Văn nghệ trong nước
Khi nhà văn bàn về giới
09:40 | 14/09/2021

Đó là nhan đề của buổi toạ đàm online diễn ra vào tối 12/9/2021 tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi dự án sử dụng nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, xoá bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới do Ơ Kìa Hà Nội và Wise đồng tổ chức. Dự án được tài trợ bởi Australian Aid cùng Investing In Women. Đây là phần đầu tiên của “art tour online” bao gồm 3 hạng mục: văn chương, mĩ thuật, điện ảnh.

Khi nhà văn bàn về giới
Các diễn giả trong buổi toạ đàm online

Đây là cuộc thảo luận đặc biệt giữa các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình xoay quanh chủ đề giới và nữ quyền trong văn chương, với sự tham gia của nhà nghiên cứu văn học Hoàng Tố Mai, nhà văn Y Ban, nhà văn Đỗ Bích Thuý, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng.

Giới không chỉ là giới tính sinh học mà còn là giới tính ở phương diện xã hội. Nhà phê bình văn học Hoàng Tố Mai bắt đầu buổi toạ đàm bằng những mổ xẻ về nữ quyền luận và phê bình văn học nữ quyền, những khái niệm mà chúng ta thường gặp trên mạng hay những bài nghiên cứu gần đây. Phê bình văn học nữ quyền trước hết là phê bình văn học, được định hướng dưới ánh sáng của nữ quyền luận, của hệ tư tưởng nữ quyền. Phê bình văn học nữ quyền cũng nằm chung trong phong trào nữ quyền. Phong trào nữ quyền là một loạt những hoạt động xã hội, hoạt động chính trị và những hệ tư tưởng nhằm mục đích xác định và thiết lập sự bình đẳng giới tính trên phương diện xã hội, phương diện cá nhân, kinh tế và chính trị... Phong trào nữ quyền luôn chống lại những khuôn mẫu về giới để tạo các cơ hội cho nữ giới bình đẳng với nam giới.

Nhà văn nữ được giải Nobel văn chương năm 2007 từng nói: “Nữ quyền không có nghĩa là hạ thấp đàn ông”. Đã có nhiều luồng ý kiến cực đoan của phong trào nữ quyền nhưng thực tế thì phong trào này khiến cho cuộc sống của phụ nữ ngày càng dễ chịu hơn, cải thiện hơn; giúp nam giới thông cảm hơn với những người phụ nữ.

Nhà phê bình văn học Hoàng Tố Mai đặt ra hai vấn đề cho buổi toạ đàm mà phê bình nữ quyền đề cập đến gần đây là: Những hình dung về nữ trong văn học của nhà văn nam giới và nữ giới.

Có phải góc nhìn của nhà văn nam và nhà văn nữ về một vấn đề sẽ khác nhau? Ví dụ cụ thể từ truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp: Sinh là cô gái xinh đẹp, nết na, lấy phải người chồng bạo lực, em chồng quấy rối, bố chồng nhìn trộm khi cô tắm… Kết thúc truyện Sinh nói khổ chứ, nhục lắm, nhưng thương lắm. Liệu có phải nhà văn đã chưa thực sự đặt mình vào hoàn cảnh của Sinh, nên đã không để cô không phải trải qua biến cố tâm lí nào trong hoàn cảnh kinh khủng ấy. Một nhà văn nam giới liệu có cảm nhận được tâm lí của cô gái phải sống trong cảnh ấy? Có lẽ là không phải vậy, mỗi nhà văn sẽ có một cá tính riêng, một phản ứng khác nhau trước một vấn đề.

