Gánh hát vào mùa mưa dầm lại càng buồn hơn...
Sàn diễn là... đám cưới, đám giỗ
Một ngày đầu tháng 8.2009, khi đi đám cưới ở huyện Cần Đước, tôi gặp nghệ sĩ (NS) Vương Sang, kép nhì của Đoàn Cải lương (CL) Long An, hát phục vụ cho đám. Vương Sang cho biết, mùa này mưa dầm, đoàn không đi diễn được, nên tranh thủ "chạy sô", vừa có thêm thu nhập, vừa đỡ nhớ nghề.
Chiều thứ bảy vừa qua, đi đám giỗ ở nhà anh Hai Bé, một chủ DN đang ăn nên làm ra ở thị xã Tân An, tôi lại thấy nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đoàn Dự - Phó trưởng đoàn CL Long An, và NS Nguyên Tâm – kép chính của đoàn – hát phục vụ bà con.
NSƯT Đoàn Dự cho biết, anh ít khi đi hát đám, chỉ nhận lời giúp vui đối với bạn bè thân hữu, không đặt vấn đề thù lao. Đoàn Dự cho biết, không phải NS nào cũng đi hát đám được, "sàn diễn" đám giỗ, đám cưới khá kén chọn NS: Phải hòa đồng với mọi người, giọng hát phải khỏe, không quản mưa nắng đường xa, nhất là phải uống rượu thật khỏe...
Ở Đoàn CL Long An hiện nay, "siêu sao" về chạy sô là NS Vương Sang và NS Ngọc Trinh (HCV Giải Trần Hữu Trang). Hầu như tuần nào họ cũng có 3 – 4 lần hát ở "sân khấu đám tiệc". NS Vương Sang ngoài giọng hát thật khỏe giống NSƯT Thanh Sang, còn làm "chủ xị" rất điệu nghệ. Với cái ly "xây chừng" và chai rượu trên tay, anh vừa cất tiếng hát "Uống đi đại huynh, tuy rượu quán nghèo..." vừa rót rượu "kính cẩn nâng ly mời tri kỷ", khi bài hát vừa dứt là chai rượu cũng vừa cạn.
Còn cô đào Ngọc Trinh, với giọng hát mùi mẫn trời cho được NSƯT Bạch Tuyết trau luyện, đôi khi cô lấy nước mắt người hâm mộ ở những tiệc cưới đang vui. Khi cần, Ngọc Trinh cũng cầm ly "trăm phần trăm" với người hâm mộ, nhưng vẫn bảo đảm về nhà an toàn trên những con đường nông thôn trời mưa trơn trợt.
Ngọc Trinh cho biết, mùa mưa đi hát sô, thu nhập cao gấp nhiều lần ngày thường, nhưng cô vẫn mong mùa mưa qua mau để được trở lại sân khấu đích thực.
Mỗi suất 5 ngàn đồng
Trong tổng số 40 người của Đoàn CL Long An, có gần 1 nửa là NS (còn lại là công nhân hậu đài, phục trang...), nhưng chỉ có 4 – 5 NS là thường đi hát sô ở các đám tiệc. Đối với họ, mùa mưa không hẳn là tệ hại. Còn hầu hết những người còn lại trong đoàn mới thấm thía nỗi buồn của "gánh hát ngày mưa". Mùa mưa, ngoài tiền lương do Nhà nước "bao cấp" hàng tháng, họ hầu như không có khoản thu nhập nào khác, trong khi cuộc sống "hậu cứ" trăm thứ đều phải mua.
Mùa mưa năm nay, may thay, trùng với dịp chuẩn bị Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Tỉnh Long An cho đoàn dựng vở "Nghĩa sĩ Cần Giuộc" (nói về cụ Đồ Chiểu) để đi hội diễn (vào tháng 10 tại TPHCM), mỗi suất tập 1 người được bồi dưỡng... 5 ngàn đồng. Lãnh đạo đoàn đang kiến nghị nâng mức bồi dưỡng lên 10 ngàn đồng/suất vì "giá cả thứ gì cũng lên".
