Văn nghệ trong nước
Trở lại việc hoàn táng vua Lê Dụ Tông - Cần "tài liệu hóa" di hài vua
08:29 | 10/11/2009
Với việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất hoàn táng di hài vua Lê Dụ Tông, thì việc đưa Ngài từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (LSVN) về Thanh Hóa chôn cất chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo nhận định của các chuyên gia bảo tàng, rồi đây chắc chắn chúng ta sẽ… vĩnh biệt “mặt rồng” mãi mãi, bởi hầu như không thể xây dựng một lăng mộ bằng… kính để có thể tiếp tục chiêm ngưỡng “long nhan” Ngài.
Trở lại việc hoàn táng vua Lê Dụ Tông - Cần
Di hài vua Lê Dụ Tông. Ảnh Tư liệu

Vì thế, trước khi “vĩnh biệt”, một việc làm rất cần thiết cho khoa học là phải tiến hành “tài liệu hóa” thật đầy đủ về di hài vua. Đồng thời cũng phải “trả lại” những gì Ngài đã mang theo (đồ tùy táng)

Quá trình nghiên cứu thi hài vua

Sau khi mộ vua Lê Dụ Tông được phát hiện tại thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa và được khai quật, ngày 2/4/1964, trước sự chứng kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các nhà khoa học tổ chức mở quan tài. Quá trình mở có mời Xưởng phim tài liệu đến ghi hình và một số báo đến đưa tin.

Như vậy quá trình phát hiện và khai quật mộ vua đã được tiến hành khá bài bản chứ không phải là “chữa cháy” như một số thông tin trước đây. Và cũng chính nhờ sự “trở lại” gần như nguyên vẹn của nhà vua sau 250 năm mà nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa thời Ngài sống (thời Lê Trung hưng) đã được làm sáng tỏ, bổ sung thêm những bằng chứng sống động về một loại hình mộ táng đặc biệt là mộ xác ướp!

Sau khi quan tài được mở, ngày 18/4/ 1964, Bảo tàng LSVN đã công bố báo cáo kết quả khai quật và nghiên cứu mộ cổ và qua đó khẳng định đây là mộ vua, cùng bảng thống kê khảo tả 33 hiện vật tùy táng.

7 năm sau, một chuyên đề nghiên cứu về mộ hợp chất thời Lê Trung hưng (trong đó có mộ vua) đã được công bố. Chuyên đề đã tập trung nghiên cứu các vấn đề như: Xác trong các ngôi mộ này được giữ lại là một hiện tượng ngẫu nhiên nằm ngoài ý thức người chôn cất hay do người xưa đã nắm được kỹ thuật ướp xác? Căn cứ vào cách thức chôn không cải táng và định nghĩa ướp xác, nhiều ý kiến mới thống nhất gọi đây là những xác ướp.

Thứ nữa, những nhân tố làm cho xác chôn trong mộ và đồ tùy táng không bị tiêu hủy. Được chú ý và gây tranh luận và các nhân tố về chất liệu, kết cấu quan tài và quách mộ, về cách thức khâm liệm, về các chất thơm sử dụng... Tuy nhiên, nhân tố nào giữ vai trò tiên quyết thì có nhiều điểm chưa thống nhất. Có ý kiến thì cho rằng do chất liệu gỗ quan tài, có ý kiến lại cho rằng do yếu tố thời gian. Người này thì cho rằng do quan tài được gắn kín, không bị ảnh hưởng bởi môi trường và khí hậu bên ngoài. Người khác thì cho rằng sự bảo tồn của xác là kết quả tác dụng tổng hợp của tất cả các yếu tố trên.

Riêng về mộ vua Lê Dụ Tông, tác giả Đỗ Xuân Hợp đã phân tích kỹ về các nhân tố giữ cho thi hài nhà vua không bị tiêu hủy, đặc biệt là hiệu quả các chất thơm dùng để ướp xác.

Giữ gìn “hành trang” của vua

Trong hơn 40 năm bảo quản tại Bảo tàng LSVN, di hài vua chỉ có một thời gian ngắn được trưng bày rộng rãi tới công chúng. Còn phần lớn thời gian vua nằm lặng lẽ trong một chiếc quan tài kính, bên cạnh vẫn là chiếc quan tài cũ bằng gỗ san mộc; còn mũ, áo, giày, khăn thì để ở nơi khác - trong kho hữu cơ.

Những dấu hiệu về sự xuống cấp di hài vua là có thật, nhưng đó là tất yếu theo thời gian, chứ không thể đổ cho sự “chăm sóc” thiếu chu đáo về mặt khoa học của Bảo tàng. Cách đây hơn 20 năm, trong 2 ngày, 22 và 23/8/1987, Bảo tàng LSVN đã tổ chức họp bàn về các phương pháp nghiên cứu và bảo quản thi hài nhà vua. Thành phần tham gia gồm có lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của Bảo tàng và các chuyên gia của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Pháp y và Viện Khảo cổ học. Trong buổi họp, có nhiều ý kiến đề xuất các biện pháp bảo quản trước mắt và lâu dài nhằm không làm hủy hoại thêm và kéo dài tuổi thọ cho những hiện vật tùy táng. Việc nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, phong tục cũng được đề cập đến.

