Văn nghệ trong nước
ĐD 'Ma làng', tác giả 'Luật đời' bàn về phim truyền hình
08:45 | 08/01/2010
Xã hội hoá đến đâu thì truyền hình VN cũng không thể bỏ đi nhiệm vụ, thế mạnh của mình là những bộ phim đi vào số phận của nhân dân, thân phận con người, những vấn đề nóng mà người dân quan tâm.
ĐD 'Ma làng', tác giả 'Luật đời' bàn về phim truyền hình
Phim truyền hình đang bùng nổ về số lượng.

Trong khuôn khổ cuộc hội thảo Nâng cao chất lượng phim truyện truyền hình do Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài THVN tổ chức sáng 7/1 tại HN nhân Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 29, VietNamNet ghi lại ý kiến của người trong cuộc về những tồn tại của phim truyền hình hiện nay cũng như gợi ý về cách để nâng cao chất lượng của nó.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Thiếu cơ chế khuyến khích làm phim hay!

Đạo diễn "Ma làng" - Nguyễn Hữu Phần

Người ta vẫn kêu ca về kịch bản, khâu quan trọng nhất của phim truyền hình, nhưng lại đang rất yếu và rất thiếu. Sở dĩ khâu kịch bản có vấn đề là vì không có sự tổ chức lực lượng biên kịch bởi hầu hết các hãng phim đều không có biên chế nào cho biên kịch mà chỉ có biên tập.

Mua bán kịch bản nước ngoài là việc hết sức bình thường trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta lại mua nhiều quá trong khi không bán được kịch bản nào, vì kịch bản của ta đề cập đến những vấn đề hết sức cá biệt, không có tính quốc tế.

Tôi thấy hiện nay việc mua kịch bản nước ngoài đang lạm phát nên các vấn đề trong phim cứ xa rời với cuộc sống, dù Việt hoá thế nào thì nó vẫn cứ xa lạ với chúng ta. Xã hội hoá phim truyền hình là một đường lối hay, huy động được rất nhiều lực lượng bên ngoài tham gia sản xuất phim, không chỉ khu biệt trong những hãng phim nhà nước nữa.

Nhưng quản lý một hãng phim nhà nước thì dễ chứ quản lý 100 hãng phim bên ngoài thì lại không đơn giản. Do vậy, hiện tại cứ anh nào chạy được tiền thì nhảy vào làm phim trong khi khâu kịch bản lại không quản lý được. Mục tiêu của các nhà làm phim xã hội hoá là lợi nhuận, nên họ buộc phải đi tìm nhà tài trợ và rồi phụ thuộc vào nhà tài trợ đó. Cho nên các bộ phim hiện nay đa phần bị lái theo ý muốn của các nhà tài trợ.

Để quản lý và nâng cao chất lượng phim truyền hình hiện nay, tôi cho rằng chúng ta phải có cơ chế khuyến khích bằng lợi ích cụ thể. Ví dụ ở nước ngoài, đạo diễn hay các thành phần làm phim đều được hưởng tỉ lệ phần trăm lợi nhuận từ bộ phim nếu nó thu lãi lớn từ việc bán phim hay quảng cáo. Trong khi hiện nay chúng ta vẫn giữ cơ chế khoán giá làm bộ phim ban đầu, sau đó phim hay dở hay phim hay, hút nhiều quảng cáo bị coi như nhau. Đây cũng chính là lý do không khuyến khích được người ta lo làm phim hay.

NSND Trần Phương: Tìm mãi chưa ra phim nào tiêu biểu

Gần 10 năm nay tôi được "chiếu cố" cho vào ban giám khảo của thể loại phim truyện truyền hình tại LH truyền hình toàn quốc nhưng tôi thấy các phim dự thi năm nay có dấu hiệu không tốt lắm. Tôi có cảm giác chúng càng ngày càng đi sai lạc, toàn những chuyện vụn vặt.

Cứ cái đà này thì rõ ràng phim truyền hình đang kém đi. Các phim ngắn thì đa phần giao cho những đạo diễn không có khả năng, năm nay tìm mãi chưa ra phim nào tiêu biểu.

Ngoài những phim dự thi, các phim đang chiếu trên truyền hình hầu hết là phim dựa theo kịch bản của nước ngoài hoặc nói về xã hội ở đâu đâu. Làm phim cho giới trẻ thì toàn con nhà giàu trong khi không thấy bóng dáng của con nhà nghèo hay những người ham học. Vị trí của nông thôn rất lớn nhưng nhân vật người nông dân là trung tâm của bộ phim thì ngày càng ít đi. Điều này cần phải xem lại.

Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến: Phim truyền hình đang chịu áp lực rất lớn về quảng cáo

Tác giả "Luật đời" nổi tiếng với các kịch
bản phim thuộc mảng đề tài chính luận
.

Nếu nói phải Việt hoá phim ngoại do kịch bản trong nước yếu là cực đoan. Nhưng hiện nay, lượng phim Việt phủ sóng trên truyền hình nhiều mà lực lượng biên kịch Việt , tuy cũng hùng hậu, cũng nhiều đấy nhưng chất lượng chưa phải đã đều. Việc Việt hoá kịch bản phim nước ngoài tôi cho cũng là một việc bình thường thôi vì các nền điện ảnh tiên tiến cỡ Hollywood còn mua kịch bản ngoại cơ mà. Vấn đề là ở chỗ mua kịch bản như thế nào và Việt hoá ra sao.

Gần đây dư luận lên án về việc này nhưng cá nhân tôi thấy bộ phim "Cô gái xấu xí" rất tốt. Rất nhiều kịch bản gần như chỉ có thể lấy cốt truyện, còn lại phải viết mới. Đây là việc làm rất khó nên có phim tốt, có phim không đạt cũng dễ hiểu. Tôi thấy phim truyền hình hiện nay của chúng ta đang loạn về thị hiếu và chịu áp lực rất lớn của quảng cáo. Một bộ phim làm ra mà không có nhiều quảng cáo thì coi như đó là một sự thất bại.

Trước đây, khi chưa có xu hướng xã hội hoá trong làm phim truyền hình và xã hội hoá chưa đều, chưa nhiều như hiện nay thì chúng tôi có thể thong dong làm những bộ phim chất lượng về đề tài xã hội, về chiến tranh, về thiếu nhi... Nhưng hiện nay, có cảm giác như tất cả đang bị cuốn vào vấn đề doanh số quảng cáo và điều đó tạo ra áp lực rất lớn đối với những người làm phim. Đôi lúc chúng tôi thấy hoang mang vì điều đó. Nhưng gì thì gì, xã hội hoá đến đâu thì truyền hình VN cũng không thể bỏ đi nhiệm vụ, thế mạnh của mình là những bộ phim đi vào số phận của nhân dân, thân phận con người, những vấn đề nóng mà người dân quan tâm.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - Giám đốc BHD: Kinh phí sản xuất phim cổ trang không thể đổ đồng với phim đương đại...

Các bộ phim về mảng đề tài chính luận, đề cập đến những vấn đề gai góc trong
cuộc sống ngày càng thiếu vắng.

Trước đây, và hiện tại vẫn thế, khán giả Việt Nam thuộc lịch sử Trung Quốc và biết về tập tục văn hoá của người Hàn Quốc hơn Việt Nam thông qua phim của họ. Nhưng hiện nay, những người làm truyền hình ít nhất đã làm được nhiều phim Việt hơn, chiếu hàng ngàn giờ phim truyền hình Việt trên sóng và thu hút được sự theo dõi của khán giả nhà.

Để khán giả thích phim truyền hình VN thì chủ đề phải đa dạng. Hiện tại phim truyền hình VN chủ yếu xoay quanh các chủ đề đương đại, thanh niên, những người trẻ. Để đa dạng chủ đề các phim sản xuất thì kinh phí sản xuất phim cũng phải khác biệt theo từng thể loại. Làm phim cổ trang thì không thể thực hiện với chi phí dành cho các bộ phim đương đại. Nhưng hiện tại, dù là phim ở thể loại nào, phim hay - phim dở, phim có nhiều quảng cáo hay không đều có mức giá như nhau.

Khi chỉ có một mức giá thì các hãng phim, nhà sản xuất chỉ có thể làm những đề tài an toàn nhất cho mình, mỗi năm giỏi lắm chỉ dám "phá cách" một lần rồi lại quay về cách làm cũ. 

                                                                                                   Theo VietNamNet






Các bài mới
Các bài đã đăng