Nói cho đúng, dù trong mùa mưa không đi lưu diễn được, nhưng thỉnh thoảng đoàn cũng có được suất biểu diễn ở các ngày lễ, mừng công, giao lưu... Đối với cả đoàn, đó thực sự là những ngày vui.
Trưởng đoàn CL Long An – NS Bảo Thanh – cho biết, hiện mỗi năm đoàn được UBND tỉnh đài thọ 140 suất diễn phục vụ miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Vài năm trước, đoàn còn "chạy" được 1 số suất diễn bán vé tạo thêm doanh thu cho đoàn, nhưng nay hầu như không còn, vì "CL cạnh tranh hổng lại" các loại hình giải trí khác. Vậy là 140 suất diễn do tỉnh "bao cấp" để dành cho mùa khô, còn mùa mưa thì "đợi tập tuồng".
Trời còn làm mưa
Tôi ghé thăm NSƯT Đoàn Dự ở hậu cứ của đoàn vào 1 buổi chiều mưa dầm. Những dãy nhà "dưới cấp 4" không thực hiện tốt chức năng che mưa che nắng cho những "ông hoàng, bà chúa" từng lộng lẫy trên sân khấu.
Anh Đoàn Dự cho biết, tỉnh đã có kế hoạch đập bỏ trụ sở hiện có để xây trụ sở mới, nhưng chưa biết đoàn phải ở tạm nơi đâu. Thấy tôi chạnh lòng trước những khó khăn của đoàn, NSƯT Đoàn Dự nói: "Tụi tui có nhà nước lo còn đỡ, chứ những gánh hát tư nhân vào những ngày mưa mới thực sự bi đát".
Anh kể, có đoàn hát tư tên Thanh Hương do bạn anh làm "bầu", đến mùa mưa đã không thể dời đi nơi khác vì không có chi phí, nên ở lại xã Tân Thành (huyện Thủ Thừa) suốt mấy tháng trời. Các anh lãnh đạo xã phải giúp gạo cho đoàn, còn diễn viên, nhạc công thì đi cắt lúa, đánh bóng bàn ghế cho bà con để có tiền mua mắm, muối...
Vào ngày giỗ Tổ, NSƯT Đoàn Dự và các NS tên tuổi của Đoàn CL Long An đã đến đó "hát chùa" 1 tối giúp anh bạn đồng nghiệp bán vé được mấy trăm ngàn đồng mua gà vịt cúng Tổ. Đoàn Dự nói: "NS CL gì thì gì, nhưng vẫn luôn thành tâm hướng về Tổ nghiệp và luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp". Đi theo "gánh hát" từ năm 13 – 14 tuổi, năm tới là về hưu, suốt 1 đời đi hát, NSƯT Đoàn Dự cảm nhận "vinh nhục đã quá nhiều". Có 1 giai đoạn (trước và sau giải phóng) những NS CL tài danh như các anh như "ông hoàng bà chúa", đi tới đâu cũng "chật rạp", tiền cát xê cao ngất, tiêu xài hoang phí... Rồi anh được tôn vinh danh hiệu NSƯT.
Những người gắn bó cả đời với nghiệp hát như anh sao khỏi đau xót, ngậm ngùi trước cảnh xuống dốc thảm hại của sân khấu CL hiện nay. Khi tôi hỏi, liệu rồi CL có trở lại được thời kỳ hoàng kim, NSƯT Đoàn Dự đôi mắt buồn xa xăm nhìn ra ngoài mái hiên bị dột nước mưa của văn phòng lãnh đạo đoàn, nói: "Khó nói lắm. Chỉ mong sớm hết mùa mưa dầm để sân khấu sáng đèn, anh em lại được hát".
Theo LĐO |