Văn nghệ trong nước
"Tuýt còi" phim giải trí...
15:32 | 11/01/2010
Có tập phim Cô gái xấu xí khi phát sóng thu về cho Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) một tỉ đồng quảng cáo. Bỗng dưng muốn khóc trong thời gian trình chiếu tăng giá quảng cáo tới hai lần... Nhưng truyền hình sẽ không thể chi "ăn đong" bằng những bộ phim "ngoại lai" hay những câu chuyện tình yêu lãng mạn như thời điểm năm 2009 vừa qua. Liệu đã tới lúc phải "bẻ lái" con thuyền phim truyền hình.
Cô gái xấu xí khi phát sóng thu về cho Đài Truyền hình Việt Nam một tỉ đồng quảng cáo

1. Năm 2009, VTV phát sóng 360 giờ phim đặt hàng do các công ty tư nhân sản xuất trên cả hai kênh: VTV1 và VTV3. Doanh thu từ phim truyền hình Việt chiếm 20% tổng doanh thu của VTV. Trong số 20% này, nguồn thu từ phim xã hội hóa chiếm 85% (con số này năm 2008 là 70%). Có thể, những số liệu này phần nào lý giải sự xuất hiện đồng loạt của một dòng phim giải trí do tư nhân sản xuất với: Bỗng dưng muốn khóc, Chàng trai đa cảm, Lập trình trái tim, Xin lỗi tình yêu… và rất nhiều bộ phim với câu chuyện na ná nhau mà khán giả không thể nhớ hết!

Trở lại thời điểm 2005, khi Đài Truyền hình TP HCM (HTV) khởi xướng chương trình Giờ vàng phim Việt, VTV mới bắt tay bàn về việc xã hội hóa việc sản xuất phim truyền hình. Việc VTV "mở cửa" cho tư nhân đưa phim lên sóng diễn ra trong một lộ trình khá dài. Nhiều kịch bản được xem xét rất kỹ trước khi hai bên chính thức bắt tay ký kết hợp tác sản xuất. Nhưng khi cánh cửa xã hội hóa đã mở toang, luồng gió mới phim tư nhân ùa vào tràn ngập màn ảnh nhỏ.

Phải nói rằng, các công ty tư nhân dù không giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng khá nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu của thị trường với những câu chuyện tình yêu, kể cả tình yêu tay ba, tay tư, trong bối cảnh đô thị. Nhưng chất lượng của những bộ phim lên sóng thời gian qua còn quá nhiều điều cần phải bàn. Ông Đoàn Minh Tuấn – Phó TBT tạp chí Thế giới Điện ảnh – nói rất hài hước về phim Việt rằng: "Đa số diễn viên, nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, đều có ánh mắt dữ tợn mà nói như nhạc sĩ Trần Tiến thì đó là những "ánh mắt mang hình viên đạn". Nhiều cảnh phim, con nhìn cha gườm gườm, cháu nhìn ông uất hận, vợ nhìn chồng như muốn xé xác, chồng nhìn vợ như muốn thiêu cháy, hàng xóm nhìn nhau như muốn tuốt gươm, sếp nhìn thư ký đầy nham hiểm, đối tác nhìn nhau đầy âm mưu…". Một bộ mặt phim truyền hình thật đáng buồn nhìn từ hàng ghế khán giả!

2. Bức tranh một màu của phim truyền hình Việt trong năm 2009 chắc chắn sẽ thay đổi trong năm 2010 này. Chính đạo diễn Đỗ Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) – cũng cho rằng, một motive phim “ăn khách” khó có thể hấp dẫn khán giả đến lần thứ hai. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 29 (sẽ bế mạc tối nay, 8/1, ở Hà Nội), VTV đã có một động thái khá mạnh mẽ: Nói không với phim “Việt hóa” (không đưa vào danh sách chấm thi những phim sử dụng kịch bản nước ngoài) dù điều này đã khiến cuộc đua thể loại phim truyền hình dài tập chỉ có 4 phim tham gia – con số ít ỏi so với hàng nghìn giờ phim truyền hình Việt phát sóng năm qua.

Một cuộc hội thảo “mổ xẻ” phim truyền hình cũng được tổ chức sáng 7/1 tại Hà Nội. Biên kịch Phạm Ngọc Tiến, người chủ trì cuộc hội thảo khẳng định, năm 2010, phim truyền hình sẽ đa dạng về đề tài. Sự xuất hiện của dòng phim xã hội hóa trên sóng VTV vô hình trung tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh mà theo biên kịch Phạm Ngọc Tiến, nó gieo vào tư duy những người làm phim sự sợ hãi. Nó cũng khiến VFC – đơn vị có thế mạnh về phim chính luận – có nhận thức mới về phim giải trí. Bộ phim Bước nhảy xì – tin đang trình chiếu trên kênh VTV3 vào buổi chiều thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần là một thử nghiệm mới của VFC trong làm phim về tuổi teen.

Chạy án - vừa đoạt giải Cánh diều về nghệ thuật, vừa là phim được
khán giả yêu thích nhất. Năm 2009 hiếm những phim như vậy


Cũng hơi quá nếu nói rằng VTV sẽ “siết chặt” việc đặt hàng đề tài phim cho tư nhân. Nhưng theo bà Lê Thanh Trang (đại diện Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình - TVAd), năm 2010, VTV sẽ ưu tiên những kịch bản thuần Việt, khuyến khích đa dạng về đề tài: dã sử, hành động, phim vụ án… Bởi cho tới nay, những đề tài bám sát thực tế đời sống vẫn luôn thu hút khán giả. Chạy án là một điển hình. Phim làm nóng mặt báo từ khi chưa bấm máy, được trao giải Cánh diều phim truyền hình và ẵm luôn giải Phim được khán giả yêu thích nhất do độc giả tạp chí Truyền hình Việt bình chọn. Doanh thu quảng cáo của bộ phim cũng rất cao.

Năm 2010, VFC sẽ cho ra mắt bộ phim Bí thư tỉnh ủy (50 tập) – một bộ phim được kỳ vọng tạo dấu ấn với đông đảo khán giả. Bà Trần Phương Lan (Ban Tuyên giáo Trung ương) – cho rằng: “Làm thế nào để có phim hay là cái đích mà các nhà làm phim hướng tới. Điều này không phụ thuộc vào việc đó là phim của nhà nước hay tư nhân, phim chính luận, nghệ thuật hay phim giải trí, dài tập hay ngắn tập, phim thu hút được nhiều quảng cáo hay không. Được khán giả đón nhận là giá trị cuối cùng mà mỗi bộ phim và các tác giả trông đợi. Sắp tới, bộ phim Bí thư tỉnh ủy sẽ phát sóng, đề cập đến những vấn đề nhức nhối của một thời và dĩ nhiên, đó không chỉ là câu chuyện của một con người hay chuyện trong quá khứ. Những bài học cho ngày hôm nay là thông điệp mà những người làm phim muốn gửi gắm. Công chúng đang chờ đợi những bộ phim mới về những vấn đề xã hội đương đại, những bộ phim chuyển tải được những trăn trở, nghĩ suy trước thời cuộc…”.

LÀM PHIM TRUYỀN HÌNH BẰNG... LƯƠNG TÂM?

Trong cuộc hội thảo về phim truyền hình, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần – người được đặt biệt hiệu ông Phần "nông thôn", từng được biết đến với những: Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình… có đề cập tới một vấn đề khá tế nhị: chuyện tiền nong. Ông cho biết: "VTV thường quyết định một đơn giá đầu tư đồng hạng cho một tập phim từ 75 – 90 triệu đồng/ tập (50 phút); đối với các đơn vị xã hội hóa là 160 – 200 triệu/ tập (50 phút) mà không phân biệt đề tài chiến tranh, lịch sử, nông thôn, thành thị, địa điểm làm phim xa hay gần. Quan trọng hơn là khi nghiệm thu không có đánh giá phim hay hay dở. Điều đó vô hình trung khuyến khích làm phim dở! Hiện tại, hàng năm chúng ta vẫn có những bộ phim hay, được khán giả thực sự yêu thích. Nhưng thực sự, chất lượng phim truyền hình hiện nay đang phụ thuộc vào lương tâm của những người làm phim mà thôi".

                                                                                      Theo TT&VH Cuối tuần






Các bài mới
Các bài đã đăng