Văn nghệ trong nước
'Thơ là hàng ế ẩm, chỉ CLB thơ VN bán được thơ'
15:12 | 04/11/2009
“Không phải chúng tôi phủ nhận chất lượng mà là không đặt vấn đề bắt buộc phải chất lượng. Tôi biết là nhiều người có thơ kha khá một chút thì tuyên bố là không thèm chơi với CLB Thơ Việt nhưng…” – Nghệ sĩ Bành Thông, Chủ tịch CLB Thơ Việt chia sẻ.
'Thơ là hàng ế ẩm, chỉ CLB thơ VN bán được thơ'
Hội nghị BCH mở rộng của CLB Thơ Việt Nam năm 2008 (Ảnh tư liệu)

Ba năm: 1000 hội thảo và 5000 hội viên

- Người ta đồn rằng CLB Thơ Hương Ngoại Ô hoạt động mạnh quá nên đã “bành trướng” vào cả nội thành Hà Nội và mở rộng phạm vi hoạt động, trở thành CLB Thơ Việt Nam?

- CLB Thơ Việt Nam có văn bản của Bộ Nội vụ, Bộ VH TT&DL cho phép thành lập từ tháng 5/2006. Từ đó đến nay, chúng tôi đã ba lần đại hội, tổ chức được 1000 hội thảo, phát triển tới 5000 hội viên trên khắp các tỉnh, thành toàn quốc, có CLB Thơ Trẻ online (trên 1000 hội viên) và 146 CLB Thơ ở các tỉnh từ Lạng Sơn cho tới Bà Rịa – Vũng Tàu; chia thành 4 cấp: trung ương, cấp tỉnh, huyện và cơ sở.

Mọi người nói gì thì nói, hoạt động của CLB là dựa trên nhu cầu của những người yêu thơ. Chúng tôi không phải là tổ chức chính trị nghề nghiệp mà là tổ chức xã hội, tạo ra sân chơi cho các nhà thơ. Các nhà thơ nghiệp dư không với được những cấp cao hơn có chỗ chúng tôi để giao lưu. Chúng tôi không tính chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Tất cả những người làm thơ đều là nhà thơ. Ai tài thì người đó nổi tiếng.

Hội viên của chúng tôi 75% là người cao tuổi, quỹ thời gian không còn nhiều. Họ không biết chơi gì vì rất tốn kém và không phù hợp với sức khỏe. Thơ thì chơi sáng trưa chiều tối đều được, một mình cũng được, nhiều người cũng được.

Nghệ sĩ Bành Thông (Ảnh: HB)

Chưa một tổ chức nào trên thế giới (?) in nhiều thơ bằng CLB Thơ Việt . Cứ hai tháng, chúng tôi ra một thi san gồm 2000 bài của 1000 tác giả. Cho đến nay, trong ba năm, chúng tôi đã in được trên 40.000 bài thơ của 15.000 tác giả. Và khoảng 40.000 cuốn sách thơ đã ra đời với hàng triệu độc giả trên toàn quốc.

- Ông có thể cho biết nguồn kinh phí để in các tập “Hương Đất Việt” này từ đâu ra?

- Ai có thơ in thì mua một cuốn. Cũng có người mua hai, ba cuốn, có người mua hàng trăm cuốn. Nó mang tính chất góp gạo thổi cơm chung. Những bài thơ đó có thể khó in ở báo Trung ương hoặc các báo khác thì chúng tôi in. Có thể người chuyên nghiệp đánh giá là thơ này chưa hay nhưng nó phản ánh được nhiều hình thái của dân tộc.

Hơn nữa, thơ là một mặt hàng ế ẩm trên thị trường hiện nay. Duy nhất chỉ có CLB Thơ Việt chúng tôi là bán được thơ. Chúng tôi còn có cả tạp chí Người yêu thơ nữa. Nói thì mang tính khoe khoang nhưng những việc chúng tôi làm được thì đã bánh đúc bầy sàng ra như thế, ai chả rõ.

Xin tài trợ cũng chỉ được dăm ba bận thôi. Quan trọng là chúng tôi tạo được ra nguồn tiền từ các ấn phẩm để hoạt động.

- Việc này có bất bình thường không vì nó không giống với cách phát hành sách báo? Tại sao chính người in thơ lại bỏ tiền mua thơ?

- Người yêu thơ tự nguyện mua cơ mà, không có gì bắt buộc họ cả. Các tập “Hương Đất Việt” không có nhuận bút. Họ có bài được in thì mua về làm kỷ niệm. Giá mỗi tập chỉ có 40.000 thôi mà được đọc tới hai ngàn bài thơ.