Với một nhà văn nữ đầy cá tính và mạnh mẽ như Y Ban, chị cũng cho rằng cái kết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đưa ra là hoàn hảo. Y Ban đã có những tác phẩm mang đầy dấu ấn về giới. Cụ thể trong truyện ngắn Sự nhầm lẫn bò cái, cũng nói về sự loạn luân, Y Ban đã để cho nhân vật nam chết một cách rất khủng khiếp. Nhà văn cho rằng: Từ bé chúng ta được gia đình, xã hội giáo dục theo một khuôn mẫu cố định nên chúng ta sẽ giận dữ hơn khi gặp những tình huống như trên. Cách nhìn của nam và nữ về giới tính rất khác nhau. Người nam có xu hướng bảo vệ họ trong những vấn đề của họ, người nữ cũng có xu hướng bảo vệ cộng đồng của mình. Mỗi giới sẽ có một cách nhìn khác nhau về giới của mình. Nhà văn nam và nhà văn nữ cũng không ngoại lệ. Thường thì nhà văn có ẩn ức gì sẽ viết ra điều đó. “Cái tôi của mỗi người khác nhau nhưng đi đến tận cùng cái tôi sẽ gặp được nhân loại”. Nhân vật đàn bà trong tác phẩm của chị sẽ không giờ bị gục ngã và luôn vượt qua được mọi bi kịch.

Có thể khi viết nhà văn không chủ ý nhấn mạnh đến giới. Sắc thái nữ quyền trong tác phẩm của nhà văn nữ đến một cách tự nhiên. Các phong trào nữ quyền có thể tác động phần nào tư duy, cách nghĩ của các nhà văn. Nhưng có lẽ từ trong sâu thẳm của người viết thì khuôn mẫu giới đã được hình thành và tác động đến những gì họ viết. Có những nhà văn sống rồi mới viết, họ sẽ có những gắn kết thực tế khiến người đọc thấy được sự logic, gần gũi. Vậy nên bên cạnh câu chuyện khuôn mẫu giới thì để chinh phục được người đọc có lẽ nhà văn phải nghiên cứu, tìm tòi, và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Bích Thuý nhận định: Có sự khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ khi nhìn một vấn đề cụ thể trong xã hội, xuất phát từ quan niệm, góc nhìn, giới tính... Trong lao động sáng tạo, viết đến nhân vật nào chị cũng đặt mình vào nhân vật đó, dù họ là nam hay nữ, chị không thể đứng ngoài họ để quyết định số phận của họ. Chị cũng đặt ra một luận điểm là, khi viết văn, vấn đề giới sẽ được đặt trong bối cảnh văn hoá. Những nhân vật của chị sẽ được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, bối cảnh cụ thể, văn hoá cụ thể để từ đó họ lựa chọn cho mình một cách sống.

Bạn đọc sẽ quan tâm đến giới tính của nhà văn khi đọc tác phẩm của họ, đó là điều không tránh khỏi. Khuôn mẫu giới là điều mà chúng ta thường bị tác động. Nhưng có những trường hợp đặc biệt như Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, một tác phẩm thấu hiểu rất sâu sắc tâm lí nữ nhưng tác giả là nam. Một số nhà văn nữ cũng có thể viết mạnh mẽ, lạnh lùng như nam giới. Vậy khi một nhà văn nam viết về nhân vật nữ và một nhà văn nữ viết về một nhân vật nam thì sẽ thế nào khi mà họ thực sự không thể trở thành giới đó?

Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chia sẻ: Nhà văn nam và nữ đều là con người nhưng chúng ta sẽ có cách nhìn khác nhau. Người thường đã khác nhà văn càng khác. Khi chúng ta nhìn một tác phẩm văn học cụ thể chúng ta cần nhìn lại xem cái nhìn của mình có hẹp quá không, có bị chính giới của mình giới hạn. Thường nhà văn nam và nữ có cái nhìn khác nhau về vấn đề tâm lí. Khi nhà văn nam muốn khắc hoạ nhân vật nữ sẽ phải khắc hoạ mình vào nhân vật đó, anh phải nỗ lực tưởng tượng sao cho người đọc không nhận ra được bản dạng giới. Ngược lại, nhà văn nữ khi viết về nam cũng vậy. Bản dạng giới rất phức tạp. Nhà văn phải vượt qua ranh giới đó để nhập vào nhân vật, phải đặt mình vào đời sống tinh thần, linh hồn của nhân vật để thấu suốt. Điều đó phụ thuộc vào tài năng của nhà văn.

Theo Đức Sơn - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng