải kể đến Đệ nhất Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam. Tinh thần “nhập thế”, phản ánh rất rõ trong tác phẩm “Cư trần lạc đạo” của ngài, đã góp phần to lớn tạo nên sức mạnh Đại Việt, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước ở thế kỷ XIII. Tinh thần nhập thế từ đó đã trở thành phương châm hành động của Phật giáo Việt Nam là “đạo pháp và dân tộc”, “tốt đời, đẹp đạo”, và Phật giáo Việt Nam thực sự là một tôn giáo “có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc”.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, các vị thiền sư, cao tăng luôn có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Thời kỳ phong kiến tự chủ, các nhà sư là những người có học, họ thuộc tầng lớp trí thức, có ý thức về quốc gia dân tộc, sống gần gũi với nhân dân lao động. Họ là đại diện cho tinh thần dân tộc. 3 vị thiền sư từng có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam là: thiền sư Pháp Thuận (914 - 990), thiền sư Khuông Việt (933 - 1011) và thiền sư Vạn Hạnh (938 - 1025) - người có nhiều đóng góp trong việc mở ra triều đại nhà Lý, một trong những triều đại nổi bật trong lịch sử Việt Nam.

Giai thoại kể lại rằng, khi được vua Lê Đại Hành (941 - 1005) tham vấn về kế sách giữ nước, thiền sư Pháp Thuận đã khuyên, đại ý là nếu cả nước gắn bó, đoàn kết với nhau chặt chẽ như dây mây quấn thì nước Nam sẽ thái bình. Đó cũng là chân lý và triết lý sống của người Việt Nam. Một nước nhỏ, dân không đông, nhưng nếu biết liên kết với nhau thành một khối, thì có thể tạo thành sức mạnh vô địch mà kẻ thù xâm lược dù có hùng mạnh đến đâu cũng không làm gì được. Khối đoàn kết đó trước tiên phải được xây dựng trên cơ sở đức tin - tình thương - trí tuệ theo tinh thần của Phật giáo.

Phật giáo cũng đã có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước sau này. Mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhiều tu sĩ đã cởi bỏ áo cà sa, sẵn sàng nhập thế, cầm vũ khí cùng quân dân cả nước đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Trụ trì chùa Hòa Mã (Hà Nội), Ni sư Thích Đàm Quý tự hào kể, thời chống Pháp, chùa từng là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động tự vệ thành, 2 sư thầy của chùa đã gửi lại áo cà sa để đi đánh giặc…

Ở một số giai đoạn lịch sử, Phật giáo đã phát huy ảnh hưởng như “nguồn năng lượng” thúc đẩy sự phát triển, thậm chí còn chi phối tư tưởng và học thuật, văn học, nghệ thuật của đất nước như dưới các triều đại Lý - Trần, thế kỷ X - XIV.

Có thể nói, văn hóa đạo đức là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Phật giáo. Từ, bi, hỉ, xả trong Phật giáo là "liều thuốc" làm trong sáng hơn đời sống tinh thần, trong đó có đời sống tâm linh của Phật tử trước áp lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cũng như sự cạnh tranh quyết liệt vì lợi nhuận trong kinh tế thị trường. GS. Hoàng Như Mai từng cho rằng: “Nếu những giới luật của đạo Phật mà được thấm nhuần một phần nào vào nhân loại thì xã hội sẽ giảm đi biết bao nhiêu tội ác và cuộc sống sẽ hướng thiện, thuận hòa hơn”. 

“Với tư tưởng khoan dung, hòa bình, khuyến thiện, ngừa ác, văn hóa đạo đức Phật giáo góp phần thức tỉnh lương tri con người, làm cho con người được sống trong hòa bình, nhân ái, chủ động phòng ngừa cái ác và hiểm họa chiến tranh hạt nhân cũng như khủng bố quốc tế và xung đột sắc tộc, tôn giáo. Trong một quốc gia, khát vọng sống yên bình chỉ được hiện thực hóa khi đời sống được xây dựng trên nền tảng đạo đức 'vô ngã, vị tha', để từng cá nhân trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của xã hội” - PGS.TS. Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

 
Theo Hương Linh - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng