Văn nghệ trong nước
Nhà sưu tập mỹ thuật: ông là ai?
15:33 | 11/08/2009
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới có tác động rõ rệt tới thị trường tranh Việt vốn dĩ không mấy sôi động vài năm nay. Thị trường càng yên ắng khiến số lượng không nhiều lắm các nhà sưu tập cũng bị co lại. Song đáng nói hơn là ở ta chưa có nhiều các nhà sưu tập thật sự chuyên nghiệp.
Nhà sưu tập mỹ thuật: ông là ai?
Tranh Trần Lưu Hậu trong sưu tập của gallery NewAsia tại Singapore

Xưa…

Tên tuổi nhà sưu tập Đức Minh (Bùi Đình Thản) được nhiều người biết đến từ lâu, kể cả những người ngoài giới mỹ thuật. Là một doanh nhân giàu có, ông Đức Minh đã góp phần không nhỏ làm giàu cho nền hội họa Việt Nam bằng cách “nuôi dưỡng”, tạo điều kiện cho các họa sĩ làm việc, nhất là trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của số đông nghệ sĩ tạo hình rất thiếu thốn, kể cả phương tiện để sáng tác.

Ngoài ra, trong số các nhà sưu tập tác phẩm mỹ thuật thời kỳ đầu tại Hà Nội còn phải kể đến ông Nguyễn Văn Lâm (hay còn được gọi là ông Lâm “toét” hoặc Lâm cà phê), ông Bổng Hàng Buồm (hay Bổng “nháy”), ông Đạm, ông Tô Ninh, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, ông Hào Hải… Dù họ chưa hẳn là những nhà sưu tập thật sự chuyên nghiệp nhưng có lẽ không quá đáng khi nói chính nhờ những người ấy mà nền hội họa Việt cho đến nay còn giữ được nhiều di sản quý giá.

Tất cả các nhân vật kể trên đều có chung một điểm là coi trọng văn hóa văn nghệ, yêu quý những người bạn văn nghệ sĩ của mình và nhất là đam mê hội họa. Mỗi người mỗi cách, họ dùng khả năng kinh tế của mình để giúp đỡ những người bạn nghệ sĩ với tất cả lòng yêu mến và sự ngưỡng mộ. Ngược lại, những người bạn nghệ sĩ tặng lại cho họ có khi là những tác phẩm hoàn chỉnh, có khi chỉ là bức ký họa, phác thảo…

Nhà sưu tập Đức Minh - tranh Bùi Xuân Phái


Điều quan trọng là sự trao đổi như vậy diễn ra khi chưa hề có khái niệm về thị trường nghệ thuật, khi mà những “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) chưa nổi lên như tứ trụ của hội họa Việt Nam hiện đại và tác phẩm của họ cũng chưa từng được định giá. Ban đầu, các tác phẩm được gìn giữ với sự trân trọng để rồi sau này trở thành những bộ sưu tập không chỉ có giá trị nghệ thuật, mà còn có giá trị không nhỏ về kinh tế.

Cũng cần nói thêm rằng các nhà sưu tập vừa nêu có một điểm chung là phía sau họ đều có các bà vợ tuyệt vời, cho dù đó chỉ là những phụ nữ rất mực bình thường. Bà Lâm là nội trợ gia đình, bà Đạm bán hàng xén ở chợ Ngọc Hà, bà Bổng bán bún bánh, bà Tô Ninh bán hàng mã…, nhưng các bà một mực chiều theo ý thích của chồng, nhờ vậy các ông rất “yên tâm” với việc hỗ trợ cho các bè bạn họa sĩ.

Chính từ sự trao đổi một cách trân trọng mà ông Đức Minh đã làm chủ một bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật vào loại lớn nhất và quý giá nhất, chỉ đáng tiếc là khi ông qua đời, bộ sưu tập ấy đã bị sứt mẻ khá nhiều trong khi ông từng tâm nguyện muốn hình thành một bảo tàng mang tên Đức Minh.

Bộ sưu tập của ông Bổng cũng hết sức phong phú, không chỉ tranh mà còn có rất nhiều minh họa sách báo của những họa sĩ ông yêu mến, chưa kể những tác phẩm đầu tay, bản thảo, lưu bút của nhiều nhà văn lớn… Nói chung, tất cả những nhà sưu tập ấy đều lưu giữ những tác phẩm - quà tặng của bạn như vật gia bảo, sinh thời không ai tính đến chuyện bán buôn, làm giàu từ tranh.

Và nay…

Tranh Vũ Cao Đàm, một tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam cùng thời với Lê Phổ, trong một sưu tập ở nước ngoài

Theo một chủ gallery có tiếng ở Hà Nội, trước thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng có không ít người mua tranh để tạo bộ sưu tập cá nhân. Có người còn cho in cả tập tác phẩm mình đang sở hữu. Nhưng thường thì sự đầu tư ấy không dài hơi. Có người chơi tranh tượng như một cách đầu tư tài chính, sau một thời gian thấy không có hiệu quả kinh tế thì đã ngưng hẳn. Có người chỉ thuần mua bán kiếm lợi nhuận, bức nào được giá cao là bán ngay.

Cách “đầu tư” của một số người là nghe ngóng trên thị trường xem có họa sĩ nào đã hoặc đang được chú ý thì mới mua tranh. Chưa kể có người coi chuyện tham gia vào đời sống nghệ thuật như một cách tô điểm, làm sang… Có thể nói, không giống như thế hệ các bậc tiền bối, khá nhiều nhà sưu tập ngày nay chưa có được sự đam mê dành cho tác phẩm mỹ thuật, cũng như sự trân trọng dành cho các tác giả có tài.

Trong số những nhà sưu tập thật sự chuyên nghiệp phải kể đến ông Hà Thúc Cần, một Việt kiều ở . Có thể nói ông Cần là một trong những nhà sưu tập đầu tiên đưa hội họa Việt ra nước ngoài, góp phần nâng giá trị tranh Việt lên tầm khu vực. Ông từng làm chủ một bộ sưu tập tranh có giá trị với những tác phẩm nổi tiếng của các bậc danh họa như Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Dương Bích Liên… Ông Cần đã qua đời và hiện không rõ bộ sưu tập mỹ thuật Việt của ông bị tản mát về đâu.

Trong khi chưa có nhiều nhà sưu tập trong nước thật sự chuyên nghiệp, đã có một số nhà sưu tập chuyên nghiệp nước ngoài đặc biệt quan tâm đến hội họa Việt . Có thể kể đến ông Koos Groot (Hà Lan), người tỏ ra hết sức nhạy bén trong đánh giá tác giả - tác phẩm.

Kinh doanh tranh để từ đó xây dựng bộ sưu tập riêng cho mình, hiện nay ông Koos Groot sở hữu hàng trăm tác phẩm của các họa sĩ Việt từ thời mỹ thuật Đông Dương đến đương đại. Lại có ông Koo Sam Boon (người Hàn Quốc) rất say mê họa sĩ Bùi Xuân Phái, đến độ nhiều người hoàn toàn tin tưởng vào sự thẩm định của ông về tranh thật - tranh giả của Bùi Xuân Phái. Ngoài ra, ông Boon còn sưu tập nhiều tác phẩm của Trần Lưu Hậu.

Đến nay, có thể khẳng định vai trò hết sức quan trọng của các nhà sưu tập chuyên nghiệp trong sự phát triển nền hội họa của một đất nước. Họ chẳng khác gì những ông bầu của một nền mỹ thuật, dám thông qua các hoạt động đầu tư, quảng bá để nâng giá trị lao động sáng tạo của nhiều họa sĩ. Thiếu những nhà đầu tư chuyên nghiệp, mà những tệ nạn như tranh chép, tranh nhái, giả cứ tràn lan nên mỹ thuật Việt Nam đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, chưa vượt ra khỏi khu vực, nói chi đến tầm châu lục và thế giới.

Một trong những bộ sưu tập quý giá là bộ sưu tập tranh cổ động của chị Bùi Minh Nguyệt, người được thừa hưởng gia tài này từ thân phụ là ông Bùi Xuân Lộc, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội.

Tranh cổ động trong sưu tập của chị Bùi Minh Nguyệt


Tranh cổ động trong sưu tập của chị Bùi Minh Nguyệt


Tranh cổ động hàm chứa những câu chuyện lịch sử của đất nước qua nhiều thời kỳ đấu tranh và xây dựng. Tranh cổ động được sự quan tâm (đặc biệt là khách nước ngoài) sau khi chị Minh Nguyệt lần đầu tiên tổ chức một triển lãm lớn loại hình này tại Hà Nội cách đây gần chục năm.


                                                         Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các bài mới
Các bài đã đăng