Văn nghệ trong nước
Hợp tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch: Từ "Một chuyến đi" đến "Chuyến tàu kể chuyện"
09:17 | 13/11/2009
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đan Mạch, ông Sally Altschuler chia sẻ: Dự án hỗ trợ sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch khởi động năm 2006, sẽ kết thúc vào năm 2010, nhưng tôi hy vọng nó sẽ được tiếp tục dưới nhiều hình thức khác. Chuyến thăm Việt Nam của Nữ hoàng Đan Mạch lần này có nhiều chương trình văn hóa được ký kết sẽ là điều kiện thúc đẩy mối quan hệ giữa các nhà văn viết cho thiếu nhi của hai nước.
Hợp tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch: Từ

Từ xứ sở Anđecxen…
 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đan Mạch trong chuyến tháp tùng Nữ hoàng Đan Mạch thăm Việt Nam đã nói: Hai nước chúng ta tuy cách xa nhau về địa lý, mỗi nước nằm trên một bán cầu nhưng toàn cầu hóa và đối thoại đang đưa chúng ta lại gần nhau hơn. Từ ba năm nay, các nhà văn Việt Nam và Đan Mạch đã đồng hành trong một lĩnh vực thật dễ chịu - sáng tác văn học cho thiếu nhi. Dự án này do Đại sứ quán Đan Mạch hỗ trợ với sự tham gia của NXB Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội.
 
Từ xứ sở của Truyện cổ Anđecxen, các nhà văn, họa sĩ Đan Mạch tới Việt Nam đều đặn nhiều lần mỗi năm để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm viết, vẽ với nhà văn, họa sĩ của ta. Chủ đề trao đổi rất cụ thể: Mở đầu và kết thúc truyện ngắn ra sao, kỹ năng sáng tác truyện tranh thế nào, văn học giả tưởng là gì… Trong buổi trao đổi sáng 4-11, nhà văn, họa sĩ Đan Mạch chia sẻ việc "bếp núc" trong sáng tác văn học thiếu nhi với các tác giả Việt , qua đó mới thấy viết cho các em khó làm sao. Bên cạnh đó, hoạt động nhóm giữa tác giả và họa sĩ theo "kiểu Đan Mạch" để xây dựng ý tưởng, phát triển thành tác phẩm cũng là điều khá mới mẻ ở Việt .
 
Ông Sally Altschuler, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đan Mạch, người gắn bó với dự án từ những ngày đầu nhận định: "Mỗi năm, dù chủ đề khác nhau, thậm chí người viết cũng khác, không dễ so sánh sự thay đổi trong tác phẩm, nhưng tôi và những người làm dự án vẫn chọn được nhiều tác phẩm tốt từ cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi. Sự đổi mới đáng kể thể hiện trong mảng truyện tranh, ý tưởng hấp dẫn hơn, tranh đẹp hơn. Ông Sally cũng bày tỏ về sự khác biệt giữa sáng tác của nhà văn hai nước. Truyện thiếu nhi Việt có xu hướng lồng ghép một bài học giáo dục nào đó, tác phẩm của Đan Mạch đem lại cho trẻ sự trải nghiệm. Nhận định này không mới, nhưng vẫn khơi gợi điểm khác biệt dễ nhận ra giữa tác phẩm văn học thiếu nhi của ta và các nước.
 
Một trong những công trình thể hiện sự đối thoại, chia sẻ của nhà văn, họa sĩ hai nước là tác phẩm "Một chuyến đi" với 13 truyện ngắn. Cuốn sách này vừa có thêm ấn bản tiếng Đan Mạch và sẽ đến với thiếu nhi xứ sở Truyện cổ Anđecxen. Điều thú vị có từ sự hợp tác là truyện ngắn Việt sẽ do họa sĩ Đan Mạch minh họa và ngược lại. Dễ dàng nhận thấy những điều ngộ nghĩnh, sự trải nghiệm và vô số bài học hay qua cuộc giao lưu này.
 
Mỗi năm… tôi đã quen trở lại
 
Nhà văn Sally Altschuler nói: "Mang đến một tác phẩm hay cho thiếu nhi luôn là điều cần thiết. Nhưng đây không phải nhiệm vụ nặng nề, vẽ và viết cho trẻ đem lại cho chúng tôi rất nhiều niềm vui".
 
Trong thực tế, ngoài đội ngũ chuyên nghiệp, cuộc vận động sáng tác đã thu hút hàng trăm cây bút trẻ tham gia, ít nhiều khuấy động không khí viết cho thiếu nhi ở Việt Nam. Nhà văn Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng khẳng định "chất lượng sáng tác nâng lên qua từng năm". Nhưng hoạt động này không chỉ giúp ích cho người sáng tác hay thúc đẩy xuất bản, mà còn trực tiếp cổ vũ thú vui đọc sách của thiếu nhi Việt Nam.
 
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác, văn nghệ sĩ hai nước thường tổ chức chương trình "Chuyến tàu kể chuyện" để tới trò chuyện với bạn đọc nhỏ ở nhiều nơi. Tại mỗi điểm dừng, chương trình thành lập một CLB mang tên nhân vật trong Truyện cổ Anđecxen. CLB có 400 cuốn sách, do NXB Kim Đồng và Dự án hỗ trợ, trở thành điểm đến bổ ích cho thiếu nhi địa phương. Đến nay, đã có 12 CLB được lập tại nhiều tỉnh, thành phố. Nửa năm một lần, những người thực hiện chương trình sẽ trở lại CLB để bổ sung sách, giao lưu, trao đổi với bạn đọc. Tuy nhiên, thời gian quá ít cho những cuộc giao lưu và mỗi chuyến đi chỉ đủ cho họ gửi gắm ước ao sáng tạo, chưa đủ đầy đã vội vã ra đi, mang theo niềm tiếc nuối của bạn đọc nhỏ mọi miền.
 
Năm 2009 này, "Chuyến tàu kể chuyện" sẽ đến Hòa Bình và lập thêm CLB bạn đọc thứ 13. Cuộc vận động sáng tác 2009-2010, mang tên "Đối thoại với thiên nhiên" cũng vừa được khởi động. Giờ này sang năm, kết quả sẽ được công bố. Sally nói: "Mỗi năm tôi đã quen trở lại Hà Nội, Việt Nam. Được trao đổi, làm việc cùng các đồng nghiệp tại Việt Nam đã trở thành một niềm vui rất đỗi thân thuộc. Dự án sẽ kết thúc vào năm 2010, nhưng chuyến thăm của Nữ hoàng Đan Mạch vừa qua tại Việt Nam với những chương trình hợp tác văn hóa được ký kết sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng tôi trong các hoạt động tiếp theo.
 
Nghĩa là "Một chuyến đi", sự sáng tạo sẽ không phụ thuộc vào khuôn khổ của một dự án.

                                                                                                            Theo HNM





Các bài mới
Các bài đã đăng