Văn nghệ trong nước
Xuất khẩu văn chương: Ôm cây đợi… dịch giả ngoại
14:48 | 12/01/2010
Hội nghị văn học dịch Việt Nam (VN) khép lại ngày 10/1, nhưng nhiều vấn đề đặt ra vẫn ngổn ngang, chưa giải quyết.
Xuất khẩu văn chương: Ôm cây đợi… dịch giả ngoại
Nỗi buồn chiến tranh, một tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Việt Nam không thiếu tác phẩm hay

Theo dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc), người dịch Ông cố vấn của Hữu Mai, Chí Phèo của Nam Cao và Tắt đèn của Ngô Tất Tố sang tiếng Trung, VN không thiếu tác phẩm hay. Cụ thể, tiểu thuyết Ông cố vấn xuất bản ở Trung Quốc khá thành công. Bộ ba giáo trình giảng dạy truyện ngắn hiện đại VN do ông dịch sẽ được dùng trong các trường đại học ở Trung Quốc có dạy môn tiếng Việt.

Hai tác phẩm thơ đã được dịch sang tiếng Trung, gồm Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, cũng có ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, theo ông Chúc Ngưỡng Tu, nhìn chung độc giả Trung Quốc tiếp xúc với văn học VN chưa nhiều. Hai bên cần thúc đẩy quảng bá văn học.

Nữ dịch giả Anna Gustafsson (Thụy Điển) cho biết: “Tôi rất ấn tượng với tác phẩm của các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Thị Vàng Anh, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp. Năm 2008, truyện ngắn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần đã giành giải thưởng văn học thiếu nhi tại Thuỵ Điển”.

Theo Anna Gustafsson, chị yêu VN và ham mày mò nên đọc được nhiều tác phẩm của VN. Yếu tố mà nữ dịch giả này cảm nhận được trong những tác phẩm của VN là những giấc mơ và bản sắc VN. Khi dịch tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, chị nhận ra rằng nhân vật chính đúng là một cậu bé VN chứ không phải của nơi nào khác.

Ai “mò” được thì dịch

Hiện, số lượng dịch giả nước ngoài có tác phẩm dịch từ văn học VN đếm trên đầu ngón tay. Bởi lẽ, để tiếp cận và dịch được tác phẩm văn học này, họ phải nhẫn nại, tự mày mò. Trong khi đó, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu cho biết: “Trung Quốc rất coi trọng việc thực hiện chính sách văn hoá đối ngoại. Chúng tôi tổ chức dịch và in những tác phẩm hay của mình sang tiếng Anh, đồng thời thực hiện một số tạp chí in bằng tiếng Anh các tác phẩm của nhà văn Trung Quốc để quảng bá”. Theo ông Chúc Ngưỡng Tu, nhờ có hoạt động văn hóa đối ngoại mạnh, các dịch giả nước ngoài rất dễ dàng thăm dò, tìm hiểu, chọn lựa tác phẩm hay của Trung Quốc để dịch.

Ông Styrbjorn Gustafsson, Giám đốc nhà xuất bản Tranan (Thụy Điển), cho biết: “Chúng tôi nhận được nhiều nguồn văn học dịch từ các nước châu Âu, nhưng từ châu Á, đặc biệt là VN thì rất ít. Tôi và dịch giả Anna Gustafsson phải tự tìm đến các bạn và chọn lọc tác phẩm hay để dịch”. Dịch giả Thuý Toàn, Chủ tịch Hội đồng văn học dịch - Hội Nhà văn VN, thừa nhận: “Các tác phẩm văn học VN đều do các bạn dịch giả nước ngoài tìm đến…”. Nói về tình trạng “ôm cây đợi thỏ” của việc dịch tác phẩm văn học VN, dịch giả Thuý Toàn nhận định: “Yếu kém theo tôi là do nước ta chưa quan tâm việc quảng bá văn học VN ra nước ngoài”.

                                                                                                                        Theo ĐV







Các bài mới
Các bài đã đăng