Văn nghệ trong nước
Việt hoá phim ngoại: Nên nhìn nhận như một bước đệm...
15:45 | 11/01/2010
Việc làm phim truyền hình theo những kịch bản nước ngoài đã được Việt hoá trong thời điểm này có lẽ nên nhìn nhận như một bước đệm, một cách học, để tiến đến khát vọng có những bộ phim đã thuần Việt, lại còn hay...
Việt hoá phim ngoại: Nên nhìn nhận như một bước đệm...
Người mẫu Trang Nhung và ca sĩ-diễn viên Minh Thư. ảnh: Â.T

Sáng 10.1, Cty VietComFilm (VCF - đơn vị thời gian qua thực hiện gia công một số phim của Hãng M.T.P) đã chính thức "xuất đầu lộ diện" bằng việc ra mắt đoàn làm phim "Anh em nhà bác sĩ" - phiên bản Việt. Đây cũng là phim đầu tiên VCF hợp tác sản xuất với Đài Truyền hình tỉnh Vĩnh Long. VCF mua bản quyền sản xuất phim của Hàn Quốc, việc Việt hoá kịch bản phần nhiều do nhà văn trẻ Trần Nhã Thụy - hiện là phóng viên văn hoá - văn nghệ Báo Tuổi Trẻ TPHCM - thực hiện.

Về chuyện làm sao thoát khỏi cái bóng quá lớn của phim gốc "Anh em nhà bác sĩ" với hai ngôi sao Hàn Quốc là Jang Dong Gun và Lee Yong Ae, ông Lê Quang Nguyên - Giám đốc ĐTH Vĩnh Long - chia sẻ: "Trong chừng mực nào đó, chúng tôi rất yên tâm với việc biên tập của nhà văn Trần Nhã Thụy. Phim cốt Hàn, nhưng được dựng với phong cách Việt". Đạo diễn trẻ Minh Cao cho biết: "Phiên bản Việt giữ lại 60% kịch bản gốc. Trong 40% còn lại, êkíp làm phim cố gắng Việt hoá tới mức cao nhất, tăng sự hấp dẫn của phim. Phiên bản Việt có một vài điểm khác, nổi bật là không quá bi lụy...".
 
Bốn nhân vật chính của phim do các diễn viên: Chi Bảo, Minh Luân, người mẫu Trang Nhung, ca sĩ - diễn viên Minh Thư đảm nhận. Phần nhạc do nhạc sĩ Vũ Quốc Việt đảm nhận. Cũng như với phim "Gia tài bác sĩ", Bệnh viện FV là nhà tài trợ chính cho phim. Phim dự kiến công chiếu vào tháng 5 trên ĐTH Vĩnh Long.

"Anh em nhà bác sĩ" - phiên bản Việt là một trong vài chục phim truyền hình Việt nay đã được công khai gọi là "dòng phim lai" trong 6-7 năm nay. Ưu - khuyết của những bộ phim "lai" có kịch bản gốc là nước ngoài, khán giả, dư luận thời gian qua đã nhận xét quá nhiều. Hiện trong thời điểm này, về phim lai, lời chê nhiều hơn tiếng khen, thì việc VCF vẫn quyết định làm "Anh em nhà bác sĩ" được nhìn nhận như một hành động "dũng cảm, liều mình như chẳng có".
 
Mà không liều cũng không được, bởi theo ông Lê Quang Nguyên: Trong năm 2010, tiêu chí 40% số phim chiếu truyền hình là phim Việt - đây là một nỗi "băn khoăn" lớn, một áp lực với nhà đài. Theo dự kiến, 2010, một đài truyền hình tỉnh như Vĩnh Long phải sản xuất 300 tập phim, trung bình khoảng 10 phim với độ dài 30 tập. Tìm đâu ra kịch bản? Do vậy, không chỉ đơn thuần là câu chuyện "làm đủ phim lấp sóng nhà đài".

Từng thành công với phim "Gia tài bác sĩ" (M.T.P sản xuất năm 2008) - một bộ phim cũng có đề tài về ngành y, ĐD Minh Cao thừa nhận: "Áp lực với những người làm phim là sự so sánh của khán giả. Cũng lo nếu lặp lại chính mình...".

Nhìn sang bên hội hoạ, cũng một hiện tượng tương tự: Dư luận nói nhiều về chuyện tranh chép và chép tranh. Song, nói như một nhà phê bình nghệ thuật, thì cái đáng lo ngại hơn cả là khi chính ông nghệ sĩ chép lại mình...

                                                                                                                    Theo LĐ





Các bài mới
Các bài đã đăng