Văn nghệ trong nước
Vở Hoàng đế Quang Trung dựng theo cách nào?
14:41 | 02/11/2009
Một cuộc họp thứ ba sẽ diễn ra trong tuần này nhưng không có vẻ khả quan khi tiền tài trợ chưa có, tiền Nhà nước chỉ chi nhỏ giọt, còn nguồn tiền xã hội hóa thì không dám phiêu lưu
Vở Hoàng đế Quang Trung dựng theo cách nào?
Cảnh trong vở Kim Vân Kiều diễn tại Nhà Thi đấu Quân khu 7 – TPHCM

Sau hai vở Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga gây đình đám cho sân khấu cải lương trong dịp Tết Nguyên đán hai năm qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tiếp tục lên kế hoạch thực hiện tác phẩm sân khấu cải lương mang tính thể nghiệm thứ 3: Hoàng đế Quang Trung diễn vào dịp Tết Canh Dần 2010, với mức kinh phí đầu tư dự kiến trên 1 tỉ đồng. Tuy nhiên cho đến nay, sau nhiều cuộc họp, lãnh đạo nhà hát vẫn chưa quyết định.

Nghệ thuật tổng hợp hay thuần chất cải lương?

Nhìn lại hai vở diễn mang tính thể nghiệm: Kim Vân Kiều (tác giả Hoàng Song Việt), Chiếc áo thiên nga (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Hoàng Song Việt) đều do NSƯT- đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng, giới chuyên môn đã có nhiều tranh luận.

Có ý kiến cho rằng sự thể nghiệm của hai vở cải lương hoành tráng này đã cho thấy các vở diễn cải lương có thể thoát khỏi truyền thống đóng khung trong các rạp hát để đến được với đông đảo công chúng tại các sân khấu quảng trường (công diễn tại Nhà Thi đấu Quân khu 7 – TPHCM với hơn 4.000 khán giả mỗi đêm). nghệ thuật sân khấu cải lương, từ hai vở này, cũng đã thể nghiệm thành công việc kết hợp được xem là kỷ lục giữa dàn nhạc cổ dân tộc với dàn nhạc giao hưởng thính phòng, đồng thời lần đầu cải lương kết hợp một lúc nhiều loại hình nghệ thuật: tuồng, chèo, hát bội, hồ quảng, xiếc, múa và cả opera.

Tuy nhiên, không ít người trong giới chuyên môn cho rằng hiệu quả thể nghiệm hai vở cải lương này chỉ dừng lại ở mức kết hợp được nhiều bộ môn vào một vở diễn dàn dựng hoành tráng.

Theo Giáo sư -tiến sĩ Trần Văn Khê: “Đừng xem đây là biện pháp tối ưu để thay thế những vốn quý đã thuộc về di sản của sân khấu cải lương. Cách làm mới chưa chắc đã là cơ sở để nâng cấp cải lương trong thời đại hôm nay, cái chính là phát huy nội lực của cải lương, không thể rước nhiều vị khách các nơi đến nhà rồi để vai trò của người chủ nhà mất đi. Cải lương phải mang vai trò chủ đạo. Cải lương là bộ môn nghệ thuật mang tính chất mở nhưng phải chọn lọc, không hòa tan và lẫn vào các bộ môn khác”.

Từ nhiều ý kiến có khác biệt về yếu tố thể nghiệm của những vở diễn thuộc chương trình Hội ngộ tài năng này nên quan điểm giữa Ban Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và thành phần chế tác vở Hoàng đế Quang Trung vẫn chưa đi đến thống nhất. Phía nhà hát mong muốn dàn dựng tác phẩm này thuần chất cải lương, còn nhóm chế tác vẫn bảo lưu việc thể nghiệm như hai tác phẩm trước đã làm.

Cần hay không cần ca sĩ tân nhạc?

Theo ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, kinh phí Nhà nước cấp cho kế hoạch dàn dựng vở Hoàng đế Quang Trung không đủ để dàn dựng khi tổng chi phí lên tới tiền tỉ.

Dù kế hoạch này được đề xuất như một tác phẩm sân khấu góp phần chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội nhưng nguồn vốn chính để dựng vở chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí tài trợ và hùn vốn theo mô hình xã hội hóa. Vì thế, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tỏ ra thận trọng và muốn chấm dứt việc thể nghiệm như hai tác phẩm trước, đề nghị tổ chế tác thực hiện vở diễn thuần chất cải lương trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình (TPHCM).

