Văn nghệ trong nước
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: “Ca trù xứng đáng trở thành nghệ thuật thưởng thức đa phương tiện”
15:57 | 02/11/2009
Khi niềm vui về hai loại hình hát quan họ và ca trù được UNESCO công nhận là di sản thế giới đã lắng lại, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về sự lo lắng cho công việc tiếp theo: làm thế nào để đưa ca trù cũng như những loại hình dân ca vào đời sống hiện đại?
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan: “Ca trù xứng đáng trở thành nghệ thuật thưởng thức đa phương tiện”
Ông Đặng Hoành Loan

Là người góp phần hoàn tất hồ sơ ca trù để gửi đến tổ chức UNESCO, ông đã trải nghiệm những cảm xúc như thế nào khi tận mắt nhìn thấy ca trù, quan họ có nơi mong giữ, có nơi lãng quên?

Tôi chỉ là một trong nhiều người cùng làm công việc hoàn tất hồ sơ quốc gia hát ca trù trình UNESCO mà thôi. Tôi may mắn được làm công tác điền dã sưu tầm âm nhạc dân gian trong hơn 30 năm qua, trực tiếp tham gia làm hồ sơ ca trù tròn 5 năm nhờ GS Trần Văn Khê giới thiệu.

Những chuyến điền dã là cơ hội để tôi tiếp xúc với nhiều nghệ nhân, nhiều địa phương có hai di sản ca trù và quan họ. Hai loại hình di sản này có hai số phận khác nhau. Quan họ được chúng ta nghiên cứu, phát triển ngay từ những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều bài hát quan họ đã được những người làm công tác văn nghệ thời ấy sưu tầm chỉnh lý rồi hát cho đồng bào và bộ đội nghe. Sau này (1954 – 2009) trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Tiếng nói Việt , Truyền hình Việt ) thường xuyên có phát những bài hát quan họ. Đấy là chất xúc tác mạnh làm cho nhân dân vùng quan họ tự hào, gìn giữ vốn di sản này tương đối trọn vẹn. Còn ca trù thì ngược lại. Do biến thái trong cung cách hành nghề, nên ngay sau cách mạng Tháng tám thành công nó đã bị tẩy chay để rồi dần suy thoái. Sự tẩy chay của xã hội mạnh đến độ nhiều nghệ nhân ca trù khi chúng tôi đến gặp họ không dám nhận mình từng có nhiều năm hành nghề. Nhiều dòng họ ca trù từ chối cung cấp thông tin về lịch sử dòng họ mình. Họ như vẫn còn điều gì đó ám ảnh rất sâu trong tâm khảm. Hầu hết các cán bộ lãnh đạo địa phương không biết hoặc chỉ lờ mờ về loại hình nghệ thuật này.

Nhưng cảm xúc đặc biệt nhất của tôi là chỉ hơn năm sau, chúng tôi điền dã lần thứ hai thì cách suy nghĩ của người dân khác hẳn. Họ vui vẻ bộc bạch hết những điều mà họ biết về ca trù, họ hát tất cả những thể cách ca trù mà họ còn nhớ. Có những nghệ nhân còn bỏ rất nhiều thời gian để ôn luyện lại những thể cách một thời làm họ nổi danh trong làng hát.

Tôi cứ nghĩ, dường như trong dòng máu người Việt Nam luôn tồn tại một chất “kháng sinh” để bảo tồn “cơ thể văn hoá truyền thống của mình”.

Ông đã từng nói “làm sao đưa ca trù vào đời sống?” Hẳn khi thốt lên điều này, ông đã suy nghĩ rất nhiều?

Làm sao đưa ca trù vào đời sống xã hội là câu hỏi không chỉ của riêng tôi mà còn của rất nhiều người yêu thích hình thức âm nhạc trác tuyệt này. Những suy nghĩ của chúng tôi cũng trùng với nội dung “Kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ ca trù” có trong hồ sơ quốc gia. Nếu thực hiện triệt để, kịp thời, đồng bộ những giải pháp có trong hồ sơ, tôi tin chắc ca trù sẽ có chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật truyền thống hôm nay.

May mắn hơn ca trù, loại hình quan họ được gìn giữ tương đối trọn vẹn. Ảnh: TLHN

Bên cạnh việc đưa ca trù vào đời sống chính là việc đi tìm không gian cho ca trù thực sự được sống với những người mê thích ca trù, tò mò về ca trù và cả những du khách thập phương cũng được nhìn thấy, chạm vào nó bằng những xúc cảm mạnh mẽ?

Ca trù và quan họ đều cần có không gian văn hoá phù hợp để trình diễn. Ngày xưa, đối với quan họ không gian đó là những ngày xuân – ngày xuân đi hát, hội làng đi hát, ngủ bọn tập hát, cưới hỏi, vui hát v.v... Những không gian đó đang được phục hồi và phát huy. Còn ca trù có ba không gian trình diễn là đình làng, hát chơi, và hát Chúc hỗ trong cung vua phủ chúa. Ngày nay không gian Chúc hỗ không còn nhưng còn hai không gian hát đình và hát chơi. Hát đình (ca trù cửa đình) có hát thờ và hát quan viên (là lối hát chơi ở trong đình sau khi hát hoàn tất canh hát thờ). Còn hát chơi có rất nhiều kiểu khác nhau: hát chơi khao vọng, hát chơi văn thơ, hát chơi mừng sinh nhật. Vậy tức là các không gian hát ca trù vẫn còn nhiều. Vấn đề còn lại là tạo ra sự ham thích để các lối hát dần trở lại trong sinh hoạt. Mặt khác chúng ta chuyển đổi chức năng, chuyển đổi không gian để nó trở thành nghệ thuật thưởng thức bởi ca trù xứng danh trở thành nghệ thuật thưởng thức đa phương tiện.

Theo ông, vì sao thế hệ trẻ bây giờ xa rời truyền thống?

Quan họ và ca trù được gìn giữ, phát huy, trước hết sẽ bảo tồn “gen âm nhạc và văn hoá âm nhạc” cho muôn đời sau. Nhiều người nghĩ thế hệ trẻ đang quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Tôi nghĩ ngược lại. Chúng ta, xã hội chúng ta, những người làm văn hoá chúng ta chưa có trách nhiệm đầy đủ trong công tác giải thích, truyền bá thường xuyên, tường tận về cái hay, cái độc đáo, cái Việt Nam trong toàn bộ vốn di sản cho lớp trẻ. Tôi có đôi lần được mời đến nói ngoại khoá cho sinh viên về âm nhạc cổ truyền, tôi thấy trong họ ánh lên sự thích thú và yêu mến âm nhạc cổ truyền Việt .

                                                                                                            Theo SGTT


Các bài mới
Các bài đã đăng