Văn nghệ trong nước
Biên tập xuất bản: Chuẩn mực xưa đâu còn?
13:57 | 14/08/2009
Sau khi thông tin về chuyện các nhà xuất bản (NXB) loay hoay tìm mô hình, hướng đi, Hànộimới đã nhận được sự chia sẻ về một vấn đề đặc biệt quan trọng trong xuất bản hiện nay: nguồn nhân lực. Biên tập viên (BTV), những người "gác cửa", nâng niu để có những tác phẩm tốt, tác phẩm hay gửi đến bạn đọc, có còn gắn bó và cống hiến hết mình cho NXB?
Biên tập xuất bản: Chuẩn mực xưa đâu còn?

Chảy máu chất xám?
 
Lâu nay, cụm từ nói trên thường được dùng trong các trường hợp liên quan tới các ngành có doanh thu lớn, lợi nhuận cao như ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin... còn với ngành XB, có vẻ như không tồn tại khái niệm này. Thực tế cho ta cái nhìn khác.

Dễ nhận thấy là hiện nay, có nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản trước là cán bộ trong các NXB, điều có thể thấy ở nhiều nhà sách, từ những nơi "có thâm niên" như Hàn Thuyên, Văn Lang, Đông Tây cho đến những nhà sách mới Đông A, Đinh Tỵ, Tân Việt... Vấn đề đặt ra quanh sự hiện diện của các "cựu" cán bộ xuất bản tại các nhà sách, là ngoài mong muốn có được cái gì đó cho riêng mình thì liệu cơ chế hoạt động ở các NXB có phải là nguyên nhân để họ ra đi?

Một hình thức "chảy máu chất xám" nữa, hiện rất phổ biến ở các NXB, thường được gọi bằng một cái tên khó có thể chính xác hơn, là "chân ngoài dài hơn chân trong". Thử làm một điều tra nho nhỏ sẽ thấy BTV, nhân viên phòng phát hành của các NXB cộng tác thân thiện như thế nào với các nhà sách. Điều rõ ràng là các nhà sách thường giảm chi phí tối đa cho nhân sự. Họ có thể thuê 5-7 nhân viên phát hành nhưng lại không thể có số lượng nhân viên tương tự cho công tác biên tập và thật khó nói là các nhà sách đủ người để có thể làm kỹ việc tổ chức bản thảo, "làm sạch" và "làm đẹp" thêm cho tác phẩm - sản phẩm của họ. Lực lượng chính làm việc này vẫn là đội ngũ BTV của các NXB được họ thuê và dĩ nhiên, các nhà sách không để họ thiệt. Với nhiều BTV, thu nhập từ nhà sách chiếm phần lớn trong tổng số thu nhập của họ.

"Khủng hoảng thế hệ"

Nơi các BTV ra đi, phòng - ban biên tập của NXB là bệ phóng tin cậy cho sự cộng tác của họ với các nhà sách. Bộ phận biên tập là chiếc máy cái của các NXB mà các BTV là động cơ chính, giúp chiếc máy cái đó có thể vận hành trơn tru. Nhưng lực lượng BTV hiện nay, theo nhận định của chính giám đốc một số NXB là "vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng". Phải chăng, cái sự thiếu và yếu ấy có một phần nguyên nhân từ mức độ gắn bó giữa lực lượng này với NXB?

Mấy chục năm về trước, nhiều tác giả chọn NXB nào đó để gửi gắm bản thảo là vì ở đó có BTV mà họ yêu thích, tâm đầu ý hợp. Hay nói chính xác, họ tin tưởng vào "bà đỡ" cho đứa con tinh thần của mình. Hiện nay, một số NXB như Trẻ, Phụ nữ, Văn học, Hội Nhà văn... vẫn còn những BTV gạo cội từ thuở ngày xưa ấy, và họ vẫn là nơi gửi gắm tác phẩm của những tác giả "khó tính" đó. Như tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - NXB Phụ nữ; các tác phẩm về Hà Nội của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc với NXB Trẻ. Theo lời tác giả Nguyễn Vinh Phúc thì BTV "cẩn thận tới từng dấu phẩy, gạch nối" và những cuốn sách được biên tập cẩn thận, in ấn đẹp ấy khiến ông hài lòng...

Còn "khuôn mặt nghề nghiệp" của những BTV trẻ hiện nay? Họ định hình được mình hay nhợt nhạt trong con mắt của các tác giả khó tính. Không nhiều. Vì sao? Có lẽ vì họ không chuyên tâm bằng các thế hệ BTV đi trước. Lý do ư? Vì các NXB chưa dành sự quan tâm xứng đáng cho việc tuyển dụng và đào tạo đội ngũ trẻ. Hệ quả nhãn tiền là tình trạng "khủng hoảng thế hệ" xuất hiện ở nhiều NXB, đặc biệt là ở đội ngũ BTV. Họ không được kế thừa tri thức, kinh nghiệm từ thế hệ tiền bối. Họ không được đào tạo theo kiểu "truyền nghề". Sách nhiều lỗi, đơn giản thì câu què cụt; nặng thì "có vấn đề" về kết cấu, bố cục bản thảo, và đặc biệt là khả năng thẩm định. Một hai chục năm trước đây, hầu như mỗi NXB đều có những BTV giỏi, như Lê Bầu (dịch giả - nhà văn), Hà Ân (nhà văn), Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn (phê bình)... Họ tâm huyết và trăn trở với bản thảo như thể chúng chính là đứa con tinh thần của họ vậy. Còn BTV trẻ của các NXB hiện nay thì chạy tứ tung tìm đối tác liên kết giúp NXB thu quản lý phí để hoàn thành khoán, tăng thu nhập, thời gian đâu để trau dồi, nâng cao trình độ nghiệp vụ? Và cứ thế, người ra đi, người dành "tâm huyết và sức lực" cho cuộc mưu sinh với các nhà sách, tự rời xa nghiệp vụ của mình…

NXB không thể hoạt động tốt nếu thiếu BTV, điều hiển nhiên ấy đang xảy ra ở nhiều NXB.

                                                                                                         Theo HNMO

Các bài mới
Các bài đã đăng