Trong khi những cuộc thi tìm kiếm MC bắt đầu đi vào sáo mòn, phần nội dung tẻ ngắt và khô cứng; thì bên ngoài, những cuộc trưng diễn của đội ngũ MC "mượn tạm" từ giới diễn viên, người mẫu, ca sĩ... lại luôn vấp phải sự cố dở khóc, dở cười!
Thời ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu, diễn viên, nhiếp ảnh gia đổ xô đi làm MC khiến người xem bối rối. Bởi lẽ, càng làm nhiều chương trình, họ càng làm khán giả mau chán: Nói nhiều quá mức cần thiết, nói sai, lệch, chọc cười nhạt nhẽo hay tung hứng bị quá đà. Nhiều người hiểu rằng, tần suất xuất hiện nhiều, kiến thức hổng sẽ mau chóng dìm chết một tên tuổi, nhưng làm sao từ chối được, khi lời mời kèm phần thù lao hấp dẫn nhất là lại đang kỳ thất nghiệp hay vắng show.
Không ít nghệ sĩ sợ đến già khi lỡ nhận những gameshow "quái ác", mà ở đó, họ bộc lộ trực diện với khán giả điểm yếu của mình. Còn nhớ, một ca sĩ trẻ khi xướng tên một đạo diễn nổi tiếng trong lễ trao giải long trọng lại "đổi luôn giới tính" của ông, hay ở một chương trình khác, nam diễn viên nổi tiếng quên sạch... kịch bản, tự chống chế đến ngây ngô và nhầm lẫn tai hại. Còn vô vàn hạt sạn khác trong các chương trình truyền hình trực tiếp, mà ngay cả những MC cứng cựa cũng không thoát khỏi lời chê "nói nhiều, nói hớ và nói ẩu"...
Những MC nào nói đúng mức, không đi xa kịch bản, không ngẫu hứng đưa đẩy ngoài kịch bản, đã được coi là "đứng được" với nghề, dẫu rằng như thế chưa đủ để tạo được cá tính. Các MC truyền hình phía bắc thường nói chuẩn hơn phía nam và tay nghề cũng cứng cựa hơn.
Đến thời điểm này, thử điểm lại các gương mặt ca sĩ trẻ, hiếm người nào không tham gia dẫn chương trình một vài show. Đông nhất là ca sĩ, sau đó là diễn viên truyền hình, điện ảnh, gần đây rộ lên các "chân dài" và các "hot girl". Không ít người trong số họ có nụ cười vô hồn, cách ăn nói lủng củng khó hiểu, ứng xử thiếu tự tin nhiều lúc vụng, thậm chí vô duyên.
Phải công nhận trong số các ca sĩ có vài gương mặt dẫn chương trình khá có duyên, nhưng chưa chắc đã thoát khỏi cảnh nói hớ. Có những chương trình "đo ni đóng giày" cho một số nghệ sĩ, nhưng càng làm càng khiên cưỡng, dùng "liệu pháp" nói ngược để gây sốc mà chẳng sốc chút nào, như "Rubic online" chẳng hạn.
Đa số các MC trúng giải Én vàng én bạc thì thường "trôi" về các đài truyền hình tỉnh, hay may mắn "sa vào chĩnh gạo" là các chương trình event ở khắp mọi nơi, chạy sô mệt nghỉ và chỉ kịp đọc lướt kịch bản vài phút trước giờ lên bục do vậy không trách được những phút họ nói ngọng nghịu hay nói nhầm tên công ty tổ chức sự kiện.
Một số MC vừa có ngoại hình, vừa có mối quan hệ, lọt vào các chương trình của nhà đài tổ chức cuộc thi; tuy nhiên, họ chìm đi trong muôn vàn gương mặt khác dù xuất hiện thường xuyên hơn, chỉ vì may mắn mà đoạt giải cao, còn quá trình đào luyện học hành thì hoàn toàn thiếu hụt...
Nhu cầu lớn, sự bùng nổ nhiều kênh truyền hình, rồi cả sự nhầm lẫn tai hại rằng hễ người nổi tiếng thì nên làm MC... dẫn đến sự dễ dãi đáng ngại khi sử dụng người dẫn chương trình. Tài ăn nói giờ đây có lẽ trở thành của hiếm, nhất là trong thời "rối loạn tiếng Việt" như hiện nay, khiến người xem đau đầu vì không ít lần bị "giội bom" bởi các MC thiếu chuyên nghiệp. Đến bao giờ thì người ta chú trọng nghề "nói" để có thể mở trường đào tạo MC chính thống?
Theo LĐ |