Văn nghệ trong nước
Phim TH nước ngoài phiên bản Việt: Cuộc đua không ngừng nghỉ
14:30 | 02/11/2009
Nhìn từ "Lẵng hoa tình yêu" cho đến "Hoa dã quỳ", "Những người độc thân vui vẻ"… cho thấy những ví dụ thất bại của phim làm lại. Chúng ta sẽ tiếp cận một bộ phim nước ngoài thế nào, để phiên bản Việt đậm chất Việt hơn, thay vì sự sao chép mang tính cơ học và dập khuôn.
Phim TH nước ngoài phiên bản Việt: Cuộc đua không ngừng nghỉ

Ngày 5/11, bộ phim 25 tập "Ngôi nhà hạnh phúc" (bản gốc tại Hàn Quốc có tên Full House) của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng do BHD sản xuất sẽ chính thức phát sóng trên kênh VTV3 vào lúc 21h. Đây là một trong những bộ phim được coi là "nóng" nhất năm 2009, với dàn ngôi sao hùng hậu, kinh phí kỷ lục và được thực hiện bởi một ê kíp chuyên nghiệp. Và đây giống như một xu hướng hấp dẫn với các nhà làm phim khi nguồn kịch bản hiện nay quá thiếu, quá yếu và đội ngũ viết kịch bản chưa chuyên nghiệp. Hiện, hàng loạt những bộ phim ăn khách của Hàn Quốc đang được các công ty sản xuất phim Việt Nam mua bản quyền để thực hiện và phát sóng trong năm 2010.

Cơn sốt chuyển thể từ truyện tranh

Khi cơn khát chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học chưa bao giờ bớt sôi nổi thì sự ăn khách của truyện tranh cũng khiến cho các nhà làm phim "nổi cơn khát". Thành công vang dội của bộ phim "X-Men" năm 2000 (dựa theo cuốn truyện tranh của Stan Lee và Jack Kirby năm 1963), đặc biệt là "Spider Man" (phỏng theo các nhân vật anh hùng được viết năm 1962 bởi Stan Lee và Steve Ditko) đã khiến cho nhiều rạp chiếu khắp thế giới cháy vé. Điều này càng thôi thúc các nhà làm phim Hollywood miệt mài đi tìm và chuyển thể truyện tranh thành phim.

Mối lương duyên giữa truyện tranh và phim ảnh gắn bó đến mức Frank Miller - chuyên gia sáng tạo của tiểu thuyết đồ họa của các phim "Sin City" và "300" nhận xét: "Quả thật, Hollywood và truyện tranh đang ở vào thời kỳ trăng mật của một đôi vợ chồng son". Điều này lý giải lý do tại sao hàng loạt phim ăn khách như "Superman", "Fantastic Four", "The Hulk", "Iron Man" hay "Ghost Rider"… đều có "cha mẹ" là truyện tranh.

Cũng thuộc công nghiệp giải trí, nhưng ở châu Á, truyện tranh lại được các nhà làm phim truyền hình "nhanh tay lẹ mắt" chộp lấy. Nhiều truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc được chuyển thể thành những phim truyền hình thu hút rất nhiều khán giả màn ảnh nhỏ. Gần gũi nhất và nổi tiếng nhất là bộ truyện tranh "Hana Yori Dango" (Con nhà giàu) bởi những phiên bản truyền hình được chuyển thể từ bộ truyện này đã làm mưa làm gió trong giới hâm mộ khắp châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam với các nhan đề "Vườn Sao Băng", "Mưa Sao Băng"…

Sự thành công lan rộng này đã thúc đẩy các nhà làm phim Nhật Bản sản xuất phiên bản điện ảnh vào năm 2007 và bản phim này đã làm điên đảo tất cả các rạp chiếu phim tại Nhật Bản, giữ vững ngôi vị quán quân doanh thu trong 3 tuần liên tiếp.

Khu biệt hơn từ thị trường Hàn Quốc và Việt Nam có lẽ sẽ dễ dàng nhận ra sự ăn theo về phong cách thời trang, phụ kiện… của hàng loạt bạn trẻ trong suốt thời gian bộ phim "Fullhouse" (Ngôi nhà hạnh phúc) và "Goong" (Được làm hoàng hậu) phát sóng. Sự thành công của hai bộ phim này đã đưa tên tuổi hai cặp diễn viên chính Song Hye Kyo - Bi Rain và Yoon Eun Hye - Joo Ji Hoon vụt thành sao và tỏa sáng khắp châu Á.

Phim làm lại - bắt đầu một cơn sốt

Nghệ thuật luôn đánh giá cao những gì mới lạ, những cái gọi là sáng tạo; tuy nhiên trong một số trường hợp, yếu tố cũ vẫn có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Phim làm lại là một minh chứng cho điều đó. Mặc dù dựa trên những bộ phim đã ra đời từ trước, thêm vào một chút cải biên, thêm một chút hương vị bản địa, thêm một chút dấu ấn riêng của đạo diễn, phim làm lại đôi khi còn thành công rực rỡ hơn "tiền bối" của nó. Điều này cho thấy làm lại không đồng nghĩa với lặp lại, mà thực ra là làm mới một câu chuyện cũ. Hơn thế, nếu nguyên bản đã thành công thì tương lai của phiên bản làm lại có cơ may sáng sủa hơn. Vậy nên không chỉ ở Mỹ - nơi nổi tiếng với những bộ phim điện ảnh làm lại - xu hướng làm lại phim truyền hình vẫn cứ phát triển mạnh ở châu Á.

