Văn nghệ trong nước
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Người sáng tác phải biết mở lối đi mới
14:51 | 16/11/2009
Vừa trải qua ca phẫu thuật mắt tại Viện Mắt TPHCM, và dù rất bận với nhiều công việc, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện vẫn dành cho SGGP những cảm nhận về tình hình âm nhạc hiện nay và giới thiệu những sáng tác mới của nhạc sĩ trong thời gian sắp tới.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Người sáng tác phải biết mở lối đi mới
NS Nguyễn Ngọc Thiện

- Phóng viên: Có vẻ sức khỏe nhạc sĩ đã tốt hơn trước rất nhiều?

NS NGUYỄN NGỌC THIỆN: Mắt hồi phục gần 100%, rất may không phải mang kính (cười). Tôi được anh em bác sĩ giúp đỡ rất nhiệt tình. Bây giờ kỹ thuật mổ mắt tiên tiến lắm chứ không như cách đây 15 năm phải sang Pháp hoặc Mỹ phẫu thuật.

- Nhiều người cho rằng, so với các thế hệ trước, không ít nhạc sĩ trẻ bây giờ dường như mất đi sự sáng tạo trong sáng tác, các ca khúc trẻ trung, trong sáng về tình yêu và cuộc sống ít dần, thay vào đó là các sáng tác dễ dãi, hời hợt. Nhạc sĩ nghĩ sao về điều này?

Đã có lúc ý tưởng sáng tác đến với tôi, nhưng phải 10 năm sau, ý tưởng ấy mới trở thành ca khúc. Một số nhạc sĩ trẻ bây giờ có vẻ dễ dãi và thực dụng, vì thế nhiều sản phẩm âm nhạc “tạp nham” ra đời tràn lan, bắt chước các dòng nhạc nước ngoài. Chưa kể đến việc có nhạc sĩ đem nguyên ca khúc nước ngoài, tự đặt lời Việt, rồi gắn vào đó hai chữ “sáng tác”. Tôi bị dị ứng khi nghe một số nhận xét: “Nhạc sĩ A viết một giai điệu đẹp như Triệu triệu đóa hồng hay nhạc sĩ B rất hợp với thể loại pop”. Một sự so sánh rất khập khiễng.

Khi bế tắc trong đề tài tình yêu, tôi mở lối đi mới, đó là chuyển qua dòng nhạc thiếu nhi. Tôi cũng thường nghe sáng tác hay của nhiều bậc tiền bối như Hoàng Vân, Phạm Tuyên nhưng là để học tập, tham khảo, chứ không đem nguyên cái của họ làm thành cái của mình. Điều quan trọng nhất đối với người nghệ sĩ là phải biết mình ở vị trí nào, ca khúc sẽ chuyển tải thông điệp gì về cuộc sống, chứ không phải sáng tác nhiều nhưng nội dung hoàn toàn rỗng.

- Gần đây, một số ca sĩ Việt nhưng lại tự đặt cho mình nghệ danh ngoại như Wanbi T.A, Akira Ph Jinni, Kiwi… Về nội dung ca khúc cũng rất xa lạ và ca từ tiếng Anh, tiếng Việt tùy tiện. Nào là: “Nếu khi xưa anh không là bạn thân để nói yêu em, thì hôm nay I want crying for you”, “Baby, please don’t leave me alone”… Cảm nhận của nhạc sĩ về vấn đề này?

Vấn đề này cũng giống như những năm 1970, khi đường phố chỉ toàn xe đạp, một chiếc honda xuất hiện lập tức sẽ gây sự chú ý cho mọi người. Âm nhạc cũng vậy. Trước đây, đã xuất hiện một số nghệ danh như Evis Phương… Tuy nhiên, các nghệ danh ấy đều được đặt theo nguyên nhân khách quan bởi các nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp. Bây giờ, để tạo sự nổi tiếng, gây sự chú ý, các ca sĩ trẻ tự gắn cho mình những cái tên nửa Tây nửa ta, nhiều ca sĩ sử dụng trang phục đi ngược với thuần phong mỹ tục, thậm chí một số còn tạo xì-căng-đan.

Đó còn chưa kể đến việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp như hát nhép hay tự tâng bốc quá đáng nhau lên như: “Ca sĩ A có chất giọng hay như Winney Houston”… Tất cả đều khoác lên mình lớp vỏ hào nhoáng để tạo sự nổi tiếng. Bạn thấy đấy, Evis Phương tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả không phải bằng cái tên lạ mà bằng chính giọng hát của ca sĩ. Đó là một giọng hát thuần Việt, đậm chất Việt. Điều tôi muốn nói rằng, thành công chỉ có thể được tạo nên bằng chính giọng hát của người ca sĩ.

- Người yêu nhạc ấn tượng về Nguyễn Ngọc Thiện bởi sự đa dạng trong phong cách, từ những bản tình ca đôi lứa, những ca khúc ngợi ca cuộc sống, quê hương đất nước, đến những bài hát thiếu nhi. Phải chăng cuộc sống đã cho nhạc sĩ nhiều sự trải nghiệm?

Tôi nể phục Trịnh Công Sơn bởi cách mà nhạc sĩ chuyển tải thông điệp cuộc sống mang chất thiền trong đó. Lắng nghe nhé: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi. Tôi cũng thích các sáng tác của Từ Huy – kẻ rong chơi cuối thế kỷ, có thể say khướt, rong chơi đến tột độ, để rồi sau đó để lại những giai điệu sâu lắng: Thuyền anh đó em cứ cuốn đi. Tình anh đó em cứ cuốn đi, cứ cuốn đi. Cứ cuốn đi, cứ cuốn đi theo em đời đời.

Tôi tự nhận mình là “kẻ nhát gan”, ít dấn thân. Nhưng bản chất con người tôi là vậy. Vì thế, tôi thích sự đa dạng trong phong cách, sáng tác đơn giản, dễ hiểu, mọi người đều có thể hát các ca khúc của tôi. Tôi thích viết về những gì mình tiếp xúc hằng ngày. Nếu bạn chịu khó quan sát, lắng nghe thì một chiếc lá, một cọng rơm, hay những áng mây dường như cũng có những suy nghĩ. Chúng hòa nhịp cùng bạn, cho bạn những cảm xúc thú vị. Đó là cảm xúc để “Ơi cuộc sống mến thương” của tôi ra đời.

- Dự định của nhạc sĩ trong thời gian tới?

Lâu nay, tôi ít sáng tác vì chưa tìm được giọng ca nào phù hợp với nhạc của mình. Nhiều ca sĩ bây giờ mong mau được ra hát sớm mà ít chịu rèn luyện. Album sắp tới của tôi có chủ đề là “Yêu để hát” gồm các ca khúc Yêu để hát, Nước mắt mưa rơi, Yêu trong mơ, Cười lên đi, Ghét và nhớ… Tôi đang tìm một nữ ca sĩ phù hợp với tiết tấu của những ca khúc trong album.

- Sao chủ đề lại là “Yêu để hát?”

Đơn giản lắm, hãy yêu đời, yêu người rồi hãy hát.

- Cảm ơn nhạc sĩ!

                                                                                                                  Theo SGGPO





Các bài mới
Các bài đã đăng