Văn nghệ trong nước
Diễn viên ta biết diễn xuất hay chỉ bắt chước đạo diễn?
09:15 | 06/11/2009
Theo đạo diễn Công Ninh, giảng viên trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM, nếu so diễn viên sân khấu trẻ bây giờ với thế hệ trước dễ thấy một độ chênh khá rõ.
Diễn viên ta biết diễn xuất hay chỉ bắt chước đạo diễn?
Cảnh trong vở kịch Sống thử của đạo diễn Công Ninh

Chỉ làm theo đạo diễn

Trước đây, mỗi khi được giao vai, diễn viên phải tìm hiểu, phân tích cụ thể hoàn cảnh, diễn biến tâm trạng nhân vật với vốn hiểu biết nhất định về cuộc sống, văn hoá. Từ đó, họ biết cách sáng tạo khi nhập vai trên sân khấu, đạo diễn chỉ là người chỉnh sửa.

Thế nhưng, diễn viên ngày nay hầu như rất lười tư duy, ít chịu đào sâu tâm lý, tìm hiểu kỹ lưỡng hoàn cảnh xã hội, lý lịch nhân vật, vì thế vai diễn của họ thường thiếu chiều sâu. Theo đạo diễn Công Ninh, ngày nay, diễn viên có lợi thế là năng động, gần gũi với cuộc sống, bắt kịp hơi thở thời đại, tiếc là họ lại lạm dụng quá nhiều vốn sẵn có ấy nên không chịu sáng tạo thêm. “Diễn viên trẻ dễ rơi vào chủ quan. Nếu gặp được nhân vật nào giống với mình, họ diễn xuất rất tốt nhưng khác đi một chút là coi như... thua”.

Theo Công Ninh, khi dạy ở trường, anh thường để sinh viên tự suy nghĩ về nhân vật, tư duy cách thể hiện thế nào cho hiệu quả. “Thế nhưng, khi lên sàn tập dựng vở tôi vẫn phải phân tích giải thích rất nhiều, rất kỹ về nhân vật cho diễn viên và không ít lần phải thị phạm để diễn viên bắt chước mà làm theo”.

Không ít đạo diễn có chung nỗi niềm với nghệ sĩ Công Ninh, bởi khi ra sàn tập, gặp phải tình huống khó, nhiều diễn viên không biết phải thể hiện thế nào cho đúng và rơi vào tình trạng lúng túng, bị động. Lúc ấy, họ chỉ muốn đạo diễn chỉ dẫn trực tiếp, cụ thể thế nào để làm lại y chang. Điều này là tối kỵ trong nghệ thuật, vì mỗi nghệ sĩ dù hoạt động ở lĩnh vực nào, vị trí nào cũng cần có sự vận động, sáng tạo mang cá tính riêng chứ không phải rập khuôn một cách máy móc.

NSND Lan Hương cho biết, hiện nay đạo diễn làm việc rất mệt vì lúc lên sàn tập, nhiều diễn viên không biết gì, cũng không nghĩ được gì mà cứ đứng "đơ" ra đó. Từng là diễn viên, đôi lúc chị cũng muốn nhảy lên để bảo diễn viên phải làm thế này thế khác, song luôn phải cố kìm mình lại. Chỉ khi nào bí quá, đến nỗi diễn viên không thể diễn được, chị mới lên thị phạm. “Tôi không thể chịu đựng được khi thấy 10 diễn viên diễn giống mình cả 10. Tôi muốn các em tự nghĩ cách thể hiện riêng”.

Theo NSND Lan Hương, ở sân khấu phương tây, diễn viên nhận được vai là về nhà tự tập cho nhuần nhuyễn. Khi lên sàn tập, đạo diễn bảo cách diễn đó không ổn thì họ phải nghĩ cách khác. Còn ở mình, đạo diễn làm gì, diễn viên làm nấy. Do vậy, trên sân khấu chỉ thấy cá tính của đạo diễn mà không thấy màu sắc của diễn viên.

Cũng chính vì thế, diễn viên ngày nay thường dễ bị đóng khung với một dạng nhân vật, tính cách nào đó, trong khi một nghệ sĩ thực thụ là phải hoá thân vào nhiều nhân vật, cá tính trái ngược nhau. “Vì không chịu sáng tạo nên diễn viên trẻ dù có tài thiên bẩm cũng bị hạn chế nhiều, thường họ chỉ toả sáng sau một vài vai diễn, sau đó dễ lặp lại mình và trở nên nhạt nhoà”, đạo diễn Công Ninh cho biết.

NSND Lan Hương cùng các diễn viên trong vở Vườn Thiên đàng.


Đạo diễn cũng tiết lộ, mức thị phạm hiện nay của anh đã chiếm khoảng 20% sức sáng tạo của diễn viên. “Nếu đạo diễn thị phạm khoảng 30 đến 50% công việc diễn xuất thì lúc đó diễn viên trở thành robot và tất cả chỉ là kỹ thuật mà không cảm xúc.

Thiếu đam mê

Nhiều nghệ sĩ lão thành thừa nhận, diễn viên trẻ thích chạy theo sự nổi tiếng nhất thời hơn là suy nghĩ, đầu tư lâu dài cho sự nghiệp. Họ thích nhận nhiều vai, xuất hiện liên tục để khán giả nhớ hơn là đầu tư công phu cho một vai diễn để đời.

NSND Lan Hương lấy ví dụ, khi sang Tây Ban Nha, chị gặp một cậu diễn viên rất trẻ đựơc giao đóng một vai nhỏ trong trích đoạn truỵện Kiều của Việt . Khi thấy các đồng nghiệp Việt nhập vai dễ dàng mà mình thất bại, cậu đã ra một chỗ vắng tự đấm vào mình, tỏ vẻ vô cùng uất ức. “Chỉ xuất hiện trên sân khấu hai phút, nhưng họ phải dằn vặt đến thế cho một vai diễn, đủ thấy sự đam mê thế nào”.

Không những thế, diễn viên nước bạn thường tự khám phá những khả năng khác của mình ngoài diễn xuất. Ví như, khi diễn kịch, họ có thể đồng thời tung hứng, làm trò khiến vai diễn trở nên đa màu sắc, đủ sức lôi cuốn khán giả đến với sân khấu kịch thường xuyên.

Mới đây, những ai được xem đoàn kịch Batida của Đan Mạch biểu diễn hẳn sẽ thấy sức hấp dẫn toát ra từ tài nghệ của diễn viên. Ngoài diễn xuất, họ còn chơi nhạc, nhảy múa, thậm chí làm ảo thuật ngay trên sân khấu. Mỗi màn diễn của họ là một sự tung hứng, giao hoà với khán giả chứ không chỉ đơn giản là kể một câu chuyện.

Trông người mà ngẫm đến ta, vì sao diễn viên họ đa tài mà mình thì chỉ quen bắt chước?

Theo vẫn theo NSND, đạo diễn Lan Hương, diễn viên ngày nay thiếu đam mê ngay cả trong thời gian học hành. Khi ra trường, được nhận về một nhà hát nào đó, có nghĩa đã được nhà nước bao cấp nên thường bằng lòng với thực tại, ngại nỗ lực để vươn lên khẳng định mình. Trong khi đó, ở nước ngoài, diễn viên phải học tập rất khổ sở, khi ra nghề lại chịu sự canh tranh gay gắt, không làm được lập tức có người thay thế.

                                                                                                   Theo VietNamNet



Các bài mới
Các bài đã đăng