Bằng vốn liếng của cả đời cầm bút, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm quyết thử sức với trường ca qua tác phẩm Văn đàn bi tráng do NXB Văn Học ấn hành. Dù chưa quen với thể loại dài hơi, nhưng dùng thơ để khám phá ngóc ngách của giới văn chương cũng như trắc ẩn của phận làm người, thì nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm từng có kinh nghiệm qua hai tập Thương nhớ tài hoa và Người thám hiểm thời gian. Với ba câu đề từ "Thời nào cũng cần có người biết vuốt mắt quá khứ/ Gọi đúng tên từng nắm mồ/ Đắng ngọt sớm mai này, anh cũng biết kề môi", ông dùng 32 chương để nhận diện Văn đàn bi tráng qua 200 trang giấy in.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm có một thời gian dài làm báo, nên những biến chuyển thế thái nhân tình lắng chìm vào tâm hồn ông thành một nỗi đau. Nỗi đau ấy không thể nhìn rõ mặt, không phải nỗi đau bát cơm thừa hay tô canh cặn, mà là nỗi đau một trái tim dằn vặt với chính nghĩa và lương thiện: “Ra khỏi chiến tranh / Nhiều người trong chúng tôi còn lành lặn / Sao giờ đây thương tích đầy mình / Những vết thương nhân tính, nhân văn / Cái đã qua rồi, cái còn dang dở… Lấy khen thưởng báo công làm thước đo giá trị / Lấy bình quân làm cán cân công bằng / Giá trị ảo được tôn lên làm thật / Làm què cụt, chết dần mòn bởi những tung hô / Hội họp bình bầu ngợi ca chúc tụng / Để nhạt nhẽo đời thường loang lổ cả đời văn / Rẻ rúng nhau bằng những lời khen ngợi / Người nói người nghe đều thấy hài lòng / Người tự vả vào mình để thành người tin cậy / Người được tin cậy rồi, bóc lưỡi hót cho hay / Tự gọt đẽo thành viên bi nhẵn nhụi / Để lăn tròn trong cái rãnh con con / Để đạt đến đỉnh cao của sự thấp hèn / Lấy đó làm kiêu hãnh / Vết thương không chảy máu / Có cách chi khâu lại cho lành".
Một bước đi hay một chặng dừng của lịch sử đều có dấu vết của những người cầm bút. Soi vào trang viết có thể thấy được vui buồn năm tháng đời sống đã cưu mang, đã vun đắp cho người viết như thế nào. Trường ca Văn đàn bi tráng có tên phụ là Đêm trước đổi mới, nhưng bao ước vọng chênh chao mà nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm thắc thỏm vẫn còn nguyên trăn trở hôm nay. Trường ca Văn đàn bi tráng ít chất thơ, nhiều chất chính luận, nhưng có giá trị phản ánh tâm tư kẻ sĩ trước thực trạng đất nước: "Như cầu thủ trước lúc vào sân / Trong lòng anh đã thay màu cờ sắc áo / Có cú sút nào chân chính nữa không?".
Số phận và phẩm giá của người cầm bút, bao giờ cũng tiêu biểu cho một dân tộc, một xã hội. Khi đọc Văn đàn bi tráng không thể không nhớ đến câu nói của Eluard "nhà thơ phải là công dân có ích trong tập thể của y. Thơ giao tranh để đoàn kết mọi người". Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm phác thảo một góc khuất lầm lạc: "Đểu giả đớn hèn được định vị / Thiện lương tử tế nhỡ tàu / Bệnh trơ lì vô cảm, từng gây những vụ sạt lở niềm tin hàng triệu tấn, đè lên cả ánh mặt trời, rêu mốc bao hoài bão, thui chột mầm lương tri / Khu tự tri dối trá / Sự thật muốn qua? Không được cấp thông hành". Thế nhưng, cái đẹp vẫn lặng lẽ tồn tại, như cỏ xanh vĩnh cửu, như mây trắng vĩnh cửu nơi những vùng đất tưởng chừng hẻo lánh và hắt hiu: "Đây đó, vài góc làng quên lãng / Thoi thóp bậc chân tài / Họ thành những ẩn sĩ bất đắc dĩ / Chỉ còn cái bóng của mình làm bạn tri âm / Rồi cái bóng cũng bỏ đi để chạy theo đêm tối / Cô độc hoài nghi với cả chính mình".
Đọc trường ca Văn đàn bi tráng thấy trĩu nặng những day dứt khôn nguôi. Đó là những khoảnh khắc người cầm bút tự phản biện để tấm lòng trong sạch hơn, trí tuệ cao cả hơn, trang viết sắc sảo hơn. Thay vì ủ dột với thân phận bé nhỏ và ích kỷ, người cầm bút học cách nghĩ về người khác: "Phải chăng vũ trụ niềm riêng / Có chi nhắc nhớ trăm miền nợ vay / Hay người ngoài ấy đứt tay / Để tôi chảy máu trong này buốt đêm".
Theo eVan |