Văn nghệ trong nước
Thị trường nhạc Việt bước qua thời “ế ẩm”
15:08 | 15/10/2009
Sau một thời gian dài ảm đảm với hầu hết các liveshow kết thúc không kèn không trống, thị trường nhạc Việt mùa cuối năm đang có dấu hiệu sôi động trở lại.
Thị trường nhạc Việt bước qua thời “ế ẩm”
Liveshow "Tình yêu không lời" dành tặng cha của Thanh Lam cũng đã thành công mỹ mãn

Suốt nửa đầu năm 2009, hàng loạt các liveshow lớn nhỏ đã diễn ra, đa số được đầu tư kỹ càng, quảng bá rầm rộ, nghệ sỹ có tên tuổi, có lượng fan đông đảo cùng các fanclub hoạt động chuyên nghiệp. Thế nhưng, sự biến hoá, làm mới mình với nhạc giao hưởng của “mỹ nhân ngư” không tạo nên được một Mỹ Lệ in Symphony “có chất”; sự phô trương hoành tráng cùng dàn khách mời toàn sao tung hứng nhiệt tình như danh hài Hoài Linh, diễn viên Ngô Thanh Vân không giúp Thanh Thảo có được một đêm sinh nhật như kỳ vọng; vẻ đẹp sexy, vũ điệu điêu luyện và “bàn tay phù thuỷ” của Đức Trí không hút được khán giả đến với Những gương mặt âm nhạc của Hồ Ngọc Hà…

Các đêm kỷ niệm xyz năm con đường âm nhạc của Cẩm Ly, Mây Trắng cũng chịu chung số phận. Thậm chí, ngay cả các chương trình của nhà đài như Bài hát Việt, Album Vàng, Hoà nhịp bạn trẻ… cũng không thoát khỏi cảnh nhạt nhẽo, đìu hiu.

Nguyên nhân của thời tiết u ám trên được “đổ lỗi” do ảnh hưởng của cơn bão giá. Thời khủng hoảng kinh tế, các nhà tài trợ có phần ngần ngại khi chìa bàn tay hào phóng, người yêu nhạc thì đắn đo khi bỏ ra từ vài trăm đến vài triệu để đi xem một chương trình âm nhạc mà họ không dám chắc về chất lượng nghệ thuật. Bản thân các nhà tổ chức cũng không dám chi mạnh tay cho khâu PR, quảng bá trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng nằm trong cách tổ chức liveshow và sức hút tự thân của ca sỹ. Như Diva Thanh Lam thẳng thắn: “Không phải cứ đầu tư nhiều tiền, ánh sáng hoành tráng, quần áo đẹp là có thể lấy được lòng công chúng”.

“Lấy được tiền từ nhà tài trợ thì không bao giờ dễ cả, kể cả khi kinh tế đang tăng trưởng. Còn khán giả khi rủng rỉnh họ có thể dễ dãi chi, nhưng ngược lại, họ đong đếm kỹ càng xem cái vé họ bỏ tiền ra mua có đáng đồng tiền bát gạo hay không. Nhiều khi đơn vị tổ chức chúng tôi cố gắng hết mình nhưng nghệ sỹ không có khả năng thuyết phục công chúng thì cũng bó tay. Hơn nữa, chính nghệ sỹ phải thực sự hiểu fan của mình và đưa ra định hướng cho nhà tổ chức” – T.H – nhân viên PR Công ty truyền thông Thủ đô bày tỏ.

Về khả năng hiểu khán giả của mình thì “Mr Đàm” là một chuyên gia. Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng, sở dĩ Người tình của anh thành công đến vậy là vì anh biết fan của mình thích ăn gì, thích uống gì, thích mặc gì và “Tôi đo lường được lượng khán giả đến với mình mỗi đêm. Tôi biết người hâm mộ của mình có mặt ở đâu và nơi nào thì tôi không nên tổ chức. Còn nếu đổ lỗi vì bão giá mà người yêu nhạc không bỏ tiền ra mua vé thì số phận của Người tình sẽ ra sao? Có vé tôi bán tới 2 triệu đồng nhưng đó luôn là những vé hết đầu tiên”.

Có thể nói, chính thành công mỹ mãn của Người tình đã mang nắng trở lại thị trường nhạc Việt những tháng cuối năm. Thêm vào đó là những tín hiệu vui từ dư âm tốt đẹp của liveshow Thanh Lam - Thuận Yến tại Hà Nội (ngày 25/9), đêm dân ca ngọt ngào của Cẩm Ly (2 – 3/10), tour diễn thứ 2 của Hồ Ngọc Hà Và em đã yêu…

Các liveshow thi nhau công bố sẽ ra mắt, trong đó hầu hết là các gương mặt nghệ sỹ thuộc hàng sao, như đêm Ngôi sao bay của Đan Trường tại sân khấu Trống Đồng (TP.HCM) đầu tháng 12, đêm rock của Phạm Anh Khoa cuối tháng 10, 2 đêm “tiếp lửa” của Đàm Vĩnh Hưng tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội cuối tháng 12, sự trở lại của Hồng Nhung với thử nghiệm nhạc điện tử phối hợp cùng Quốc Trung, và một loạt minishow theo phong cách unplugged (không nhạc điện tử) của Hà Anh Tuấn, Đoan Trang, Đức Tuấn…

Sự xuất hiện ồ ạt các dự án thực sự đã mang đến sinh khí mới cho đời sống âm nhạc, đồng thời xoá tan đi tin đồn nhiều nghệ sỹ phải dời liveshow của mình sang năm 2010 vì khủng hoảng và cái “dớp” thất bại nửa đầu năm. Tín hiệu hồi phục trở lại của nền kinh tế trong nước, sự thành công của những chương trình gần đây cũng tạo cở sở niềm tin cho các nhà tài trợ lẫn nghệ sỹ mạnh tay đầu tư và xúc tiến cho dự án của mình. Dù không thể dám chắc về khả năng thành công hay thất bại, nhưng việc ra mắt các liveshow cho công chúng cảm giác các nghệ sỹ vẫn đang lao động hết mình và vẫn có sản phẩm để trình làng.

Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng: Liveshow khó thành công nếu ca sỹ không có bài hát trên môi khán giả

Tôi biết có những sao bự hẳn hoi hát cả một chương trình mà người xem không uống hết một chai bia. Không tạo được cảm xúc và sự phấn khích cho khán giả tức là ca sỹ đã thất bại. Có thể ca sỹ đó đã sai khi chọn lựa địa điểm biểu diễn không có khán giả của mình ngồi đó. Mặt khác, nhiều ca sỹ trên mặt bằng thì rất nổi, rất nhiều sao nhưng thực tế thì lại không có bài hát nào trên môi khán giả, như thế có tổ chức liveshow cũng có có được thành công mỹ mãn. Hồ Ngọc Hà là một ví dụ. Hà rất đẹp, nhảy đẹp, giọng lạ nhưng Hà lại chưa có ca khúc nào cho người Việt Nam hát theo. Một kinh nghiệm khác trong làm liveshow là phải chọn được đơn vị tổ chức cho mình. Một đơn vị làm việc chuyên nghiệp, lại có sẵn thương hiệu, uy tín thì sẽ nâng cái chất lượng cũng như danh tiếng chương trình của mình lên.

                                                                                                         Theo Toquoc

Các bài mới
Các bài đã đăng