Lý do không ít người đưa ra, là không hiểu sao có những ca khúc thô thiển, thiếu tính thẩm mỹ mà vẫn được phát trên truyền hình, với những hình tượng "kẹo ngọt", "dâu tây" uốn giọng eo éo vờ ngây thơ. Không ít nhạc sĩ "ăn cắp" giai điệu của nhạc Hàn, nhạc Hoa (những giai điệu từ 15 - 20 năm về trước). Đa số ca sĩ thích bám lấy những bài hit cũ mà "xào" hoặc làm cái mới giông giống cái cũ (sợ khán giả không thích) mà không chịu hướng dẫn thị hiếu cho khán giả. Họ hát đủ thể loại và tự cho là mình "đổi mới", nhưng thực ra tất cả đều "nửa mùa" - bắt chước.
Còn khán giả, phần đông là lớp trẻ quá dễ dãi khi đón nhận một album nào đó, bởi có ca sĩ ra 10 album thì đều na ná nhau. Tình trạng nghe nhạc giải trí, không cần chọn lọc đã góp phần không nhỏ cho việc xuất hiện nhiều album nhạt nhẽo, lỗi thời, "mì ăn liền".
Không những thế, việc bình chọn "Album vàng", "Làn sóng xanh" trên đài truyền hình, phát thanh hàng tháng đôi khi toàn cổ xúy cho những album kiểu trên. Nhiều người lo lắng cho "cái tam giác nhạc sĩ - ca sĩ - công chúng" cứ loay hoay mãi thì biết đến bao giờ nhạc Việt có thể bắt kịp với âm nhạc của khu vực?
Trong bối cảnh như vậy, không ít khán giả trẻ cho rằng, nghe nhạc tiếng Anh là đỡ phải bận tâm về những loại nhạc "rác", đỡ bực mình vì tâm sự "não tình" và đỡ hát nhầm hàng nhái. Tuy nhiên, không phải bài hát tiếng Anh nào cũng có thể nghe được, còn phải tùy vào độ chuẩn của tai nghe, người chọn. Quan điểm cho rằng, thà nghe nhạc nước ngoài không hiểu gì còn tốt hơn phải nghe thứ nhạc "con tim khổ đau", cũng không hẳn đã là tích cực.
Thẳng thắn nhìn nhận một điều là, khi một bộ phận bạn trẻ chuyển sang nghe nhạc tiếng Anh, có khi đó là dấu hiệu đáng mừng. Nhưng khi trong công chúng đã có sự phân khúc như thế, thì trên các kênh truyền hình hoặc các chương trình âm nhạc, game show vẫn không chịu thay đổi và phát mãi những chương trình V-pop nhảm nhí.
Trong khi đó, các cuộc hội thảo bàn về việc ngăn chặn nhạc rác không hề có sự tham dự của các nhạc sĩ, tác giả trẻ, mà toàn những người già và giải pháp mà họ đưa ra cũng khó có đáp ứng từ phía các đài truyền hình, phát thanh. Thành ra, trong khi cái mới chưa được xây lên, cái cũ vẫn chiếm vị trí đầu, chỉ một vài chương trình khá như: Sao Mai điểm hẹn, Bài hát Việt... trên truyền hình, không đủ để tạo nên điểm sáng cho thị trường ca nhạc.
Điều biến chuyển tích cực là trên cộng đồng mạng. Ngoài những diễn đàn là nơi để các fan rủa nhau một cách kém văn hóa vì "thần tượng" của họ bị chê bai, hạ bệ, đã có những trang web, blog kêu gọi bạn trẻ sớm nhận thức về tình trạng loạn nhạc hôm nay, làm sao để thứ "vũ khí giết người thầm lặng" kia không tồn tại nữa.
Nhiều bạn còn cho rằng, tốt nhất là không nên a dua theo số đông và khán giả Việt phải biết đấu tranh cho nền âm nhạc nước nhà phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn, đề cao tính nhân đạo, tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ và cảm xúc trong âm nhạc; góp tiếng nói chung để phần cung không được thừa nhận sẽ phải tự loại thải theo thời gian.
Theo LĐ |