Sau lễ thắp hương tưởng niệm và phát biểu khai mạc của chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh, các nhà văn, nhà phê bình đã đọc tham luận, khẳng định vị trí và vai trò của Vũ Trọng Phụng cùng những sáng tác của ông trong nền văn học Việt Nam suốt một thế kỷ qua.
Nhà nghiên cứu Phong Lê cho rằng, giá trị hiện thực trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng ít nhiều đã được thừa nhận kể từ Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc năm 1949. Nhưng sau đó, vì những lý do khách quan, ông bị quy kết oan không chỉ về giá trị nghệ thuật mà còn cả tính tư tưởng, đạo đức trong tác phẩm. Theo giáo sư Phong Lê, điều an ủi với những người yêu Vũ Trọng Phụng là lúc bấy giờ, nhà văn, bằng ngòi bút sắc sảo, đã quyết liệt bảo vệ chính mình. Từ năm 1989, ông đã được trả lại vị trí xứng đáng trên văn đàn, là một trong số những nhà văn hiện thực hàng đầu của Việt thế kỷ 20.
Đánh giá về những thiên phóng sự của "ông Vua phóng sự đất Bắc", nhà nghiên cứu Phong Lê nói: "Những hiểm họa mà Vũ Trọng Phụng đã khai thác trong xã hội xưa như cờ bạc, hút xách, đĩ điếm, cơm thầy cơm cô, kỹ nghệ lấy Tây... nay đã trở lại còn ào ạt hơn gấp nhiều lần ngày xưa".
Chia sẻ với Phong Lê, giáo sư Hà Minh Đức cho rằng, dù sống cuộc đời rất ngắn ngủi nhưng tài năng của Vũ Trọng Phụng đã được hậu thế thừa nhận, không chỉ trong mà còn ngoài nước.
Hội thảo có có sự tham gia ý kiến của Vũ Tuấn Anh, Phan Trọng Thưởng, Đoàn Lê Giang...
Theo eVan |