Văn nghệ trong nước
Bàn thêm về 1.575 thành ngữ - tục ngữ
08:35 | 10/11/2009
Giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt là một đề tài được nhắc đến rất nhiều trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập của đất nước hiện nay. Chứng minh cho sự giữ gìn tiếng Việt là các câu thành ngữ, tục ngữ vốn được sáng tạo và lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ người Việt.
Bàn thêm về 1.575 thành ngữ - tục ngữ

Từ hiểu sai, dùng sai
 
Cuốn theo những biến đổi mạnh mẽ của xã hội, các câu thành ngữ, tục ngữ cũng dần bị biến đổi theo cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, trong quá trình biến đổi đó, nhiều trường hợp các câu thành ngữ, tục ngữ đã sai lệch so với nguyên gốc, từ đó dẫn đến việc áp dụng sai vào trong văn bản. Việc viết sai, hiểu sai, dùng sai các thành ngữ, tục ngữ vô tình đã làm mất đi tính trong sáng của tiếng Việt.

Trong tình hình đó, cuốn sách 1575 Thành ngữ-Tục ngữ cần bàn thêm (NXB Văn nghệ) của học giả Lê Gia, tác giả của nhiều bộ sách nghiên cứu về ngôn ngữ dân gian Việt Nam, vừa được xuất bản đã giúp bạn đọc hiện nay hiểu rõ hơn về ý nghĩa thật sự của những thành ngữ, tục ngữ thường được sử dụng.

Trong lời mở đầu, tác giả đã nhấn mạnh cuốn sách không phải là một cuốn từ điển về thành ngữ, tục ngữ mà là một tác phẩm nhằm bổ sung thêm, giải thích lại ý nghĩa của 1.575 thành ngữ, tục ngữ mà vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan đã bị diễn giải, sử dụng sai trong các văn bản kể cả trong nhiều cuốn từ điển tiếng Việt, từ điển thành ngữ, tục ngữ.

Có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ vốn dĩ tưởng chừng rất quen thuộc, thường xuyên được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng bản thân người sử dụng cũng như một số sách từ điển hoặc không hiểu rõ hoặc giảng sai. Ví dụ điển hình như câu thành ngữ “Há miệng mắc quai”, nhiều sách từ điển cho rằng, hàm ý rằng đã trót ăn của ai rồi thì không thể mở miệng phê phán, tố cáo họ được. Theo học giả Lê Gia thì giải thích cách đó mang ý nghĩa đạo đức, đi vào ứng dụng cụ thể của câu hơn là ý nghĩa thật sự ban đầu. Theo ông, “quai” đây là quai nón. Khi đội cái nón lá thì ta phải kéo quai nón xuống mà vít cứng dưới cằm để nón khỏi bay. Và như vậy khi muốn há miệng ra cũng rất khó vì mắc cái quai nón ghì cứng cằm mình. Từ hình ảnh đó, thành ngữ hàm ý muốn nói: “Mình đã nhờ vả họ, suy tôn họ, đề cao họ, phục tùng họ, đội họ lên đầu (đội nón) rồi thì nay có muốn nói gì khác về họ cũng rất khó mở miệng ra mà nói vì tay chân họ, ảnh hưởng của họ (quai nón) sẽ giữ cứng miệng mình lại. Đó là tự mình khóa miệng mình”.

Cũng tương đồng như thế, ở câu tục ngữ “Một tiền gà, ba tiền thóc”, nhiều trường hợp được sử dụng, lý giải như là việc tham một món lợi nhỏ sẽ dẫn đến tổn thất, thiệt thòi lớn gấp nhiều lần sau này. Học giả Lê Gia cho rằng trên thực tế, câu nói này hàm ý: “Tiền vốn bỏ ra lúc ban đầu để mua cho có thì ít hơn nhiều so với tiền bỏ ra tiếp theo để nuôi dưỡng nếu mình muốn sử dụng, hưởng lợi”. Do đó, câu tục ngữ này ý khuyên nên tính toán đến khả năng lo toan sau này khi làm việc gì đó chứ hoàn toàn không phải mang nghĩa tiêu cực, phê phán...

Đến hiểu nhầm, dùng nhầm

Thậm chí, có khi thành ngữ, tục ngữ còn bị hiểu sai lệch hoàn toàn so với ý nghĩa ban đầu dẫn đến dùng nhầm. Điển hình nhất như câu thành ngữ “Xướng ca vô loài” vốn hay bị xem là một câu chửi mắng, dè bỉu những người làm nghề ca hát, biểu diễn sân khấu. Theo học giả Lê Gia thì thời xưa người ta chia xã hội ra làm bốn thành phần chính là “sĩ, nông, công, thương” (người có học, người làm ruộng, người làm công nghệ và người buôn bán) là những thành phần có đông người, được gọi là “Tứ dân”. Còn các thành phần ít người và bán chuyên nghiệp như lên rừng tìm kiếm lâm sản, làm dịch vụ như chèo đò, làm thuê… trong đó có giới “xướng ca” thì không được xếp vô loại nào cả (vô loài) tức là không thuộc hạng “Tứ dân”, chứ không có ý khinh khi gì cả. Việc ngại gả con cái, không thích cho con cái theo con đường này không phải vì “vô loài” mà do lúc đó tiền nhân không coi đây là nghề chính thức, mang tính nghiệp dư và chỉ có thể hành nghề khoảng chục năm, sau đó cùn nghề, thành thất nghiệp.

Là một học giả có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam, thế nhưng tác giả Lê Gia cũng khá cẩn thận khi dùng từ “cần bàn thêm” cho tác phẩm của mình. Ý kiến của học giả Lê Gia chỉ nhằm “bàn thêm”, góp thêm một cách hiểu được cho là tương đối đúng nhất về những câu thành ngữ, tục ngữ quen thuộc. Từ cách hiểu đúng sẽ dẫn đến dùng đúng thành ngữ, tục ngữ cho từng hoàn cảnh, ngữ cảnh khác nhau. Sự trong sáng của tiếng Việt vì thế sẽ được bảo vệ một cách hiệu quả hơn.

                                                                                                      Theo SGGPO







Các bài mới
Các bài đã đăng