287 tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn từ 1055 tác phẩm của 270 tác giả ở 15 tỉnh miền núi phía bắc để trưng bầy tại Liên hoan đã phần nào cho thấy được diện mạo của nhiếp ảnh miền núi giai đoạn này. Trẻ trung, tự tin, hồn nhiên là cảm xúc nổi trội của các tác phẩm tham dự Liên hoan lần này.
Đánh giá về chất lượng của Liên hoan, nghệ sĩ Vũ Đức Tân, ủy viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía bắc lần thứ IX, cho biết: “Những bức ảnh đẹp của các tỉnh trong Liên hoan ảnh lần này có được cái nét hồn hậu, quyến rũ của một vùng đất nặng tình với ảnh. Gặp lại trong Liên hoan những bức ảnh ruộng bậc thang, từ nhiều góc độ khác nhau, vẫn đẹp và kiêu sang. Nhưng trên tất cả vẫn là những khoảnh khắc gắn bó với con người. Cả những phút sẻ chia, cả những nỗi niềm, cả những niềm vui lao động, những rung động đường nét vùng cao chan chứa tình. Gặp nhiều tên tuổi mới trong triển lãm, nhiều địa phương đến với ảnh có những xao xuyến vượt bậc so với những liên hoan lần trước. Bên ảnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Sơn la lại thấp thoáng Yên Bái, Điện Biên… Những tiềm năng vẫn như mới bắt dầu khai mở”.
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã tìm được những khoảnh khắc đẹp từ chính những góc nhìn bình dị diễn tả cuộc sống đời thường. Điều này thể hiện rất rõ ở hai tác phẩm đoạt giải vàng của Liên hoan, đó là vẻ hồn nhiên, tươi tắn, khỏe khoắn và rất tự tin của em bé trên Đường đến trường của tác giả Phạm Ngọc Bằng (Lào Cai), là nụ cười rạng rỡ niềm vui của Những người lính Trường Sơn hôm nay của tác giả Chu Quang Phúc (Vĩnh Phúc). Điều đáng ghi nhận tại liên hoan lần này đó là sự góp mặt của nhiều tay máy nhiếp ảnh trẻ, chiếm số lượng tác phẩm tham dự liên hoan khá lớn. Đặc biệt, bức ảnh giành điểm cao nhất của Hội đồng giám khảo giành Huy chương vàng không phải là tay máy chuyên nghiệp mà là một cán bộ kỹ thuật ở tòa soạn báo Lào Cai, 24 tuổi. Đường đến trường được đánh giá là một tác phẩm đẹp cả về hình thức nghệ thuật và nội dung thể hiện, nó làm nổi bật sự vươn lên của thế hệ trẻ vùng cao phía bắc trong sự nghiệp mới của đất nước trong thời kỳ mới.
Đây là tín hiệu đáng mừng trong phong trào nhiếp ảnh miền núi phía bắc, nó chứng tỏ sự phát triển ngày càng mạnh của đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh trong khu vực. Trước đây, khi nhắc tới phong trào nhiếp ảnh miền núi thì các tỉnh như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La.. luôn được coi là những địa phương có phong trào nhiếp ảnh mạnh. Liên hoan lần này giải đồng đội vẫn thuộc về các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên nhưng đã có một số địa phương “bứt phá” ngoạn mục với nhiều tác phẩm vào giải như: Bắc Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Điện Biên, Bắc Kạn, Lai Châu.. Nhìn lại trước năm 1993, cả khu vực miền núi phía bắc chỉ vẻn vẹn có tám hội viên trung ương, cho tới hôm nay số lượng hội viên được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã lên tới hơn 60 người. Đó là con số không nhỏ khẳng định bước phát triển mạnh mẽ của phong trào nhiếp ảnh, sự say mê lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong suốt những năm qua. Qua các cuộc thi và triển lãm ảnh trong nước và quốc tế, nhiều tác giả miền núi đã giành được những giải thưởng cao như: Võ Huy Cát, Hoàng Tác, Chu Phúc, Việt Hùng, Kim Thoa, Hoàng Lai, Vũ Hải, Hoàng Lai..
Trên mặt chung thì phong trào nhiếp ảnh miền núi phía bắc thường phát triển yếu hơn các khu vực khác, một trong những nguyên nhân chính là do sự thiếu thốn về thông tin, kinh phí, về trang thiết bị và cả trình độ của người chụp. Nhưng nhìn vào các tác phẩm tại Liên hoan lần này, thấy rằng dù nhiếp ảnh miền núi vẫn đang phải đối diện với những khó khăn riêng nhưng chất lượng tác phẩm và trình độ người cầm máy đã được nâng lên rất nhiều so với trước.
Theo NDĐT |