Phía tổ chế tác, cụ thể là đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, cho rằng: “Tôi chấp nhận ý kiến dàn dựng thuần chất cải lương, đưa về dựng tại nhà hát Hòa Bình để giảm kinh phí như nhà hát đã yêu cầu. Kịch bản Hoàng đế Quang Trung này chỉ có 5 diễn viên chính, khoảng 10 diễn viên phụ. Thế nhưng ở những màn chuyển cảnh, mà toàn là đại cảnh, phải cần đến sự tham gia của các ca sĩ tân nhạc. Bởi không nghệ sĩ cải lương nào chịu hát những đoạn phụ này để hỗ trợ cho các nghệ sĩ khác thay đổi phục trang, thay đổi cảnh trí. Nghệ sĩ ngôi sao ai cũng muốn được hát chính, đó là một thực tế mà khi làm tôi rất đau đầu. Do vậy, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà... sẽ tham gia phần tân nhạc thể hiện tâm trạng, nỗi lòng của các nhân vật trong lúc chuyển cảnh, với phần âm nhạc do các nhạc sĩ: Lê Quang, Đức Trí, Thanh Liêm, Minh Ngọc sáng tác".

NSƯT Hoa Hạ cũng tâm sự "nếu nhà hát quyết định dừng ngay vở Hoàng đế Quang Trung, tôi sẽ rất mừng, vì năm nào tôi cũng đổ tâm huyết để làm mà toàn gặp những điều chẳng vui. Thuần chất cải lương trên một sàn diễn như Nhà hát Hòa Bình nếu không có những kỹ xảo, không có những ngôn ngữ mới lạ trong dàn dựng để tạo sự đột phá thì cũng sẽ là một vở diễn bình thường. Chưa kể đến việc cần quy tụ các ngôi sao của nhiều bộ môn để thu hút khán giả đúng như tên gọi Hội ngộ tài năng. Hơn nữa, sân khấu quay Nhà hát Hòa Bình đã bị hỏng, việc chuyển cảnh không như trước mà phải có những cảnh phụ do ca sĩ tham gia biểu diễn”.

Theo NSƯT Vũ Linh: “Nếu dựng đúng chất cải lương, quy tụ đủ các ngôi sao cải lương ở nước ngoài về nước tham gia, như: Phượng Liên, Chí Tâm, Tài Linh, Linh Tâm, Phương Hồng Thủy, Thanh Hằng... sẽ hấp dẫn hơn, đúng chất Hội ngộ tài năng giữa anh em nghệ sĩ cải lương hơn”.

Thu không đủ bù chi

Đầu tư tiền tỉ nhưng doanh thu không đủ bù chi là nỗi ám ảnh của lãnh đạo Nhà hát Trần Hữu Trang trong hai mùa Tết vừa qua, khi cả hai vở Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga không tìm ra nhà tài trợ như ý muốn.

Ban Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đứng ngồi không yên trong những ngày sắp công diễn hai vở cải lương này, cụ thể, những ngày cận Tết, ông Phan Quốc Hùng, giám đốc nhà hát, phải ôm cả bao vé chạy khắp nơi cầu cứu các doanh nghiệp mua ủng hộ để có thể mở màn trình diễn.

Nặng vốn hơn là chi phí đầu tư cứ phát sinh, mọi chi phí từ phông màn, đạo cụ, trang trí đến trang phục, bục bệ, ánh sáng, âm thanh đều phải thuê mướn và làm mới. Tiền đầu tư cảnh trí của hai vở lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng diễn xong vài suất ở Nhà Thi đấu Quân khu 7 đành phải bỏ vì không có kho chứa, lại không ký được hợp đồng để tái diễn.

Việc tái diễn cũng không hề đơn giản khi phải quy tụ lực lượng nghệ sĩ, diễn viên múa, dàn nhạc, võ sĩ... hàng trăm người. Chính vì thế dự định lưu diễn hai tác phẩm Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga đến các TP lớn trong cả nước để thu hồi vốn đã hủy bỏ.


                                                                                                            Theo NLĐ


Các bài mới
Các bài đã đăng