Tôn vinh vẻ đẹp chân thực, tự nhiên
Không dừng lại ở việc công bố những "chuyện chưa bao giờ kể", nhà thơ muốn từ chuyện thi hoa hậu để nói rõ hơn về một phong trào đã thành truyền thống kể từ những năm đầu đổi mới đến nay. Nhớ lại thời kỳ đầu gian nan đó, nhà thơ quả quyết: Dù biết sẽ gặp nhiều cản trở và thực sự lúc đầu đã có những ý kiến phản đối gay gắt, cho rằng như thế là tuyên truyền lối sống tư sản, là xúc phạm phụ nữ… nhưng chúng tôi vẫn quyết làm, thời bình cần khẳng định cái tôi chân chính, cái tôi bản ngã, đất nước phải có cái tôi mới phát triển được. Và sau sự bỡ ngỡ ban đầu, các cuộc thi hoa hậu ngày càng lan tỏa, có những tác động tích cực đến quan niệm xã hội. Và, những người trong cuộc cũng trải nghiệm không ít tình huống, thú vị, độc đáo cũng có mà dở khóc dở cười cũng nhiều, rồi biết bao điều tế nhị, khó xử mà nhà thơ Dương Kỳ Anh cứ úp mở "không thể kể ngay được". Ông nói có nhiều chuyện có lẽ phải chờ đến cuốn thứ tư thì mới công bố. Cuốn sắp ra mắt tới đây mới là cuốn thứ ba, truớc đó là hai cuốn cũng từng gây xôn xao (năm 1998 và 2006). "Những điều tôi sắp kể ra, đều nhằm tôn vinh cái đẹp!" - nhà thơ khẳng định - "Vẻ đẹp hồn nhiên, chân thật một cách tự nhiên, không giả tạo, không màu mè. Vẻ đẹp đó đã luôn giành được cảm tình của công chúng. Tôi cũng chứng minh quan niệm về cái đẹp của chúng ta đã có sự thay đổi theo thời gian. Cái đẹp cũng hiếm hoi và mong manh lắm, nên phải giữ gìn. Xưa, trong nhà có con gái đẹp là "tai họa", nay là tài sản quốc gia!". "Những điều chưa bao giờ kể"?
Cuốn sách cũng kể lại những tình huống từng khiến dư luận phải xì xào bàn tán. Như chuyện vì sao BGK chọn Hà Kiều Anh cho ngôi hoa hậu, chứ không phải là Vi Thị Đông - cô gái chỉ đoạt ngôi á hậu dù được rất nhiều người thích. Hoặc, khi hoa hậu Ngọc Khánh đăng quang, mới đầu đã có luồng ý kiến không tán thành với sự lựa chọn của BGK bởi nhiều người tỏ ra không thích vẻ đẹp góc cạnh của cô. Phải về sau này, thời gian mới chứng minh thêm cho sự lựa chọn của BGK. Rồi là câu chuyện khá thú vị về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người từng có lần ngẫu hứng nhận vai giám khảo cho một cuộc thi hoa hậu. Nhạc sĩ tài ba họ Trịnh, thế nào lại tỏ ra "mê" một người đẹp. Nhưng khi chấm, ông không hề vì cảm tình riêng mà nâng người ta lên. "Tôi rất phục anh Sơn, tài năng lớn và một nhân cách đáng trọng!"- nhà thơ Dương Kỳ Anh nhận xét. Những chuyện "chưa từng công bố" như thế có rất nhiều trong sách của Dương Kỳ Anh, một nhà báo, nhà thơ từng tham gia và chứng kiến những cuộc đi tìm người đẹp.
Theo HNM |