Văn nghệ trong nước
Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 7: Nhanh nhất cũng phải cuối năm nay
15:24 | 20/10/2009
Đã qua thời hạn "hoàn chỉnh để trình cấp có thẩm quyền" vào tháng 7.2009, sau 60 ngày đăng công báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến đóng góp, nhưng dự thảo thông tư quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đến nay vẫn chưa "gút" lại được.
Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 7: Nhanh nhất cũng phải cuối năm nay
Ca sĩ Thanh Lam - nghệ sĩ tự do hiếm hoi được phong tặng NSƯT trong đợt 6 (2007)

Trong khi kỳ hạn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt tiếp theo (lần 7) đã cận kề. Bà Vũ Thị Tề Khương - thành viên Ban soạn thảo thông tư - trả lời phỏng vấn Báo Lao Động.

Xin bà cho biết lý do của sự chậm trễ nói trên và hiện tại, công việc đã được tiến hành đến đâu?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ. Trong đó, đáng kể là sự kiện sáp nhập bộ năm 2007. Công việc đòi hỏi một quá trình làm việc rất công phu, bao gồm các bộ, ngành liên quan, các nhà hát thuộc T.Ư và địa phương, một số cá nhân tiêu biểu là NSND, NSƯT, những nhà nghiên cứu, quản lý có uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật, các hội VHNT (chủ yếu là các hội T.Ư), các sở VHTTDL... Hiện tại, các ý kiến đã được tập hợp khá đầy đủ dự kiến cuối tháng 10 này sẽ hoàn tất. 

Một trong những bức xúc của nhiều nghệ sĩ là tiêu chuẩn xét tặng căn cứ vào số huy chương, giải thưởng... - điều được cho là thiếu công bằng với các nghệ sĩ tự do (hay thuộc những loại hình nghệ thuật có tuổi nghề ngắn hoặc kén khán giả), khi cơ hội dự hội diễn để giành huy chương của họ không nhiều (thậm chí không có), mặc dù họ thực sự có được chỗ đứng trong lòng khán giả và có những đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật... Bà thấy sao?

- Lần này sở dĩ có sự chậm trễ là một phần cũng vì chúng tôi muốn chờ thêm ý kiến của các nghệ sĩ tự do - đối tượng được cho là gặp nhiều thiệt thòi trong việc xét tặng danh hiệu.  Tuy nhiên, từ góc độ nhà quản lý, một mặt, chúng tôi cũng có cái khó xử riêng của mình. Thế nào là đóng góp cho nghệ thuật? Thế nào là chỗ đứng trong lòng khán giả?

Những cái đó thực sự rất khó định lượng, nếu như không được ghi nhận bằng số các huy chương, giải thưởng. Bởi vậy, nếu anh không dự hội diễn (hay triển lãm) thì cơ quan xét duyệt danh hiệu biết căn cứ vào đâu để nhận biết tài năng? Còn chuyện anh không mặn mà với hội diễn (hay triển lãm), thì tại sao anh lại bắt người ta phải công nhận anh có tài, có đóng góp, điều đó liệu có vô lý quá không?

Về chuyện dự hội diễn, cá nhân nghệ sĩ đâu được quyền quyết định dù muốn hay không muốn, bởi trong điều kiện phải tự bươn chải, các sân khấu tư nhân không dễ gì đổ tiền đem vở đi dự hội diễn để giành được những tấm huy chương chưa hẳn giúp cho họ bán vé tốt hơn?

- Danh hiệu nào muốn được công nhận thì cũng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định. Giống như anh muốn được thi ĐH, thì trước hết, anh phải tốt nghiệp cấp THPT.

Nhà quản lý thì luôn đánh giá tài năng qua con số huy chương, nhưng sức nặng của những tấm huy chương thì nhiều khi chưa được công chúng và ngay cả giới làm nghề đánh giá cao, vì đã có không ít hội diễn "mưa" huy chương. Bà có nghĩ, đó là một độ vênh đáng kể giữa các văn bản và thực tế?

- Câu hỏi này, nên được dành cho các hội đồng giám khảo. Còn bình thường các tiêu chuẩn, một khi đã được đặt lên bàn xét tặng, thì một NSND, hay một NSƯT rõ ràng là phải "hơn đứt" một nghệ sĩ bình thường ở mức độ được công nhận của họ.

Có tâm lý: Một nghệ sĩ một khi đã có chỗ đứng trong lòng công chúng thì thường rất ngại "làm đơn xin công nhận danh hiệu" vì không ít người cho rằng đã là "danh hiệu" và "xét tặng" thì sao lại phải đi "xin"? Thay vào đó, sao không thể là "con mắt xanh" của nhà quản lý?

- Nghệ sĩ dù là gì thì trước hết cũng là một công dân bình thường. Lấy đơn cử như anh đi thi ĐH, hay thi lấy bằng lái xe, thì chí ít, việc tối thiểu là phải khai vào một cái đơn để cơ quan chức năng hay nơi tiếp nhận đơn biết được anh là ai, làm nghề gì...? Hay kể cả tổng thống muốn được đắc cử cũng còn phải đi vận động bầu cử. Vậy thì không nên tự ái vu vơ thế được! 

Hồ sơ chỉ có thể được gửi tới sau khi có thông tư hướng dẫn. Mà thông tư thì đã mấy lần lỡ hẹn, có đáng lo đợt xét tặng danh hiệu tới sẽ bị hoãn lại?

- Chúng tôi đang cố để không phải hoãn lại, dù có thể bị chậm lại một chút. Nhưng chậm cũng vẫn phải làm, nhanh nhất là sẽ xong vào cuối năm nay.

- Xin cảm ơn bà.

Theo Thiên An - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng