Trên thế giới, từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiều bộ phim kinh điển đã được làm lại. Những năm gần đây, trào lưu này cũng trở nên phổ biến hơn. Nhưng khác với thế giới, việc “remake” lại phim ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện ở mảng phim truyền hình. Lịch sử điện ảnh Việt Nam cho đến giờ chưa ghi nhận bộ phim làm lại nào, kể cả với phiên bản phim trong nước và thế giới. Khái niệm “phim phiên bản” trong bài viết này chỉ đề cập tới mảng phim truyền hình.
Từ phim mua bản quyền
Vài năm trước, các nhà sản xuất, đạo diễn vẫn thường than thở rằng, kịch bản phim Việt vừa yếu vừa thiếu dẫn tới việc ra đời nhiều bộ phim tồi. Nhưng rồi, “sau cơn mưa trời lại sáng” với sự nở rộ của hàng loạt bộ phim được mua bản quyền từ nước ngoài.
Trở lại thời điểm giữa năm 2005, Lasta - kẻ tiên phong “Việt hóa” những kịch bản được mua bản quyền từ Thái Lan thành những sản phẩm “made in Việt Nam” với Vòng xoáy tình yêu, Niềm đau chôn dấu - đã chịu không ít búa rìu từ công luận. Vòng xoáy tình yêu (đạo diễn Trần Quang Đại - Vũ Trường Khoa) dài 30 tập, phát sóng trên kênh HTV7 còn được chú ý hơn nữa bởi nó được sản xuất bằng công nghệ siêu nhanh: ba ngày/ tập phim và mở màn cho chương trình Giờ vàng phim Việt do Đài TH TP.HCM khởi xướng. Nhưng rốt cuộc, cả Vòng xoáy tình yêu và Niềm đau chôn dấu đều chung số phận: bị chê tơi bời. Lúc đó, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn có lý khi cho rằng, do thiếu kịch bản trong nước nên việc bổ sung từ nguồn kịch bản “ngoại” có thể chấp nhận được, nhưng phải thỏa mãn hai điều kiện: tỷ lệ phim “Việt hóa” phát sóng thấp; và đó phải là những kịch bản hay, được “nội hóa” một cách nhuần nhuyễn... Sau sự thất bại về mặt dư luận của Vòng xoáy tình yêu, Niềm đau chôn dấu, vẫn có những bộ phim phiên bản tiếp tục ra đời: Hoa dã quỳ, Vườn ảo thuật (kịch bản Hàn Quốc), Người mẹ nhí (Tây Ban Nha), Nhật ký Vàng Anh (Bồ Đào Nha)... Và hơn bốn năm sau “dấu mốc” mang tên Vòng xoáy tình yêu, có lẽ, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn sẽ phải trăn trở hơn, vì tới thời điểm hiện tại, phim phiên bản đã phủ sóng hầu khắp các kênh truyền hình.
Những dự án sản xuất phim phiên bản dài hơi chỉ thực sự được bắt đầu kể từ cuối năm 2007 khi Hãng phim truyền hình Việt Nam VFC khởi động dự án phim Những người độc thân vui vẻ (mua bản quyền của Trung Quốc) bằng việc xây dựng trường quay lớn nhất miền Bắc ở Hưng Yên. Ở phía Nam, Hãng phim Việt cũng bắt tay thực hiện bộ phim truyền hình ăn khách có tựa gốc Betty la fea được mua bản quyền của với phiên bản Việt có tên gọi Cô gái xấu xí.
Trong xu hướng “thừa thắng xông lên”, phim phiên bản đang nở rộ trên màn ảnh nhỏ với những bộ phim vừa mới kết thúc hoặc đang phát sóng: Có lẽ nào ta yêu nhau (kịch bản gốc là Anh em sinh đôi của Hàn Quốc), Cô nàng bất đắc dĩ (chuyển thể từ bộ phim Lalola được mua bản quyền của Argentina), Ngôi nhà hạnh phúc (kịch bản Full House nổi tiếng của Hàn Quốc từng được phát sóng ở Việt Nam với sự tham gia diễn xuất của hai diễn viên được yêu thích: Song Hye Kyo và Bi - Rain)... Đấy là chưa kể đến, hàng loạt phim phiên bản đang chờ ngày bấm máy: Đừng đùa với thiên thần (dự kiến dài 120 tập, mua bản quyền của ), hay Vinh quang gia tộc (kịch bản Hàn Quốc)...
Một chuyện thú vị là năm 2006, khi VFC tìm kiếm nguồn kịch bản từ nước ngoài, đã có một kịch bản của Trung Quốc được chọn. Nhưng sau đó, VFC mới vỡ lẽ, phim này đã được phát sóng tại Việt Nam với tựa đề Những cô con dâu nhà họ Khang. Vì thế, các nhà làm phim đã né kịch bản này và chọn Những người độc thân vui vẻ. Nhưng đến giờ, người ta đã không hề ngại những chuyện tương tự, bởi dựng phiên bản từ một phim nổi tiếng đã được cho là thành công một nửa về mặt tiếp thị
Đến “copy” kịch bản
Chuyện ca khúc Việt bỗng dưng bị phát giác copy giai điệu của một tác phẩm nước ngoài đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng việc một bộ phim bị cho là “thuổng” từ kịch bản nước ngoài lại là câu chuyện hoàn toàn thời sự. Bộ phim phát sóng thời gian gần đây trên VTV: Người đàn bà thứ hai được ghi khá chung chung: dựa theo cốt truyện của Trung Quốc. Tin vào điều không thể (vừa kết thúc đầu tháng 11/2009) lại được cho là “bản sao” của Cảm ơn anh đã yêu em từng phát trên sóng HTV năm 2007. Và cũng giống như ở Người đàn bà thứ hai, trên generic của Tin vào điều không thể cũng chỉ đề “tác giả chuyển thể: Vũ Thu Dung”. Vấn đề bản quyền trong phim truyền hình lại trở nên “nóng”.
Và kết quả là…
Cái cách “ăn sẵn” bằng một kịch bản ngoại đã nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới khi đến Việt Nam không phải khi nào cũng kết thành trái ngọt Lấy ví dụ từ Cô gái xấu xí - một bộ phim thành công về mặt doanh thu, có thể giữ khán giả theo dõi đến tận tập cuối cùng - vẫn bị chê bai vì nhiều tình huống không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Series phim hài tình huống Những người độc thân vui vẻ quy tụ cả dàn sao hài phía Bắc: Chí Trung, Vân Dung, Quốc Khánh, Quang Thắng... với sự tham gia diễn xuất của những nhân vật được yêu thích: M.C Long Vũ, người mẫu Bình Minh... đã phải ngừng phát sóng nửa chừng ở tập 170 trong khi VFC dự kiến sẽ làm tới tập 250 Vẫn biết phim chỉ là... phim, song Cô nàng bất đắc dĩ đang phát sóng cũng bị mổ xẻ ở những tình tiết bất hợp lý trong một tòa soạn báo. Đạo diễn Minh Chung của Cô gái xấu xí chia sẻ rằng: Khi “Việt hóa” một kịch bản ngoại, điều khó nhất là phải lược bỏ những tình huống không phù hợp với ứng xử của người Việt. Mà điều đó thì luôn ảnh hưởng đến bộ phim...
Trong khi đó, ở hai bộ phim “dính” tới “nghi án” bản quyền Người đàn bà thứ hai và Tin vào điều không thể, đạo diễn đã khéo léo khi để khán giả khó nhận ra dấu ấn của kịch bản ngoại. Nếu không có tì vết “bản quyền”, thì một cách công bằng, đây là hai phim phiên bản để lại ấn tượng tốt với không ít khán giả. Nói điều đó để thấy rằng, không phải chúng ta không làm được những bộ phim phiên bản mang chất Việt, mà quan trọng có chọn được kịch bản phù hợp và người thực hiện có đủ khả năng “phù phép” hay không.
Theo TTVH Cuối tuần
|