Văn nghệ trong nước
Triển lãm tác phẩm, công trình VHNT được Nhà nước hỗ trợ: Những lời gợi mở về đầu tư, sáng tác
14:26 | 26/08/2009
Chủ trương hỗ trợ giới văn nghệ sĩ trong sáng tác, nghiên cứu được Nhà nước thực hiện từ năm 1999. Đến nay, sau gần 10 năm, với sự hỗ trợ đó, giới văn nghệ sĩ đã có thêm cơ hội để giao lưu, để cho ra đời những tác phẩm có ích cho đời sống văn nghệ nước nhà.
Triển lãm tác phẩm, công trình VHNT được Nhà nước hỗ trợ: Những lời gợi mở về đầu tư, sáng tác
Poster phim "Đừng đốt".

"Tĩnh" và "động"

Triển lãm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật (VHNT) được Nhà nước hỗ trợ do Bộ VHTTDL, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN phối hợp tổ chức từ ngày 25 - 28.8 tại Trung tâm Triển lãm VHNT VN (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) sẽ là cơ hội để những người quan tâm có cái nhìn tổng quát về sự đầu tư, khuyến khích của Nhà nước cho giới văn nghệ sĩ những năm gần đây. Đồng thời, triển lãm cũng gợi cho các nhà quản lý về cách thức, phương án đầu tư hiệu quả hơn.

Đây là lần thứ ba, triển lãm được tổ chức như một "báo cáo" về kết quả hỗ trợ của Nhà nước (lần đầu vào tháng 11.2003, lần 2 vào tháng 12.2005). Với sự tham gia của 10 hội chuyên ngành trung ương và 31 hội VHNT địa phương (từ Thừa Thiên-Huế trở ra), triển lãm giới thiệu hàng trăm tác phẩm sáng tạo, nghiên cứu, sưu tầm VHNT từ năm 2006 tới nay.

Ngoài hoạt động "tĩnh" nói trên, BTC còn tổ chức những chương trình "động", như giao lưu, giới thiệu và chiếu phim "Đừng đốt" tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (tối 27.8). Bên cạnh đó, tối 28.8, tại Trung tâm Triển lãm VHNT diễn ra một chương trình giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng qua các thời kỳ, công diễn những tác phẩm lớn của Hội Nhạc sĩ VN.

Cũng trong dịp này, Hội Nghệ sĩ múa VN tổ chức Liên hoan múa không chuyên với sự tham dự của gần 400 diễn viên từ 18 đoàn nghệ thuật quần chúng, đại diện cho các vùng miền trong cả nước. Lễ tổng kết và trao giải liên hoan sẽ được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn HN chiều 27.8.

Những điều không có trong triển lãm

Khoản hỗ trợ của Nhà nước cho giới văn nghệ sĩ được nhiều người cho là "muối bỏ bể" và chỉ như một sự động viên tượng trưng, bởi tính trung bình, mỗi hội VHNT địa phương chỉ được hỗ trợ khoảng 150 triệu - 200 triệu đồng/năm, các hội chuyên ngành trung ương thì trên dưới 1,5 tỉ đồng/năm, chia cho khoảng 34.000 hội viên trên cả nước.

Cách thức hỗ trợ cũng không phải đã thỏa mãn tất cả hội viên. Đã có ì xèo đâu đó về những khoản hỗ trợ ấy như một sự trợ cấp khó khăn cho những văn nghệ sĩ già, không còn hoạt động sáng tác được nữa. Và như vậy, cũng có nghĩa là sự đầu tư của Nhà nước đã không được như mong muốn. Bên cạnh đó, có không ít ý kiến cho rằng, sáng tạo là thiên chức của văn nghệ sĩ, vị tất đã phải hỗ trợ mới có những tác phẩm hữu ích cho đời.

Quay về cuộc triển lãm, dù chưa thể đánh giá về chất lượng của các tác phẩm được trưng bày, nhưng những gì có ở triển lãm cũng nói lên được tiềm năng, sự đa dạng trong sáng tác của các hội viên. Mặt khác, như nhà văn Tùng Điển - Uỷ viên thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN - khẳng định: Mặc dù nhỏ, nhưng khoản hỗ trợ đã là một sự động viên, khuyến khích và động lực không nhỏ đối với văn nghệ sĩ.

Với sự quan tâm ấy của Nhà nước, trong 10 năm qua, anh em văn nghệ sĩ đã được tạo cơ hội tiếp cận với cuộc sống sinh động, tìm đề tài nóng; có cơ hội giao lưu, tìm hiểu kỹ năng nghề nghiệp... Đặc biệt, lực lượng trẻ có năng lực được phát hiện qua các trại sáng tác cũng khá dày. Lực lượng này có hướng đi mới mẻ, nhưng vẫn gắn với đời sống và có sự nhìn nhận vấn đề không xa với các tác giả thế hệ trước.

                                                                                                                  Theo LĐ

Các bài mới
Các bài đã đăng