Một cán bộ bảo tàng tâm sự: “Lý tưởng nhất là đưa cụ vào quan tài chân không và bảo quản bằng các loại hóa chất đặc biệt, tốt nhất. Nhưng quanh đi quẩn lại thì vẫn là điều kiện Việt chỉ có được như vậy, và Bảo tàng đã làm hết sức để lo cho cụ có phòng điều hòa riêng biệt”.

Cùng với di hài, Bảo tàng LSVN hiện vẫn đang bảo quản quan tài và đồ tùy táng của vua. Nhiều thông tin cho rằng quan tài vua làm bằng gỗ ngọc am, tức gỗ pơmu. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia lâm nghiệp, các nhà nghiên cứu cho rằng gỗ ngọc am là gỗ samu (san mộc) khác với pơmu (bách mộc) và khẳng định, những xác chôn trong mộ hợp chất chỉ bảo quản được với quan tài bằng gỗ san mộc.

Khi mới khai quật, gỗ quan tài vẫn còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng. Hiện nay, quan tài được bảo quản trong phòng lạnh với chế độ nhiệt độ, độ ẩm được theo dõi sát sao. Tuy gỗ quan tài không còn tỏa ra mùi thơm nữa, và màu đỏ cũng không còn tươi như sau khi khai quật, nhưng chất lượng gỗ thì vẫn còn rất chắc chắn.

Nhà vua mang theo nhiều hành trang về cõi vĩnh hằng, với 3 chiếc áo long bào, 1 áo phượng, gần chục chiếc áo gấm, áo sa, áo vóc, áo lụa... tất cả đều đã được lập hồ sơ khoa học. Nhưng do chủ yếu bằng gấm và lụa, nên có thể trước khi đưa ra khỏi quan tài, những thứ đồ vải này đã ở trong tình trạng bở, mục rồi. Đến nay, sau mấy chục năm, dù được bảo quản trong kho có điều hòa nhiệt độ, nhưng hầu hết đều bị mủn, rách... thậm chí dính thành cục. Kể từ năm 2005, nhóm hiện vật này đã được bảo quản trong tủ khí Nitơ. Môi trường khí trơ này sẽ giữ cho hiện vật không bị hủy hoại thêm do vi sinh vật và vi khuẩn gây hại không có điều kiện để sinh sống và phát triển.

Nhà vua còn mang theo túi đựng bút, bút và sách... Cây bút lông của vua bằng trúc, nhưng đầu bút đã bị mất. Quyển sách của vua vẫn còn với bìa được bọc gấm thêu rồng, nhưng ruột sách thì trắng không có chữ nào, và đến nay đã bạc màu. Không khỏi “cảm khái” khi nhìn những đồ “ngự dụng” của Ngài, nhưng qua hơn 250 năm giữ được như vậy cũng là hết sức may mắn rồi.

Cần tư liệu hóa về di hài và phục chế đồ tùy táng

Trong các vua chúa phong kiến Việt , cho đến nay chỉ duy nhất có vua Lê Dụ Tông là chúng ta được chiêm ngưỡng di hài. Việc đưa di hài vua về hoàn táng là một quyết định đúng đắn không chỉ về mặt tâm linh mà cả về mặt khoa học, vì chúng ta đều biết rằng, việc tiếp tục lưu giữ di hài này là hết sức khó khăn.

Nhưng trước khi “vĩnh biệt” vua, nên chăng cần làm tư liệu thật tốt về di hài này. Ví dụ chụp hình, quay phim, làm tư liệu 3D... tóm lại là tài liệu hóa tốt nhất để phục vụ trưng bày, nghiên cứu sau này.

“Chúng tôi đã có công văn đề xuất việc này và đang chờ - một cán bộ bảo tàng tiết lộ - theo cán bộ này, thì cho đến nay, dù đã lưu giữ di hài vua hơn 40 năm, nhưng nhiều mặt “tư liệu hóa” vẫn chưa làm được.

Đưa vua về “hoàn táng”, vậy 33 đồ tùy táng có gửi theo Ngài không? Nhiều người đề xuất nên phục chế (làm phiên bản mới) các đồ tùy táng này (có thể “đặt hàng” các làng dệt truyền thống của Việt ). Được như vậy, chúng ta sẽ trả lại cho Ngài các quần áo mới theo đúng mẫu các đồ “ngự dụng” cũ, để Ngài được thong dong nơi chín suối. Còn các đồ tùy táng gốc thì nên giữ lại làm tài liệu.

                                                                                                                Theo TT&VH







Các bài mới
Các bài đã đăng