Cả nước có 1 triệu người làm thơ

- Liệu có cần thiết phải phát triển số người làm thơ đông đến như thế?
- Hội viên là do chúng tôi quy tụ họ lại trong các CLB, chứ ước tính cả nước có tới khoảng 1 triệu người làm thơ cơ mà.

- Con số đó căn cứ vào đâu, thưa ông?

- Chúng tôi cứ tính phổ thông là gần như xã nào cũng có CLB Thơ, có xã có tới 7-8 CLB thơ, làng tôi chẳng hạn, cũng có 4 CLB thơ. Mọi người làm thơ nhiều như thế mà không có sân chơi. Chúng tôi làm cho họ vui thì cũng không ảnh hưởng gì. Họ vào CLB Thơ Việt thì tư cách của họ khác hẳn đi, trước đây có những người hay uống rượu say, làm thơ đả kích hoặc ăn mặc lôi thôi, phát ngôn bừa bãi. Nhưng khi đứng trong hàng ngũ của chúng tôi thì họ đứng đắn hẳn lên. Tiêu chí đầu tiên của chúng tôi là nhân cách chứ không phải tác phẩm văn học.

Thế nhưng khi được nhận thẻ, có những người đã tổ chức hẳn một buổi gặp mặt như ngày hội lớn đón chiếc thẻ này, có khi có chương trình ra mắt tập thơ cùng với trình diễn thơ và biểu diễn văn nghệ tại sân vận động của địa phương mà thu hút gần 2000 người xem. Nhiều CLB chuyên nghiệp cũng chưa làm được như thế.

Chúng tôi là CLB theo hình thức xã hội hóa. Các hội Văn học Nghệ thuật mỗi năm được Nhà nước tài trợ hàng tỉ đồng nhưng chưa chắc đã hoạt động sôi nổi được như chúng tôi, cho nên có thể họ không khoái chúng tôi phát triển (?).

- Phát triển về số lượng và tạo sân chơi thì rất tốt, nhưng chất lượng thơ vẫn là yếu tố quan trọng chứ, thưa ông? In nhiều nhưng chất lượng không tốt thì người ta xì xào là đó là “hàng thứ phẩm”?

- Đã là sân chơi thì có chân giầy có chân đất nhưng tất cả mọi người đều được chơi chứ. Ví dụ như hàng triệu cầu thủ cùng đá bóng nhưng chỉ có vài người nổi tiếng như Công Vinh, Văn Quyến thôi. Có thể là thơ của CLB chưa hay đối với những người xét đến tính chuyên nghiệp nhưng lại hay nhất đối với bản thân người đó. Thế thì tại sao không cho họ chơi? Nhiều người in thơ xong rồi vứt lăn lóc có bán được cho ai đâu, ngay cả bên Hội Nhà văn, có người in một ngàn cuốn thơ còn tặng mãi không hết. Trong khi đó, chúng tôi lại bán được, thế thì tại sao lại không in?

Không phủ nhận chất lượng nhưng không nhất thiết phải chất lượng

- Nghe có vẻ thị trường quá?

- Tôi nhận luôn là chúng tôi thị trường. Có thể chúng tôi chỉ bán gia vị thôi nhưng không có gia vị thì món chính cũng kém ngon đi. Hơn nữa, thị trường đâu có xấu. Phim mì ăn liền, tiểu thuyết bán chạy đầy ra đấy, họ vẫn có khán giả của họ. Chúng ta đòi hỏi nhiều về chất lượng nhưng sách thơ của các nhà thơ đâu có bán được. Chúng tôi luôn muốn tạo ra những cái khác người. Ngay từ cái bằng khen, cái huy hiệu đến kỷ niệm chương, chúng tôi đều làm rất sang. Hội viên của chúng tôi rất tự hào với các huy hiệu này.

Tôi cũng đã mười năm làm P. TBT Báo Văn nghệ (Hòa Bình). Không phải chúng tôi phủ nhận chất lượng mà là không đặt vấn đề bắt buộc phải chất lượng. Tôi biết là nhiều người có thơ kha khá một chút thì tuyên bố là không thèm chơi với CLB Thơ Việt Nam nhưng có tới 300 hội viên Hội Nhà văn vẫn in thơ ở chỗ chúng tôi đấy thôi. Như Quỳnh Hoa (vợ nhà thơ Chử Văn Long) đã tuyên bố với chồng rằng in ở đây thì mới dễ nổi tiếng, mới có nhiều người đọc.