Ví dụ cụ thể nhất về việc làm lại phim truyền hình là "đại gia" Trung Quốc, khi mà lần lượt các tác phẩm văn học kinh điển như "Hồng Lâu mộng", "Tam Quốc diễn nghĩa", "Tây du ký" cứ vài năm lại được mang ra trường quay một lần, hay như các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung như "Anh hùng xạ điêu", "Thần điêu đại hiệp" hay "Tiếu ngạo giang hồ" đều đã "qua tay" nhiều đạo diễn. Việt - với một nền công nghiệp sản xuất phim còn non trẻ, cũng không nằm ngoài quy luật "làm lại" hiển nhiên đó. Liệu rằng những bộ phim "tái bản" ấy có được sự nhìn nhận mang tính sẻ chia không, hay chỉ là sự so sánh, đối chiếu với phiên bản gốc?

"Lịch sử" phim làm lại tại Việt - không phải khi nào cũng thắng

Nhìn từ "Lẵng hoa tình yêu" cho đến "Hoa dã quỳ", "Những người độc thân vui vẻ"… cho thấy những ví dụ thất bại của phim làm lại. Và đó cũng là điều khiến nhiều người băn khoăn, chúng ta sẽ tiếp cận một bộ phim nước ngoài thế nào, để phiên bản Việt đậm chất Việt hơn, thay vì sự sao chép mang tính cơ học và dập khuôn.

Khi "Ngôi nhà hạnh phúc", bộ phim đình đám của Hàn Quốc với cặp đôi Bi Rain và Song Hey Kyo (đã từng chiếu trên HTV và Truyền hình Hà Nội) được BHD mua bản quyền thực hiện, nhiều người đã thực sự hồ nghi về sức hấp dẫn của bộ phim này. Và Vũ Ngọc Đãng là một sự lựa chọn chính xác, khi "màu sắc Hàn" trong những phim gần đây của anh khá hợp lý, với khuôn hình đẹp, cách xử lý câu chuyện thông minh, lạ thường và dàn diễn viên bắt mắt, thời trang.

Phiên bản Việt của "Ngôi nhà hạnh phúc" được đẩy cao yếu tố hài hước và cách diễn hài của các diễn viên bớt "over" hơn. Minh Minh là một cô gái mồ côi, sống một mình trong căn nhà do ba mẹ cô để lại. Cô luôn mơ ước mình sẽ trở thành một nhà văn. Sự việc bắt đầu từ hai người bạn là Bá Thông và Kiều Nhi rắp tâm chiếm đoạt căn nhà. Họ lên kế hoạch cho Minh Minh đi du lịch và họ xoay xở mọi cách để ngăn chặn việc Minh Minh quay về trong lúc họ chưa bán xong ngôi nhà. Trong chuyến du lịch bất đắc dĩ đó, Minh Minh gặp được Vương Hoàng - chàng diễn viên điện ảnh nổi tiếng nhưng cũng lắm tai tiếng và Đình Phong - một doanh nhân thành đạt từ Mỹ về đồng thời là bạn của Vương Hoàng.

Trở về từ chuyến du lịch đen đủi, đang hết sức thất vọng vì bạn thân lừa dối, Minh Minh rơi vào nỗi kinh hoàng lớn hơn khi phát hiện ra căn nhà yêu dấu - là kỷ vật thiêng liêng, cao quý nhất của cha mẹ cô để lại - đã bị Bá Thông và Kiều Nhi bán cho người khác… Và chủ nhân mới của căn nhà đó không ai khác chính là nam diễn viên Vương Hoàng.

 Đã mồ côi, giờ lại không nơi trú chân, không một đồng xu dính túi, Minh Minh rơi vào một tình thế hết sức tréo ngoe. Sau một thời gian năn nỉ, van xin, Minh Minh được Vương Hoàng chấp nhận cho làm người giúp việc cho anh. Minh Minh hi vọng sẽ có ngày cô có đủ tiền lấy lại căn nhà. Thế nhưng, làm người giúp việc cho một người nổi tiếng là không dễ dàng tí nào…nhất là trong trường hợp diễn viên Vương Hoàng đang bị giới truyền thông bám riết vì những scandal tình ái. Họ ký hợp đồng hôn nhân và dần dà… yêu nhau thật… Một câu chuyện lãng mạn và bối cảnh được quay tại "khu Hàn Quốc" Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP Hồ Chí Minh). Nhiều người dự đoán, đây sẽ là bộ phim "hot" hơn "Bỗng dưng muốn khóc". Tuy nhiên, có lẽ nên đặt niềm hy vọng, hơn là khẳng định sự thành công của bộ phim này.

Hiện tại, rất nhiều bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng như "Anh em nhà bác sỹ", "Tên tôi là Kim Sam Soon" (phiên bản Việt là "Cô dâu lỡ thì")… cũng đang trong quá trình casting để thực hiện xong trong năm 2009. Kế hoạch phát sóng của những bộ phim này cũng đã xong. Điều này chứng tỏ, phim làm lại vẫn là một xu hướng hấp dẫn. Nhưng, một lời cảnh báo, rằng nó sẽ chỉ hấp dẫn khi được chuyển thể theo hướng của người Việt, và được thực hiện nghiêm túc bởi một ê kíp chuyên nghiệp mà thôi…

                                                                                                            TheoCAND

Các bài mới
Các bài đã đăng