Văn nghệ trong nước
Ưu tư trước mùa hội diễn sân khấu
08:39 | 14/08/2009
Điều đáng e ngại là qua các mùa hội diễn, hiệu quả thường không mang lại cho đời sống sân khấu những tác phẩm thật sự thu hút người xem, sau khi được “tắm” những cơn mưa huy chương
Ưu tư trước mùa hội diễn sân khấu
Nghệ sĩ Quế Trân và Tấn Giao trong vở Nước mắt thâm tình. Ảnh: T.Hiệp

Hội diễn sân khấu kịch nói và cải lương chuyên nghiệp được tổ chức 5 năm một lần, chu kỳ này đã được rút bớt một năm vì sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội diễn ra vào năm 2010. Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật đang cấp tốc chọn lựa kịch bản, đạo diễn, diễn viên để kịp dựng tác phẩm tranh tài vào tháng 9 và tháng 10 tới.

Thế nhưng dư luận đang bàn tán về những gì không hay sẽ tiếp tục xảy ra trong mùa hội diễn sắp tới bởi có quá nhiều nỗi niềm, ưu tư trong giới làm nghề khiến những ai quan tâm đến sân khấu đều cảm thấy ngao ngán.

Sân chơi chưa mở cửa

Hội diễn là cơ hội để những người làm nghề khẳng định đẳng cấp tài năng và công chúng được xem những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Thành quả từ hội diễn cũng là thành tích để Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) cho nghệ sĩ biểu diễn sau này. Chính ý nghĩa và mục đích đó nên hầu hết các đơn vị nghệ thuật khối quốc doanh đều hăng hái tham gia và không ngần ngại khi đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng, để dàn dựng tác phẩm dự thi.

Vẫn có những quy chế được đặt ra trong các mùa hội diễn nhưng không mấy ai tuân thủ. Cụ thể, quy định mỗi đạo diễn chỉ được dựng tối đa 3 vở, các đơn vị nghệ thuật không được sử dụng diễn viên không thuộc biên chế của đơn vị mình, thế nhưng vẫn xảy ra trường hợp một đạo diễn dựng đến 7, thậm chí 9 vở, rồi các đơn vị nghệ thuật tranh nhau mời diễn viên tên tuổi về tham gia vở diễn của đơn vị mình.

Nhìn lại 4 năm sau hội diễn, sân khấu vẫn chỉ xuất hiện những đạo diễn “cây đa”, “cây đề” quen thuộc đứng ra dựng vở tham gia hội diễn. Chưa thấy đạo diễn “măng tre” nào được xem là thế hệ kế thừa. Đây là điều đáng báo động cho một nền sân khấu vẫn quanh quẩn với những tư duy cũ, những đề tài cũ thiếu hơi thở cuộc sống hôm nay.


Mùa hội diễn năm nay, đạo diễn-NSƯT Trần Ngọc Giàu được 7 đơn vị tín nhiệm mời dàn dựng 7 vở. Ông cho biết: “Tôi ưu tiên cho TPHCM với 2 vở, một của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM và một của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, còn các đơn vị khác tôi chỉ tham gia với vai trò cố vấn hoặc chỉ đạo nghệ thuật”.

Thế nhưng dư luận vẫn cho rằng ở các mùa hội diễn trước chỉ cần nhìn tổng thể vở diễn có thể biết ngay đó là “con ai”, chẳng qua tác giả đã được “thay tên đổi họ” khi xuất hiện trên sàn diễn. Những đạo diễn tên tuổi được chào đón trong các mùa hội diễn thường là vì uy tín và chất lượng dàn dựng của họ bảo đảm lãnh huy chương, như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSƯT Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hoa Hạ...

Đạo diễn trẻ không mặn mòi tham gia hội diễn vì họ cảm thấy sân chơi chưa thật sự mở cửa. Luật chơi lại quá nghiêng về tính chất “khoa bảng” nhằm giúp nghệ sĩ thu gom đủ huy chương để được “lọt vào” vòng xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND chứ chưa phải là sân chơi đúng nghĩa của những sáng tạo mang tính đột phá. Đạo diễn Chánh Trực, Nhà hát Kịch TPHCM, lo ngại: “Tôi được giao dàn dựng một vở tham gia hội diễn nhưng rất lo lắng vì quá nhiều áp lực về việc phải giành huy chương.

Việc học hỏi trong mùa hội diễn rất quan trọng đối với tôi nhưng lại có quá ít đồng nghiệp trẻ như tôi tham gia. Tôi sợ mình bị lạc lõng”. Tương tự, ban đầu, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dự định giao vở Cổ tích thời hiện đại cho đạo diễn trẻ Quốc Kiệt dàn dựng nhưng lại ngại anh không mang về huy chương cho vở diễn, nhất là hội diễn được tổ chức ngay trên sân nhà nên nhà hát quyết định mời đạo diễn Trần Ngọc Giàu, người đã mang về cho TPHCM huy chương vàng trong mùa hội diễn trước với vở Rồng phượng. Sự thận trọng này cũng đáng được thông cảm nhưng đã làm tắt đi lòng nhiệt huyết, yêu nghề của những đạo diễn trẻ.

Công nghệ dựng vở dự thi

Mùa hội diễn đã trở thành mùa làm ăn của những đạo diễn chuyên dựng vở đi thi. Có đạo diễn đã nâng việc này lên thành công nghệ, nhận thầu trọn gói từ kịch bản, cảnh trí, âm nhạc, đạo cụ, phục trang... Cách làm này dẫn đến sự trùng lắp trong sáng tạo: cấu trúc, cảnh trí, không gian vở diễn... na ná nhau. Cách làm đó còn dẫn đến việc đạo diễn chủ quan trong chọn lựa diễn viên, chọn theo cảm tính, phải “ăn rơ”, đúng “hệ”...

Với tư duy làm nghề chạy theo thành tích, một số đơn vị nghệ thuật địa phương mang tư tưởng chọn đạo diễn tên tuổi để nắm chắc huy chương. Lại còn có đạo diễn, tác giả nằm trong ban giám khảo nhưng vẫn có vở tham gia hội diễn nên các đoàn muốn có huy chương phải tìm đến đặt hàng họ.

Chưa hết, sự tốn kém của các đoàn khi phải bỏ ra quá nhiều tiền cho việc dàn dựng vở bởi đạo diễn được mời về dàn dựng đều phải đưa đón bằng ô tô, ăn nhà hàng, ở khách sạn hàng tháng trời. Diễn viên tăng cường cho mùa hội diễn cũng được hưởng quy chế đó khiến ngân sách các đoàn thâm hụt nặng. Đáng nói hơn là sự ganh đua nhau xài tiền giữa các đoàn, hễ đơn vị này đầu tư năm trăm triệu thì đơn vị kia phải hơn để chứng tỏ đẳng cấp. Đó là chưa nói đến tiệc tùng trước ngày dựng vở, vở dựng hoàn thành và vở được huy chương..., làm cho kinh phí dựng vở tăng cao.

NSND Thanh Tòng: 
Đừng gây áp lực bằng huy chương

Tôi đã từng phát biểu trong lễ đón nhận danh hiệu NSND của mình rằng Nhà nước khi xét chọn các danh hiệu nghệ sĩ đừng quá đóng khung trong tiêu chí phải hội đủ huy chương vàng tại các mùa hội diễn để xét mà phải xét quá trình cống hiến, đóng góp và trách nhiệm của nghệ sĩ với xã hội, đối với nghề nghiệp.
 
Tác giả Lê Duy Hạnh, chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM:
Công chúng là người chấm giải

Hội diễn phải là những vở diễn có đời sống sân khấu thực sự. Không thể tồn tại những vở diễn chỉ có ban giám khảo xem. Đây là đòi hỏi mang tính cấp thiết của mùa hội diễn năm nay vì nếu không có công chúng thì vở diễn đó không thể xếp giải thưởng. Chính công chúng là người chấm giải cho vở diễn.


                                                                                                       Theo NLĐO

Các bài mới
Các bài đã đăng