- Tại sao người làm thơ lại thích nổi tiếng đến thế? Nếu nói nặng người ta sẽ bảo là háo danh thì sao?

- Háo danh tức là phải mua danh. Đằng này chúng tôi tự bỏ tiền ra in thơ và mua thơ để tạo sân chơi với nhau. Ví dụ như một người có cái áo đẹp nhưng trái mùa mãi không có cơ hội mặc, đến lúc có gió lạnh về thì đem ra khoe. Chuyện mặc rõ ràng có phải cho mình đâu mà là cho người khác đấy chứ. Như thế có gì xấu đâu. Quan niệm của chúng tôi là ăn cái gì mình thích, mặc cái gì người ta thích, chơi cái gì cả hai cùng thích.

- Nghe nói CLB đang có đề án thành lập Hội Thơ Việt ?

- Bộ Nội vụ khuyến khích chúng tôi thành lập Hội Thơ Việt . Hội viên đông đến thế này thì không còn sinh hoạt theo hình thức CLB nữa mà là phải thành lập Hội rồi.

- Thành lập Hội thì liệu các ông có đi vào con đường mòn "đào tạo ra các nhà thơ"?

- Không, chúng tôi chỉ là sân chơi thôi. Thật sự ra, cứ cho hoạt động bình thường thì chúng tôi cũng chả cần thành lập Hội làm gì. Nhưng cho đến tận bây giờ chúng tôi vẫn phải dùng dấu vuông vì chỉ là CLB. Có những tỉnh không tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động mà gây khó khăn.

Từ tháng 4/2007, chúng tôi đã có Hồ sơ xin thành lập Hội Người yêu thơ Việt và cho đến nay là Đề án Hội Thơ Việt . Sở dĩ chúng tôi xin thành lập Hội chỉ vì muốn có tư cách pháp nhân.

- Ý kiến của phía Hội Nhà văn thì thế nào? Dù sao Hội Nhà văn cũng đang có Ban Thơ? Và tiêu chí của Hội Thơ có gì bị trùng với Hội Nhà văn VN?

- Anh Hữu Thỉnh ban đầu cũng không đồng ý với việc thành lập Hội Thơ Việt lắm. Nhưng sau khi chúng tôi xin ý kiến Bộ Nội vụ thì chúng tôi được biết là có thể thành lập vì không trùng tên với Hội Nhà văn. Chúng tôi còn đang chờ ý kiến của Ban Tuyên giáo.

- Nhưng các nhà thơ nổi tiếng thì đều ở bên chỗ Hội Nhà văn hết rồi. Vậy CLB Thơ (hoặc Hội Thơ Việt sau này) sẽ mãi mãi chỉ mang tính nghiệp dư thôi à?

- Thế thôi. Chúng tôi xác định mình chỉ là sân chơi thôi, không hướng đến tính chuyên nghiệp. Hội Thơ khác hẳn Hội Nhà Thơ đấy nhé. Chúng tôi có chú trọng các nhà thơ phải tài năng và phải nổi tiếng đâu.

- Theo ông dự tính thì hoạt động của Hội Thơ đó có chồng chéo gì với các Hội VHNT không?

- Chúng tôi luôn tổ chức các hoạt động sinh hoạt thơ. Bên các Hội VHNT thì chỉ có hội viên sinh hoạt còn chúng tôi thì mở rộng ra tới toàn dân: Người làm thơ, người phê bình thơ, người yêu thơ, người biểu diễn thơ, người phổ nhạc thơ, người tài trợ cho thơ… Chỉ trong 3 năm mà có tới 5000 hội viên nên chúng tôi cũng bị áp lực nhiều lắm. Có người cho rằng vào đây rồi thì không được kết nạp vào Hội Nhà văn. Nhưng chúng tôi ở đây không có cơ quan chủ quản, chỉ là tổ chức xã hội, ai thích chơi thì vào. Tinh thần của chúng tôi là "Tự nguyện, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Tôi biết là tôi đang cưỡi hổ. Nếu có gì đó không thuận thì tôi sẽ tự đào thải mình. Nhưng chúng tôi làm vì xã hội và chỉ cần được hoạt động thôi. Hơn nữa, có nhiều người không thích khiến chúng tôi càng dặn mình phải làm tốt hơn.

                                                                                                    Theo VietNamNet


Các bài mới
Các bài đã đăng