Văn nghệ trong nước
Để có dòng phim Discovery (khám phá) hay: Nên bắt đầu từ nông thôn Việt Nam
09:11 | 09/09/2009
Vài năm trở lại đây, dòng phim khám phá các vùng đất Châu Á và thế giới đã được các đài truyền hình trong nước thực hiện. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi là, tại sao các đoàn không làm phim khám phá ở VN, mà phải sang tận vùng đất khác, nơi từng có nhiều người đến làm phim?
Để có dòng phim Discovery (khám phá) hay: Nên bắt đầu từ nông thôn Việt Nam
Thành viên đoàn làm phim Báo SGTT tiếp xúc với người Dani để tìm hiểu về xác ướp. Ảnh: L.P

Phải chăng, yếu tố "chuộng ngoại" vẫn còn đó?

Đã có những "Mêkông ký sự", "Ký sự hoả xa", "Ký sự Amazon", "Ký sự Tân Đảo", "Huyền bí sông Hằng", "Đi tìm dấu tích Ba vua", "Trở lại Volga", "Bên dòng Mississippi", "Những mảnh ghép cuộc sống"... Nhưng nhìn chung, so với mảng phim Discovery nước ngoài, phim Việt mới dừng ở góc độ tư liệu vừa phải, cảnh quay lướt qua, đi như "cưỡi ngựa xem hoa".
 
Trừ một số phim gắn với lịch sử và số phận của những nhân vật vị vua đi đày như "Ký sự Tân Đảo", "Đi tìm dấu tích Ba vua", những thước phim đi dọc các nước vẫn không mang màu sắc riêng. Một phần do kinh phí không thể so sánh với các đoàn làm phim nước ngoài, một phần vì cách làm phim này còn tương đối mới ở ta, nhưng có lẽ trên tất cả là góc tiếp cận chưa mới.

Ban đầu, một số phim được đánh giá tốt như "Mêkông ký sự", tuy cảnh quay chưa chọn lọc, nhưng càng về sau, dòng phim này càng mang hơi hướng "Cuộc sống quanh ta" hay "Du lịch qua màn ảnh nhỏ".

Liệu loạt phim mà nhóm Sài Gòn Tiếp thị (SGTT) mang về từ vùng Irian Jaya (Indonesia) để dựng phim về các bộ tộc hoang dã (dự định công chiếu vào năm 2010) có đúng là cái nhìn dưới mắt người Việt hay không và có đạt hiệu quả bằng phim của các đạo diễn nước ngoài từng dựng về vùng đất các bộ tộc nguyên thuỷ còn sót lại hay không? Phim này đang làm hậu kỳ, còn những hình ảnh chiếu qua cho thấy có thể thoả mãn người xem ở những cảnh quay đẹp, lạ, nhưng các câu chuyện chưa chạm đến bề sâu, vì họ chỉ ở đó có 1 tháng rồi về.

Nhà báo Binh Nguyên - người tổ chức kịch bản phim của nhóm SGTT - cho biết: "Chúng tôi muốn tạo ra góc nhìn của những người viết kịch bản VN, muốn chia sẻ vì sao lại là nơi tận cùng thế giới, chứ không phải đơn thuần làm ký sự về một tộc người. Giữa thế giới hiện đại và hoang dã dù có sự cách biệt lớn, nhưng khi chia tay, chỉ có thể nói họ hạnh phúc hơn mình, khi được ở trong không gian của họ; không phải bôn ba, giằng xé, bon chen chạy theo đời sống vật chất. Phim Mỹ không nói lên điều đó. Họ nhấn mạnh yếu tố nhân chủng học...".

Hiện nay, nhóm làm phim Báo SGTT cũng đang sản xuất dự án làm series 200 tập khám phá những dòng sông Việt nổi tiếng, những vùng đất gian khó ít người đặt chân đến, phim về những nơi hoang dã của VN, những bộ tộc nhỏ bé giữa đại ngàn (chỉ còn dưới 1.000 dân), dự định sẽ phát trên HTV7.

Song như nhiều người thừa nhận, còn một đề tài nữa rất hay cần khám phá - đó chính là đời sống của người nông dân ở khắp mọi miền đất nước, nhằm khơi gợi mối quan tâm của công chúng hơn nữa trước nỗi cơ cực của họ, cũng như vẻ đẹp của làng quê đang bị tàn phá. Để làm được như thế, ngoài kịch bản tốt, còn cần có nhà tài trợ.
 
Như trường hợp Quỹ Ford vừa nhận tài trợ cho cuộc thi làm phim tài liệu "Đô thị hoá ở VN", 5 người ở vị trí cao nhất sẽ làm việc với Uproar Asia - một công ty Singapore chuyên sản xuất phim tài liệu và truyền hình được Discovery chỉ định - để sản xuất phim của mình. Những bộ phim đó sẽ được phát hành lần đầu trên kênh Discovery theo series: "First Time Filmmakers Vietnam With Discovery".

Theo Minh Thi - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng