Văn nghệ trong nước
Trần Thủ Độ vào kịch
08:51 | 07/08/2009
Trần Thủ Độ lên phim chưa đủ, nên tới đây sẽ lại vào kịch, trong vở diễn vừa được khởi dựng sáng qua (6.8) của Nhà hát Kịch VN - vở kịch đầu tiên do NSND Lê Hùng làm đạo diễn, kể từ sau khi ngồi ghế giám đốc nhà hát "anh cả đỏ".
Trần Thủ Độ vào kịch
Quốc Khánh (phải) và Xuân Bắc vào vai quan chép sử.

Quốc Khánh, Xuân Bắc... "chép sử"

Vở diễn có tên "Mỹ nhân và anh hùng" (theo kịch bản của Chu Thơm, nhưng đạo diễn Lê Hùng cho biết là rất có thể sẽ đổi tên, "Ai nợ trần ai" chẳng hạn!). Vở kịch được dựng để dự Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc sẽ diễn ra tại TPHCM vào tháng 9 tới, đồng thời nhằm dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là kịch bản từng được cho điểm cao tại trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức nhằm tìm kịch bản cho hội diễn nói trên.

Tựa "Rừng trúc" của cố nhà văn Nguyễn Đình Thi (từng được cố đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công và giúp Nhà hát Tuổi Trẻ gặt một cơn mưa huy chương tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999), "Mỹ nhân và anh hùng" cũng chọn lựa thời khắc lịch sử đặc biệt đánh dấu việc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần dưới sự sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ - nhân vật từng gây nhiều tranh cãi trong lịch sử về hai chữ "công và tội" và cũng vì vậy mà là mảnh đất lý tưởng để khai thác xung đột kịch.

Hầu hết các gương mặt đinh của Nhà hát Kịch VN đã được huy động vào vở, với NSƯT Trung Anh vai Vua Trần Cảnh, NS Tuấn Minh vai Thái sư Trần Thủ Độ, NS Quế Hằng vai Trần Thị Dung. Riêng Lý Chiêu Hoàng - nhân vật từng được NSND Lê Khanh lột tả thành công trong "Rừng trúc" - thì lần này được giao cho 3 gương mặt trẻ: Hoàng Lan - Quỳnh Hoa - Thanh Giang, không phải để đảm nhận 3 kíp diễn hay từng quãng tuổi của nhân vật, mà là để chọn ra người đảm nhận tốt nhất vai diễn khó này.

Cái bóng của Lê Khanh thực sự là sức ép cho những "người đến sau" với Lý Chiêu Hoàng trên sân khấu kịch! Một sức ép khác với hai gương mặt đã được "mặc định" cho hài: Xuân Bắc và Quốc Khánh, là lựa chọn bất ngờ của đạo diễn: Hai vai diễn nghiêm ngắn hết sức - quan chép sử.
 
Đầy ngạc nhiên thích thú, cây hài Xuân Bắc nói: "Lý do của sự lựa chọn, theo tôi hiểu, hẳn là đạo diễn muốn giới thiệu tới công chúng một gương mặt khác của Xuân Bắc: Chính kịch, để tạo sự mới lạ; cũng có thể đạo diễn muốn xây dựng một hình tượng nhà chép sử dưới góc độ hài hước, nhẹ nhàng hơn...".

Có sợ "khủng hoảng thừa"... Trần Thủ Độ?

Một câu chuyện lịch sử được nhiều người tâm đắc, nhưng cũng đồng thời là một đề tài không mới, nên cái mới được chờ đợi ở đây là cách nhìn, đặt vấn đề, cũng như cách kể chuyện. "Trong bối cảnh xã hội đầy biến động với những mâu thuẫn, xung đột khắc nghiệt, nhưng những con người có tính cách phi thường đã biết đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc trên lợi ích cá nhân" - đó được xem là thông điệp chính từ kịch bản, điều cũng đã được hiển thị trong "Rừng trúc".

Cho hay là đã từng dựng không dưới 5 vở về câu chuyện lịch sử này, đạo diễn Lê Hùng nói: "Với Trần Thủ Độ, càng lúc tôi càng muốn xây dựng nhân vật này theo quan điểm: Không nên xét nét quá rành mạch công hay tội, mà nên hướng một cái nhìn chia sẻ vào nỗi vất vả, gian nan, những giằng xé nội tâm của những người phải gánh mệnh nước trong cơn nguy biến. Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng... là hai vai nặng đã đành, vì gánh thông điệp chính của vở. Nhưng đừng quên hai quan chép sử, bởi nó chở một thông điệp khác: Vai trò của văn nghệ sĩ trước những biến cố của lịch sử".

Lại thêm một Trần Thủ Độ của sân khấu kịch nói cho dịp đại lễ của HN, vậy liệu có sợ "khủng hoảng thừa" khi mà cùng lúc, cả phim truyền hình, phim nhựa lẫn sân khấu kịch cùng "chĩa máy" vào nhân vật lịch sử nhiều góc cạnh này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: "Nói đến "khủng hoảng thừa" có nghĩa là nói đến sự lãng phí. Nhưng sao lại phải lo lãng phí, khi lịch sử luôn thách thức chúng ta những cách tiếp cận khác nhau, khi dân Việt phải rành sử Việt, thay vì sử Trung Hoa. Giá trị lớn nhất từ những câu chuyện lịch sử là gì?
 
Balzac nói: "Lịch sử như những cái đinh để treo áo". Tôi thì nghĩ, giá trị lớn nhất của những câu chuyện lịch sử chính là tính ngụ ngôn. Với câu chuyện chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại Lý - Trần, giá trị ngụ ngôn lớn nhất của nó theo tôi chính là: Không có gì là vĩnh viễn cả, trong sự vận động không ngừng của lịch sử và đó chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của lịch sử...".

                                                                                         Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng